Nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp tiết lộ 3 phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ cực chuẩn, mẹ nào cũng nên học tập

Với kinh nghiệm rút ra sau quá trình nuôi hai con nhỏ, nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp đã có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến 13 tháng, con không phải dùng đến một giọt sữa ngoài nào mà vẫn lên cân đều.

Chia sẻ với PV Em đẹp, chị Lương Thúy Ngân, nữ tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Việt Nam cho biết: “Mình muốn được nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể, cả 2 bé nhà mình đều bú sữa mẹ hoàn toàn 13 tháng, cho đến khi mẹ đi làm lại mặc dù mình có điều kiện mua sữa ngoài. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ cho những người sắp làm mẹ một vài kinh nghiệm khi nuôi con bằng sữa mẹ”.

Theo chị Ngân, có 3 cách nuôi con bằng sữa mẹ, đó là: cho con ti trực tiếp, vừa cho con ti trực tiếp vừa vắt sữa và vắt sữa hoàn toàn (không cho con ti trực tiếp). Cả 3 phương pháp này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Chị Lương Thúy Ngân cho biết, vì muốn nuôi con bằng sữa mẹ lâu nhất có thể nên chị đều cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến 13 tháng, khi chị quay lại công việc. Ảnh: NVCC

Cụ thể, chị Ngân cho biết, với phương pháp thứ nhất - cho con ti trực tiếp, ưu điểm lớn nhất là tiện lợi, ở đâu con cũng có thể ti được, lại vệ sinh, mẹ nên áp dụng với các bé bú khỏe. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là không biết con ăn được bao nhiêu, bé dễ có hiện tượng bú vặt, bú không đủ no đã lăn ra ngủ nên ngủ không sâu giấc gây mệt cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, do quen bú ti mẹ, nhiều bé nghiền ti sẽ không chịu ti bình, gây khó khăn khi mẹ bắt đầu đi làm trở lại.

Phương pháp thứ hai - vắt hoàn toàn. Theo chị Ngân, với phương pháp này, con chỉ bú sữa mẹ qua bình ti và mẹ phải vắt sữa thường xuyên. Ưu điểm của phương pháp này là mẹ có thể duy trì nguồn sữa lâu dài, kiểm tra được chất lượng sữa và biết được con ti ngày bao nhiêu lượng sữa nên không lo con bị đói. Chính vì vậy, con bú no sẽ ngủ ngon giấc, ngủ lâu hơn, giúp mẹ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Mẹ cũng có thể nhờ bất cứ ai cho con ti chứ không phải một mình lo liệu. Một ưu điểm nữa của phương pháp này là mẹ có thể tập cho con ngủ riêng hoặc ngủ dài giấc ban đêm được. Hơn nữa, khi con bú bình quen rồi, mẹ có thể thoải mái quay lại công việc mà không lo con không chịu ti bình.

Chị Ngân Lương cho biết, mỗi ngày chị vắt được 2 lít sữa cho con bú khi áp dụng phương pháp thứ 2. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều nhược điểm, đó là mẹ phải tốn kém hơn khi vừa mua/thuê máy vắt sữa, vừa phải sắm các loại bình, túi trữ sữa, tủ đông… Cũng chính vì vậy mà mẹ phải lỉnh kỉnh rửa, tiệt trùng các bình ti. Ngoài ra, để thực hiện được phương pháp này, mẹ buộc phải tuân theo quy trình vắt sữa 2 tiếng/1 lần nên sẽ vất vả hơn.

Phương pháp thứ 3 là vừa vắt sữa ti bình vừa cho con ti trực tiếp. Phương pháp này chỉ áp dụng với các bé dễ tính, cho cái gì vào miệng cũng chịu (Vì khớp hàm ti mẹ và ti bình hoàn toàn khác nhau). Thường các bé dưới 2 tháng tuổi chưa khôn miệng nên dễ hợp tác.

Ưu điểm của phương pháp này là có cả 2 ưu điểm của cả 2 phương pháp trên. Chính vì vậy, nếu bé nào chịu hợp tác thì mẹ sẽ rất nhàn. Khuyết điểm của phương pháp này là tốn kém về chi phí mua máy hút sữa và các loại bình, túi trữ sữa. Hơn nữa, bé sẽ có kiểu một ngày đẹp trời đổi tính bỏ 2 chọn 1, thông thường là bỏ bình ti chọn ti mẹ nên khi tập ti bình lại sẽ cực khó. Chính vì vậy, mẹ dễ bị nản không vắt sữa theo đúng quy trình nữa.

Chị Thúy Ngân cho biết, với ưu và nhược điểm của 3 phương pháp trên, chị chọn phương pháp thứ hai để áp dụng cho trai thứ của mình. Chị vắt sữa mẹ hoàn toàn và cho con ti bình. Mỗi ngày chị vắt được 2 lít sữa khiến ai cũng ngạc nhiên.

Với phương pháp thứ 2, chị không còn phải lo lắng con không chịu ti bình khi quay lại công việc sau thời gian nghỉ đẻ. Ảnh: NVCC

Bé Kar, con thứ hai của chị, do quen ti bình từ lúc mới sinh nên mỗi lần bú sữa mẹ, con ti hết bình là lăn ra ngủ 2,3 tiếng mới dậy nên tăng cân nhanh. Mới 3 tháng mà bé đã được 9kg, tròn xoe, khiến ai cũng nể phục cách chăm con của chị.

Tuy nhiên, chị Ngân cho biết, khi áp dụng phương pháp này, chỉ cực là mẹ cứ lọ mọ dậy vắt sữa (2, 4, 6 giờ sáng) nhưng vì con không biết ngậm ti mẹ nên động lực dậy vắt sữa là "không vắt con không có sữa uống".

Cũng theo chị Ngân, áp dụng phương pháp này sẽ giúp trẻ không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu chuyển sang ti bình, ai cho con ti cũng được. Khi mẹ quay lại đi làm, mẹ có thể chủ động vắt sữa cho con, con cũng không bỡ ngỡ khi ti bình. Vì vậy, mẹ không còn phải lo lắng khi quay lại công việc.

Nhờ áp dụng phương pháp vắt hoàn toàn mà bé Kar, con thứ hai của chị Ngân tăng cân nhanh, mới 3 tháng, bé đã được 9kg khiến ai cũng nể phục. Ảnh: NVCC

"Nuôi con là cả một quá trình, là niềm hạnh phúc", mình biết một số mẹ vì lí do sức khỏe, cơ địa, thậm chí vì lí do kinh tế mà không thể nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài, cũng xin đừng quá áp lực và nặng nề họ. Có thể bạn không phải người nuôi con bằng sữa mẹ khéo, thì bạn vẫn có thể cho con ăn dặm tốt, giáo dưỡng con nên người giỏi. Để nuôi dưỡng một đứa trẻ thật sự cần rất nhiều yếu tố và sự giúp đỡ nhưng quan trọng nhất hãy là một người mẹ vui vẻ, vì như vậy mới truyền được niềm vui cho con cái và gia đình", chị Thúy Ngân nói.

Thùy Linh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/nu-tiep-vien-hang-khong-xinh-dep-tiet-lo-3-phuong-phap-nuoi-con-bang-sua-me-cuc-chuan-me-nao-cung-nen-hoc-tap-20180423100345395.htm