Nữ tiến sĩ 'mê' nghiên cứu tế bào gốc

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, TS Vũ Bích Ngọc, SN 1986, hiện công tác tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Viện Tế bào gốc - trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

TS Vũ Bích Ngọc là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam. Chị từng đạt giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2017. Đến nay, TS Vũ Bích Ngọc đã có nhiều thành tích nghiên cứu được đánh giá xuất sắc khi là chủ nhiệm 2 đề tài các cấp, tham gia 4 đề tài cấp Nhà nước đã được nghiệm thu xuất sắc, trong đó đề tài “Nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc” được thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Chị cũng là thư ký và thành viên của công trình nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp”. TS Vũ Bích Ngọc còn tham gia các đề tài cấp cơ sở như “Xây dựng mô hình tế bào gốc thần kinh để sàng lọc dược chất có tác động kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc thần kinh”, do Sở Khoa học - công nghệ TP HCM chủ trì.

Nghiên cứu này mở ra triển vọng cho việc điều trị bệnh lý Alzheimer, Parkinson, những bệnh lý thoái hóa mà đến nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả. Ngoài ra, đề tài “Đánh giá tác động của các dược liệu Việt Nam trên các dòng tế bào gốc ung thư của người Việt Nam” của Ngọc cũng được đánh giá cao. Chị là tác giả của 15 bài báo khoa học, trong đó 4 bài là tác giả chính đã đăng trên các tạp chí thuộc lĩnh vực mình nghiên cứu.

TS Vũ Bích Ngọc là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017. ẢNH:NVCC

TS Ngọc cho biết cơ duyên dẫn mình đến với nghề nghiên cứu khoa học khá tình cờ, khác hẳn với niềm yêu thích trước đây của mình. Chị chia sẻ ngay từ nhỏ đã thích kinh doanh. Bản thân chị cũng từng giúp bố mẹ kiếm được khá nhiều tiền từ sở thích này. Đến khi lên cấp 3, chị cũng chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề nghiên cứu.

Tuy nhiên, khi đang làm khóa luận tốt nghiệp, chị vô tình nghe về tế bào gốc, một lĩnh vực mới mẻ so với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác. Đặc biệt việc nghiên cứu tế bào gốc còn liên quan trực tiếp đến con người nên chị càng cảm thấy tò mò và quyết tâm theo đuổi, đến khi làm rồi thì thấy “nghiện”, không sao dứt ra được.

Trong quá trình nghiên cứu, TS Ngọc gặp phải rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là thông tin về lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam khá ít nên TS Ngọc phải tìm đọc tài liệu tiếng Anh. Tuy nhiên, khả năng đọc hiểu tiếng Anh của chị khi đó còn hạn chế, dịch một trang có khi phải mất 1 ngày, cộng với phải tìm hiểu xem thuật ngữ chuyên ngành đó nên được hiểu như thế nào.

Hơn nữa, chị cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Số lượng người dùng phòng nghiên cứu khá nhiều nên có những đợt nghiên cứu chị phải làm vào ban đêm. Hiện tại, Viện Tế bào gốc đã được đầu tư nhiều trang thiết bị nghiên cứu nên công việc của TS Ngọc thuận lợi hơn.

Theo TS Ngọc, nghiên cứu là một nghề rất thú vị, đôi khi ngay cả các giả định ban đầu của mình đề ra cũng không dẫn đến các kết quả như mình mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, những người làm nghiên cứu luôn thu nhận được nhiều thông tin mới. Đó chính là những kinh nghiệm quý giá cho các thí nghiệm về sau.

Chia sẻ về công việc nghiên cứu mình đang theo đuổi, TS Ngọc cho rằng, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta còn nhiều hạn chế. Số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế còn ít. Số lượng sản phẩm ứng dụng ra thị trường cũng rất giới hạn…

Tuy nhiên, một số BV trên toàn quốc đang tăng cường xây dựng các đơn vị chuyên môn ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, đồng thời Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho điều trị hoặc phê duyệt các đề tài dự án cho phép thử nghiệm lâm sàng một số bệnh như đái tháo đường sử dụng tế bào gốc. Đây chính là một thuận lợi rất lớn cho ngành nghiên cứu y học tại Việt Nam.

“Thông qua các đề tài, các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những xu hướng nghiên cứu mới của thế giới. Từ đó định hướng cho những ý tưởng nghiên cứu của mình. Đây là sự hỗ trợ lớn nhất của Bộ Khoa học và công nghệ đới với các nhà khoa học trẻ”, TS Ngọc nhấn mạnh.

Tuy giành được rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu và mới đây trở thành một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 nhưng TS Ngọc rất khiêm tốn. Chị cho rằng, công việc nghiên cứu của mình chỉ thật sự ý nghĩa khi thành quả được áp dụng nhiều ở ngoài thực tế, giúp ích cho mọi người.

Cho dù gặp nhiều chông gai trên con đường nghiên cứu khoa học nhưng TS Vũ Bích Ngọc luôn khẳng định đó là sự lựa chọn đúng đắn với bản thân. Tình yêu với khoa học, với lĩnh vực tế bào gốc trở thành niềm đam mê cháy bỏng trong con người chị. Và càng khó khăn thì chị sẽ càng kiên trì theo đuổi.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nu-tien-si-me-nghien-cuu-te-bao-goc-112479.html