Nữ sinh 'vượt tường lửa' đỗ chuyên Văn – Địa

Không chỉ đỗ chuyên Văn ĐHSP Hà Nội, cô nữ sinh Đào Phương Thảo (học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn đỗ cả chuyên Địa trường THPT Chu Văn An, đây là điều khiến nhiều bạn cùng lớp với em nể phục.

Gặp em trong buổi lễ “Gặp mặt và tuyên dương học sinh đạt thành tích cao” của trường em tỏ ra khiêm tốn với kết quả mà mình đạt được mặc dù, trong mắt em luôn ánh lên niềm vui.

Đi thi hai môn chuyên như cuộc dạo chơi

Thảo cho biết, từ nhỏ cho đến hết lớp 9 em vẫn học đều các môn, thậm chí môn Toán – Tin có phần nổi trội hơn cả. “Hồi lớp 6, đầu vào môn Văn của con không cao, có bài kiểm tra còn được 5,5 điểm. Chỉ đến năm lớp 7 mới chú ý đến môn học này”- Phương Thảo nói.

Đào Phương Thảo (giữa) cùng mẹ (bên trái ảnh) và cô giáo dạy văn Lý Thị Hà (bên phải ảnh).

Nói về lý do cô nữ sinh này đến với môn Văn, Thảo cho biết cô giáo chính là người truyền cảm hứng cho em. “Từ bé, bố mẹ đã rèn cho chị em con thói quen đọc sách. Mỗi ngày bắt buộc phải giành 1- 2 h để đọc sách từ những quyển truyện tranh có bìa đẹp cho đến những quyển sách kỹ năng sống và lớn hơn thì đọc những tác phẩm văn học kinh điển như Đồi gió hú, Không gia đình, Harry potter…Đặc biệt là mẹ con là người yêu Văn học nên có lẽ được thừa hưởng. Đến khi gặp cô giáo dạy văn hồi lớp 7, cô truyền cảm hứng khiến con từ không để ý đến yêu thích và say mê”- Thảo chia sẻ.

Không chỉ giỏi đều các môn, trong đó có Ngữ Văn, Thảo còn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của trường. Rồi cũng “tình cờ” em thi chuyên Địa vào Chu Văn An và không ngờ đỗ.

Chia sẻ bí quyết cùng lúc học giỏi đều các môn, đặc biệt môn chuyên, Thảo cho biết – nếu không đi học thêm, buổi tối em giành thời gian làm hết bài tập ở nhà, bài tập nâng cao, bổ sung …Ngoài ra, Thảo cũng học thêm 3 môn Toán – Văn – Anh để sẵn sàng cho kỳ thi. Riêng ngày chủ nhật, Thảo không đụng đến sách vở, giành toàn thời gian cho chơi với các em, hay sở thích vẽ tranh của mình. Gần ngày thi, các bạn thường dốc lực học còn Thảo thì không. Cô bé luôn ăn ngủ, nghỉ điều độ. Thậm chí trước ngày thi một tuần, em có chút lo lắng nhưng bố mẹ động viên “ đỗ cũng được, không đỗ thì cũng không sao” nên em đi thi chuyên như …một cuộc dạo chơi.

“Đọc kỹ đề, gạch chân cụm từ (các từ khóa) quan trọng trong đề và đặc biệt lựa chọn câu có kiến thức phù hợp với mình làm trước để tiết kiệm thời gian sau mới dành cho những câu khó. Đặc biệt, nên mang theo đồng hồ để giúp mình phân bổ thời gian tốt hơn trong khoảng thời gian làm bài thi”- Thảo bật mí bí quyết làm bài thi thành công.

Rèn cho con thói quen đọc sách

Không giấu niềm tự hào về cô con gái cả, chị Thúy Hoa (mẹ của Phương Thảo) cho biết, để có được kết quả hôm nay phần lớn nhờ công dạy dỗ của các thầy cô, nhưng để có nền tảng tốt tôi đã tạo thói quen đọc sách từ bé cho cả ba con. Phương Thảo là chị cả lại càng cần phải được thực hiện nghiêm túc để làm gương cho hai em.

“Từ bé Thảo là người cá tính, rất thích đẹp nên…lúc con còn nhỏ tôi thường chọn mua sách có bìa đẹp. Đến năm lớp 5- 6, Thảo cũng thích chơi game, tôi lại phải đặt ra yêu cầu cho phép con chơi trong vòng 30 phút nhưng phải đọc sách trong vòng 2 tiếng. Đến năm lớp 7 thì con hoàn toàn tự giác mà bố mẹ không cần phải nhắc nhở”- chị Thúy Hoa kể lại

Nói về cô học trò “cưng” của mình, cô giáo Lý Thị Hà (giáo viên dạy Văn trường THSC Lê Quý Đôn) chia sẻ: Có một thực tế là hầu hết học sinh bây giờ ngại đọc và không thích học văn. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm Văn học là người – nếu trẻ học Văn tốt thì tâm hồn sẽ đẹp, sống sẽ đẹp vì thế tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng, tình yêu văn học cho các em.

Và học sinh Phương Thảo là một ví dụ. Ban đầu cô bé này cũng không thích học văn, dù em rất thông minh với vốn từ vựng phong phú, kiến thức xã hội của em khá tốt. Thế nhưng bảo em sắp xếp chúng, chuyển tải vào trong nội dung bài kiểm tra thì ban đầu con không làm được. Mưa dầm thấm lâu, “tiết này qua tiết khác, ngày này qua tháng khác dần dà các con đua nhau. Đến năm lớp 7 các con tiến bộ hẳn, và Thảo vượt trội hơn hẳn so với các bạn”.

“Muốn làm được điều này, đầu tiên là phải tìm hiểu tâm lý học sinh. Việc tìm hiểu tâm lý giúp tôi biết suy nghĩ, tính cách của từng con như thế nào để từ đó có những điều chỉnh phù hợp cũng như khuyến khích các con yêu thích môn học.

Các tiết học, tôi luôn gắn với thực tế, dạy cho các con phương pháp học. Có những tác phẩm văn học gắn với vấn đề xã hội hiện nay trong khi đó học sinh ngại nhất cảm nhận văn học. Do đó, tôi thường hướng dẫn các con đọc tìm hiểu phát hiện ra điểm sáng của tác phẩm đấy (từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật – từ khóa hoặc cách thức diễn đạt, từ đó học sinh tự cảm nhận).

Tôi luôn khuyến khích học sinh đọc sách nhiều, giới thiệu cho các con những bài viết hay để học sinh đọc. Và có những món quà (đôi khi là vật chất, đôi khi là hiện vật) để động viên khích lệ các con tiến bộ”- cô Lý Thị Hà nhấn mạnh.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nu-sinh-vuot-tuong-lua-do-chuyen-van-dia-post231693.info