Nữ võ sĩ Samurai huyền thoại Nhật Bản

Trong văn hóa Nhật Bản, 'samurai' là từ dùng để chỉ các chiến binh là nam giới, một tầng lớp đặc biệt ở xã hội nước này. Mặc dù vậy, có một vài phụ nữ phá vỡ những quy tắc xã hội để trở thành những chiến binh thiện xạ và quả cảm như nữ chiến binh Tomoe Gozen của thế kỷ 12.

Mặc dù đã có những truyền thuyết và sử sách ghi lại những chiến công lẫy lừng song sự thật về cuộc đời nữ chiến binh ở đất nước Phù Tang này vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Xã hội thời Tomoe Gozen

Thuật ngữ “samurai” có nghĩa là "trở thành cận vệ của ai đó" và ban đầu được sử dụng để miêu tả một đẳng cấp chiến binh quý tộc cao quý.

Samurai lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 8 song phải đến thế kỷ thứ 11 họ mới đạt được quyền lực thực sự. Họ trở thành những chiến binh trung thành đối với các lãnh chúa phong kiến thường tiến hành các cuộc tranh hùng tranh bá. Sau khoảng năm 1600, samurai trở thành một tầng lớp xã hội có quyền lợi riêng của mình và có được những đặc quyền đặc lợi nhất định.

Phần lớn samurai là nam giới. Phụ nữ ở xã hội cổ xưa Nhật Bản được cho là có nhiệm vụ lấy chồng, sinh con và chăm sóc gia đình trong khi chồng ra chiến trận - ngoại trừ những phụ nữ kết hôn với chiến binh samurai. Những phụ nữ có chồng là samurai được cho là có nền tảng giáo dục cao, có thể bảo vệ gia đình mình và một số người còn thậm chí mang theo cả đoản gươm giấu kín trong trang phục của mình. Thậm chí có một số phụ nữ sống ở thế kỷ 12 - 19 tự cho phép mình trở thành những nữ chiến binh.

Thực ra, ngay cả trước khi nổi lên tầng lớp chiến binh samurai, đã có những phụ nữ Nhật Bản tự rèn luyện võ nghệ để bảo vệ gia đình và người thân trước các thế lực xâm lược. Họ được biết đến là "onna-bugeisha" - tức nữ chiến binh hay nữ võ nghệ giả.

"Onna-bugeisha" có thể sử dụng vũ khí gồm dao găm và kích, là một cây gậy dài có một lưỡi cong nhọn ở đầu. Kích trở thành một biểu tượng gắn bó chặt chẽ nhất với onna-bugeisha trên phương diện là thứ vũ khí mà họ lựa chọn cho riêng mình cũng như là một chỉ dấu rằng họ thuộc tầng lớp chiến binh. Các con gái của samurai sẽ lấy một cây kích mang về nhà chồng như của hồi môn.

Nữ chiến binh Tomoe Gozen nhan sắc khuynh thành và dũng khí mạnh mẽ.

Nữ chiến binh Tomoe Gozen nhan sắc khuynh thành và dũng khí mạnh mẽ.

Huyền thoại về Tomoe Gozen

Mặc dù Tomoe Gozen là một trong những nữ chiến binh nổi tiếng nhất của Nhật Bản nhưng nhiều câu chuyện kể về bà lại dựa trên huyền thoại hơn là những sự kiện rõ ràng.

Tomoe Gozen có thể không phải tên thật của bà vì xã hội Nhật Bản coi việc gọi phụ nữ bằng tên thật của họ là thô lỗ. "Tomoe" là chỉ kiểu dáng miếng vải đệm vai trong trang phục của bà còn từ "Gozen" không phải tên họ mà là cách dùng kính ngữ, một từ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế cao trong xã hội.

Một trong những nguồn thông tin chính cho câu chuyện của Tomoe là cuốn “Bình gia vật ngữ” hay còn gọi là “Truyện kể về Heike”. Tài liệu lịch sử này là tổng hợp những điển tích điển cố và tạp chuyện, trở thành một trường thiên sử trong khoảng năm 1240.

Một trong những điển cố của cuốn này là câu chuyện đã được thêm thắt về tình trạng đối địch giữa hai dòng họ: dòng họ Taira (cũng được biết đến là Heike) và dòng họ Minamoto. Tomoe lúc đó là samurai cho một vị tướng quân dòng họ Minamoto tên là Minamoto Kiso Yoshinaka.

