Nữ tiến sĩ nặng tình với cây lúa

Với những thành công trong nghiên cứu về giống lúa, tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã được Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Giải thưởng L'Oreál – UNESCO 'Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học' vinh danh là một trong ba nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019.

TS Phạm Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải qua)nhận Giải thưởng L’Oreál – UNESCO 2019

TS Phạm Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải qua)nhận Giải thưởng L’Oreál – UNESCO 2019

Lựa chọn và cơ duyên

Sinh ra và lớn lên tại huyện Giồng Trôm (Bến Tre), tốt nghiệp ngành nông học Trường ĐH Cần Thơ, Thu Hà về làm việc tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (CLRRI) từ năm 2006 - 2018. Tại đây, chị tham gia vào dự án chọn giống lúa xuất khẩu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD); Chương trình phát triển công nghệ để khai thác tiềm năng năng suất của các khu vực bị hạn hán của CLRRI (giai đoạn 2010 - 2014). Dự án nhằm mục đích nâng cao năng suất đất và nước của các hệ thống trồng lúa ở những vùng bị ảnh hưởng bởi mặn bằng cách tích hợp các chiến lược quản lý và cải thiện di truyền bền vững với môi trường và được xã hội chấp nhận.

Ngoài ra, chị còn tham gia dự án “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL” - CLUES: Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa’, đồng thời, tham gia dự án phát triển các dòng đơn gen kháng bệnh đạo ôn ở lúa gạo tại Đông Nam Á với nguồn vốn do Nhật Bản (JIRCAS) cung cấp. Gần đây, chị tham gia với vai trò phát triển QTL về khả năng chịu nóng của lúa trong dự án Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc sử dụng đất ở ĐBSCL: khả năng chịu nhiệt phát triển trên cây lúa do TS Bùi Chi Bửu làm lãnh đạo.

Nói về cơ duyên gắn bó với Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), chị chia sẻ: “Nông nghiệp và sư phạm là công việc mà tôi theo đuổi từ khi còn là học sinh phổ thông. Trong lần thi đại học năm 2001, tôi không đỗ vào sư phạm mà Trường ĐH Cần Thơ là nơi tôi bắt đầu tiếp cận nông nghiệp. Sau đó, tôi được mời thỉnh giảng tại Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long).

Khi tốt nghiệp TS từ Nhật Bản (2018), tôi đã chọn TDTU để bước tiếp con đường nghiên cứu nông nghiệp với một cơ duyên thật là tình cờ giống như ‘Bá Nha gặp Tử Kỳ’. Bởi, tôi nhận thấy nơi đây có một vị lãnh đạo - đó là thầy Lê Vinh Danh - một người có nhiều tâm huyết muốn xây dựng không chỉ về giáo dục mà còn muốn phát triển nông nghiệp cho đất nước. Cũng từ đây, tôi lại có dịp thực hiện ước mơ của mình là trở thành một giảng viên nghiên cứu trong môi trường đại học”.

TS Phạm Thị Thu Hà hướng dẫn SV làm thực hành tại phòng thí nghiệm TDTU.

Gian nan và quả ngọt

Từ khi tham gia vào nghiên cứu ở lĩnh vực nông nghiệp, TS Phạm Thị Thu Hà không ngừng cố gắng, nỗ lực trong mọi hoàn cảnh để đạt những thành tích tốt nhất. Chị là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 bài báo, 20 báo cáo hội nghị trong nước, quốc tế và một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau: OM6600, OM11267 (MNR1), OM11271 (MNR5) OM7398, OM10041, OM7345, OM10252, OM10375…

TS Phạm Thị Thu Hà đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền (từ 2009 - 2014); nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013), Bằng khen của UBND TP Cần Thơ (2013), Sinh viên xuất sắc của ĐH Hiroshima (2015), Học bổng MEX của Nhật Bản (2018); và mới đây là Giải thưởng L’Oreál - UNESCO (2019) với đề án nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại ĐBSCL.

TS Hà chia sẻ: “Khi tốt nghiệp ĐH, tôi chọn ngành Di truyền và chọn giống để nghiên cứu. Viện Lúa ĐBSCL là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Với sự dẫn dắt của GS Nguyễn Thị Lang - một người thầy trong chọn giống lúa tại Việt Nam, tôi đã tiếp cận dự án biến đổi khí hậu toàn cầu CLUES 2007 - 2014 về việc chọn giống chống chịu mặn. Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, như hạn hán, ngập mặn, nóng… vấn đề sản xuất lúa gạo càng gặp nhiều khó khăn, với sự tiếp cận dự án CLUES đó đã mang lại hiệu quả và lợi ích vô cùng to lớn cho nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo tại Việt Nam”.

Theo TS Hà, đề tài nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại ĐBSCL, nhằm mục đích tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, chẳng hạn như lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB), để phát triển các giống lúa chịu mặn năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam.

Làm NCKH đối với nam giới đã khó, với phụ nữ càng vất vả gấp nhiều lần. Chị đã không ngừng nỗ lực vừa học vừa làm, qua các chuyến đi tập huấn ở các nước nông nghiệp nổi tiếng. Những chuyến công tác đã giúp chị thu nhận nhiều kiến thức, kinh nghiệm, từ những bậc thầy, các giáo sư, các nhà khoa học, từ đó, bắt đầu một niềm tin về con đường mình đi là đúng đắn. Và chị đã chọn ĐH Hiroshima (Nhật Bản) để làm nghiên cứu TS.

Vừa học tập, nghiên cứu, vừa một mình nuôi con nơi xứ người, biết bao nhiêu vất vả, khó khăn đối với chị trong những năm tháng ấy. Nhưng chị đã không đầu hàng. “Có lúc tôi đã muốn từ bỏ, nhưng vì niềm đam mê nghiên cứu, sự giúp đỡ của bạn bè, những người thầy đáng kính và tương lai của con, tôi đã không ngừng cố gắng để hoàn thành đề án nghiên cứu. Tôi đã vượt qua khó khăn bằng nỗ lực, niềm tin, và đam mê để theo đuổi NCKH, đặc biệt là cây lúa” - TS Thu Hà tâm sự.

“Việc nghiên cứu về lúa giống như đam mê và là trách nhiệm không thể quên được trong cuộc sống. Tôi đã rất may mắn được đào tạo bởi những người thầy tâm huyết. Và tôi đang nối tiếp con đường NCKH với mong muốn truyền đạt đam mê này cho SV”.
TS Phạm Thị Thu Hà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nu-tien-si-nang-tinh-voi-cay-lua-4059266-bt.html