Nữ tiến sĩ vật lý tạo bước ngoặt trong ngành năng lượng sạch

Sinh năm 1982, nữ tiến sĩ vật lý Olga Malinkiewicz đã được nhắc đến trong nhóm các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới. Cô là tác giả phát minh công nghệ mới, khai thác năng lượng mặt trời với sự trợ giúp của vật liệu perovskite (gốm canxi titanat).

Phát minh bước ngoặt

“Tấm nhựa plastic dẻo không màu, mỏng như sợi tóc phủ lớp tinh thể perovskite có thể lấy năng lượng ánh sáng tự nhiên, hoặc ánh sáng đèn điện trở thành nguồn điện (pin dự phòng) cho điện thoại di động. Với phát minh của chúng tôi, các bạn sẽ có chiếc iPhone, mặt sau bỏ trống hiện nay được dán “máy phát điện” siêu mỏng”, TS Olga dẫn giải.

Tiến sĩ vật lý Olga Malinkiewicz

Đó là phát minh được giới thiệu trong cuộc họp báo quốc tế về ứng dụng vật liệu perovskite tổ chức đầu năm nay ở Barcelona (Tây Ban Nha). Sản phẩm là kết quả nhiều tháng lao động tích cực của TS Olga cùng tập thể các nhà khoa học trẻ thuộc hãng Saule Technologies.

“Đó chỉ là thí dụ ứng dụng công nghệ perovskite đầu tiên trong điện tử dân dụng. Trong những giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, tại phòng thí nghiệm của chúng tôi sẽ xuất hiện sản phẩm có diện tích và công suất ngày càng lớn, cho phép xây dựng thậm chí nhà máy điện mặt trời. Ứng dụng công nghệ perovskite, phát minh của TS Olga đã nhận được sự quan tâm của nhiều ngành công nghiệp”, TS Piotr Krych, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saule Technologies chia sẻ.

Khởi đầu của con đường

Công nghệ mới được giới chuyên gia coi là bước ngoặt trong ngành năng lượng sạch, đối với TS. Olga, đây mới là khởi đầu của con đường. “Có thể là modul lớn, chúng tôi sẽ lắp đặt trên mái nhà, thay thế modul thông thường sử dụng vật liệu silicon truyền thống đắt tiền”, TS Olga bật mí.

Mẫu sản phẩm đã được chế tạo có thể sử dụng trên diện tích lớn, thí dụ “dán” vào mặt kính các tòa nhà. Nguồn điện năng khai thác bằng cách này có thể sử dụng thắp sáng, làm mát và chạy các thiết bị điện sinh hoạt gia đình, công sở”.

“Hiện nay, việc sử dụng vật liệu perovskite sản xuất pin mặt trời là chủ đề hấp dẫn. Vật liệu có tính năng hấp thụ tuyệt vời ánh sáng, dẫn điện tốt y hệt silicon song dễ làm pin mặt trời hơn hẳn so với silicon phải nung chảy ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Giải pháp chúng tôi áp dụng không cần sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng nguyên liệu đắt tiền. Giá thành sản xuất sẽ thấp hơn nhiều so với các công nghệ khác trong lĩnh vực điện mặt trời”, nữ tác giả phát minh khẳng định.

Sản phẩm có thể dễ dàng được “phủ” lên mái nhà, dán lên xe hơi, thậm chí cả trang phục, để tận dụng năng lượng mặt trời. Đó chính là ý nghĩa lao động khoa học Hội đồng châu Âu đã nhận ra và đánh giá cao, khi trao cho nhà khoa học nữ Ba Lan giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi Photonics 21.

Tuổi thơ hồn nhiên và bến đỗ cuối cùng

Olga không bắt đầu với môn vật lý. “Thời tiểu học, tôi thích nhất môn sinh học và khiêu vũ. Ngoài giờ học chính khóa, tôi xin bố mẹ tham gia các khóa học nâng cao tại Câu lạc bộ Sinh học và Vũ ba lê thuộc Cung Văn hóa - Khoa học Warszawa. Tôi khiêu vũ kém nhưng học rất khá môn sinh học. Khi chán vũ ba lê, tôi chuyển sang Câu lạc bộ Nhiếp ảnh. Tôi có thể ngồi nhiều giờ trong phòng tối rửa ảnh. Đến nay tôi vẫn mê nhiếp ảnh, cho dù không còn nhiều thời gian rỗi như trước”, nữ tiến sĩ Vật lý kể.

Song bẩm sinh- như bản thân TS Olga tự sự - kế thừa gene di truyền từ ông nội Bogumila Szwabik, Olga đã thi vào Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Warszawa và sau đó trở thành Tiến sĩ Vật lý.

Tốt nghiệp cử nhân Vật lý năm 2005, năm 2010 Olga Malinkiewicz bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Catalunya, Barcelona, Tây Ban Nha. Năm 2009, Olga bắt đầu làm việc tại Viện ICFO (The Institute of Photonic Studies), rồi Đại học Valencia và năm 2015 bảo vệ luận án Tiến sĩ tại trường này.

Tháng 12/2014, tròn 32 tuổi, Olga thành lập hãng công nghệ Saule Technologies.

Ngoài giải thưởng lớn cuộc thi Photonics 21 của Ủy ban châu Âu 2014, năm 2015, TS Olga Malinskiewicz là người phụ nữ Ba Lan đầu tiên đoạt danh hiệu “Nhà sáng chế của năm” trong cuộc thi “Innovators Under 35” do tạp chí công nghệ lâu đời nhất thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tổ chức.

Vinh Thu

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nu-tien-si-vat-ly-tao-buoc-ngoat-trong-nganh-nang-luong-sach-post45335.html