Mẹ của Tomoe trước đó từng là vú nuôi của Yoshinaka và Tomoe từ một người chị nuôi trở thành một trong những tướng lĩnh được tin cậy nhất của Yoshinaka. Có nguồn tin nói là Tomoe là vợ nhưng nguồn khác nói bà là thê thiếp của Yoshinaka. Tương truyền rằng một mình bà chỉ huy đến 1.000 chiến binh.

Về mặt từ ngữ, Tomoe không phải là một "onna-bugeisha" mà là một "onna-musha" tức nữ chiến binh trên chiến trường chứ không phải nữ chiến binh có nhiệm vụ bảo vệ gia đình. Thực tế, Tomoe không phải là nữ chiến binh duy nhất trên chiến trường lúc đó.

Theo “Truyện kể về Heike”, Tomoe “mang vẻ đẹp thanh tú với làn da trắng và mái tóc đen dài. Nàng cũng là một kỵ binh quả cảm, không nề nao núng cho dù cưỡi trên ngựa hung hăng nhất hay đi trên mặt đất gồ ghề nhất, một nữ gươm thủ xuất sắc và tay kiếm cừ khôi sức địch nghìn người".

Thời khắc phi thường của Tomoe

Yoshinaka đã giành được một vài chiến thắng to lớn trong cuộc chiến phe phái Genpei, cuộc chiến đấu giữa 2 dòng họ samurai là Taira và Minamoto từ năm 1180 đến 1185. Yoshinaka thuộc dòng họ Minamoto đã giành vinh quang khi đánh bại dòng họ Taira. Thế nhưng, chính sự vô mưu trong quá trình quản lý sau này đã khiến dòng họ Minamoto quay lưng lại với Yoshinaka.

Năm 1184, trong cuộc đối đầu với người anh họ, chiến binh của Yoshinaka đã bị đại bại và Yoshinaka phải tháo chạy thoát thân khỏi Kyoto, bên cạnh chỉ còn lại 5-6 binh sĩ, trong đó có Tomoe.

Có chuyện kể lại rằng Tomoe đã phải đương đầu với 2 tướng lĩnh sừng sỏ của phe bên kia trong lần tháo chạy này. Tomoe đã đánh bại hoàn toàn đối thủ đầu tiên là Hatakeyama đến mức mà Hatakeyama đã quyết định phải chạy thoát thân hơn là mang ô nhục bị chết thảm dưới tay một người phụ nữ. Đối thủ thứ hai là Uchida bị Tomoe chặt đầu.

Di sản văn hóa của Tomoe

Cuộc đời của Tomoe sau cuộc chiến nói trên, giống như câu chuyện về cuộc sống của bà, vẫn còn nhiều tranh luận và bí ẩn. Có một câu chuyện nói rằng Tomoe đã giã từ chiến trận ở tuổi 28 và trở thành một nữ tu rồi qua đời ở tuổi 90. Nhưng cũng có câu chuyện kể rằng, Tomoe Gozen bị Wada Yoshimori bắt giữ làm tù binh và buộc phải cưới samurai này hoặc trở thành thê thiếp.

Còn trong một dị bản khác, Tomoe tiếp tục thực hiện một sứ mệnh trả thù cho Yoshinaka và đã giết tất cả kẻ thù của Yoshinaka trước khi ôm thủ cốt của Yoshinaka tự vẫn bên bờ biển để tránh sự báng bổ của công luận.

Cho dù điều gì thực sự xảy ra với nữ chiến binh này thì huyền thoại về sự quả cảm và gan dạ của bà vẫn sống mãi. Kịch Noh, một loại hình kịch nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản ở thế kỷ 16, ngày nay vẫn lưu truyền một vở kịch kể về huyền thoại Tomoe.

Gần đây hơn, Tomoe xuất hiện trong tiểu thuyết khoa học của tác giả người Mỹ Jessica Salmonson và bộ 3 phim mang tên “Thiên trường sử Tomoe Gozen”. Chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác ai là Tomoe Gozen hoặc bà đã làm những gì, song câu chuyện về lòng gan dạ của Tomoe đồng nghĩa với việc nhân vật bí hiểm này trong lịch sử đất nước Phù Tang sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Hà Ngọc (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nu-vo-si-samurai-huyen-thoai-nhat-ban-557094/