Nữ Tiến sĩ 9X mách nước thành công cho sinh viên

Trong số những Tiến sĩ xuất thân từ trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), Nguyễn Bích Hân là Tiến sĩ thuộc hàng trẻ nhất. Cô gái sinh năm 1990 này đã hoàn thành bậc học cách đây 3 năm tại Mỹ.

Nguyễn Thị Bích Hân là sinh viên khoa Công nghệ Sinh học khóa 2008 - 2012. Đề tài tốt nghiệp của Hân là “Phát triển phương pháp kiểm tra chất lượng thịt heo bằng việc đo trở kháng”.

“Khi học năm thứ ba, mình vẫn chưa mường tượng được sẽ làm gì khi ra trường, chỉ biết là rất yêu thích làm nghiên cứu, nhưng lại thiếu tự tin. May mắn khi mình chia sẻ những phân vân của mình đối với thầy hướng dẫn, thầy động viên mình nộp hồ sơ vào các chương trình Cao học ở Mỹ. Mình còn chần chừ nhưng thầy đã thuyết phục mình cứ thử đi để có trải nghiệm. Đến khi mình quyết định nộp đơn thì chỉ còn 2 tháng là hết hạn”, Hân kể.

Trong khoảng thời gian đó, Hân tập trung cho thi TOEFL, GRE và viết bài luận cá nhân. Từ sự cố gắng và một phần may mắn, kết quả học tập loại giỏi và cả thư giới thiệu của thầy cô ở trường ĐH Quốc tế, thành công đã đến.

Nguyễn Bích Hân khi đang học Tiến sĩ tại ĐH Kentucky.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, Bích Hân được nhận vào chương trình Cao học của khoa Hóa học, trường ĐH New Mexico (University of New Mexico – UNM) ở Albuquerque (Mỹ) và tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực khám phá ra thuốc mới, cụ thể là phát triển model để dự đoán cấu trúc phân tử dựa trên chuỗi giải trình của nhóm gene sinh tổng hợp (biosynthetic gene cluster) của polyketide nhóm II.

Năm 2018, cô gái 9X này tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ và tục làm nghiên cứu tại trường Dược thuộc ĐH Kentucky (University of Kentucky College of Pharmacy – UKCoP) ở Lexington. Tại đây, Bích Hân nghiên cứu cơ chế hoạt động của enzymes để tổng hợp các hợp chất nucleoside antibiotics (nhóm hợp chất có khả năng điều trị khuẩn lao phổi, và có tính kháng virus). Sau nhiều năm làm nghiên cứu tại trường, Hân chuyển sang làm cho một công ty khởi nghiệp trong mảng Công nghệ Sinh học. Hân hiện đang làm ở vị trí Synthetic biology Scientist.

Kể về thời sinh viên, nữ Tiến sĩ 9X cho rằng, may mắn là mình có nhóm bạn “rất ham học hỏi, sáng tạo và cũng rất tinh nghịch”. Cả nhóm thường tham gia vào các nhóm nghiên cứu ở khoa, cụ thể là nhóm của thầy Nguyễn Thái Lộc và thầy Nguyễn Tấn Khôi. “Khi làm nghiên cứu ở nhóm thầy Lộc và nhóm thầy Khôi, mình và các bạn đã có một quãng thời gian rất vui, vừa học hỏi được những điều mới, không chỉ về kiến thức mà còn thêm những kĩ năng khác vì các thầy rất khuyến khích tụi mình tham gia vào các cuộc thi khác nhau để thử thách bản thân”.

Từ lúc còn là sinh viên, Bích Hân đã tập một thói quen học bằng tiếng Anh và tự nghiên cứu thêm qua tài liệu. Theo Hân: “Việc học hoàn toàn bằng tiếng Anh là một ưu thế và cũng là thử thách đối với các sinh viên. Đặc biệt là các bạn yêu thích làm khoa học, “literature review” là một phần nên được lưu ý. Ngoài những kiến thức trên giảng đường, bạn có thể tìm thêm tài liệu liên quan. Hãy dành thời gian suy nghĩ xem bạn muốn “thu thập” được gì sau khi khóa học kết thúc chứ không phải điểm số”.

Lời khuyên của Hân cho các bạn muốn học cao học, là hãy chuẩn bị từ sớm: “Khi làm nghiên cứu sinh của bậc Tiến sĩ và Sau Tiến sĩ, mình nhận thấy việc làm khoa học là một quá trình lâu dài, nên phải tập được sự kiên định. Đã có nhiều lúc mình cảm thấy rất áp lực, muốn từ bỏ nghiên cứu, mình chọn cách chia sẻ với thầy hướng dẫn, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè của mình. Sau khi được “sạc pin” từ mọi người, mình lại tiếp tục con đường mình đi”.

Hiện tại, Hân làm trong một công ty khởi nghiệp, sử dụng công nghệ CREATE để tạo ra các biến đổi trên bộ mã di truyền một cách nhanh và hiệu quả hơn. Nhóm của nữ Tiến sĩ 9X này sử dụng công nghệ này để tạo ra các dòng vi khuẩn và nấm men sản xuất ra các phân tử sinh học được sử dụng trong đời sống hằng ngày như thực phẩm, dược phẩm, hương liệu… mà không cần qua quá trình tổng hợp hóa học (chemical synthesis) có thể gây hại cho môi trường. Công việc này giúp Hân áp dụng được những kiến thức và kĩ năng tích góp qua các năm làm nghiên cứu về mảng Sinh học tổng hợp (Synthetic biology), các quá trình tổng hợp sinh học (Biosynthesis) và Hóa học Sinh học (Biochemistry).

Việc “rẽ ngang” ra làm ở công ty startup là một trong những bất ngờ đối với Hân: “Lúc còn đang học mình và thầy hướng dẫn đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện về hướng đi tương lai. Mình nhận ra, dù rất ngưỡng mộ những nghiên cứu nền móng nhưng thấy bản thân phù hợp hơn với việc ứng dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tế để có thể tạo ra những sản phẩm được sử dụng trong đời sống hằng ngày”.

Bích Hân dành thời gian tìm hiểu về các công ty khởi nghiệp và liên lạc với thành viên sáng lập của một vài công ty. Trong nhiều hồi đáp đó, có sếp của Bích Hân hiện tại. Cô gái sinh năm 1990 thuyết phục được các thành viên đồng sáng lập rằng mình phù hợp với hướng phát triển của công ty và được đề nghị vào vị trí Scientist, cũng là thành viên thứ tám của công ty.

Theo Hân, dù đang là sinh viên hay đã trưởng thành, vai trò tư vấn của người hướng dẫn là rất quan trọng. Đây là điều mà sinh viên thường ít chú ý: “Mọi thứ với Hân chỉ là điểm khởi đầu. Một lời khuyên cho các bạn, hãy dành thời gian suy nghĩ xem mình muốn làm gì trong tương lai, và tìm đường đi đến mục đích mình đặt ra. Đừng ngại chia sẻ hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người xung quanh. Tự tin và chân thành khi nghĩ đến và bày tỏ ước mơ và nguyện vọng của mình”.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-tien-si-9x-mach-nuoc-thanh-cong-cho-sinh-vien-post1383196.tpo