Nửa nhiệm kỳ tạo dựng diện mạo kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đậm nét (Bài 2): Củng cố các nền tảng tăng trưởng căn bản

Trong định hướng phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa xác định lấy việc củng cố các nền tảng căn bản - với 5 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm động lực và 6 hành lang kinh tế - làm 'bệ đỡ', nhằm nhanh chóng tiệm cận mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới.

Nông nghiệp là một động lực tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hợi

“Gia cố” các trụ cột

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là nghị quyết), đề ra mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”. Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực để “gia cố” 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; dịch vụ y tế; phát triển hạ tầng. Trong đó, công nghiệp nặng, nông nghiệp được xác định là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn.

Công nghiệp vốn được ví như “chìa khóa” mở ra cánh cửa của sự thịnh vượng. Bởi lẽ, công nghiệp không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao, mà còn tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, thì công nghiệp càng đóng vai trò như là nền tảng của nền kinh tế. Xác định rõ điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, ngành công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 15,41%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân hằng năm tăng 14,86%. Đặc biệt, trong nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cũng đúng với định hướng lấy công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá đã được nhấn mạnh trong nghị quyết.

Tính riêng năm 2023, trong 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản phẩm tăng so với năm 2020, thì nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực vẫn phát triển ổn định, đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng của toàn ngành. Điển hình như thép và phôi thép tăng 40,62%; dầu ăn tăng 28,3%; quần áo may sẵn tăng 18,6%; giày xuất khẩu tăng 16,4%; điện sản xuất tăng 14,5%... Một số sản phẩm như lọc hóa dầu, xi măng, thép... có sản lượng thuộc nhóm đầu của cả nước. Qua đó, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp nặng của cả nước, với trọng tâm là công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, với vai trò và vị thế đã được khẳng định, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang trở thành đầu tàu kéo cả “đoàn tàu công nghiệp” Thanh Hóa tiến nhanh về phía trước. Không những thế, trong định hướng phát triển, Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ từng bước được xây dựng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Đồng thời trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và vùng phụ cận Thanh Hóa. Tính từ năm 2021 đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp (19 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư 15.868 tỷ đồng và 168 triệu USD; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại ước đạt 546.143 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 9.505 triệu USD; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 52.747 tỷ đồng...

Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, do vậy, việc Thanh Hóa xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng” để thúc đẩy kinh tế phát triển là phù hợp, đúng và trúng. Cũng từ sự định hướng đó mà giai đoạn 2021-2023, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,85%, cao hơn so với mục tiêu nghị quyết (3%); sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,59 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu nghị quyết (duy trì ổn định ở mức 1,5 tấn). Đặc biệt, hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Cũng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 46 xã và 208 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã và 330 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, có thêm 282 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng...

Với nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú; cùng nguồn tài nguyên văn hóa giàu giá trị và đậm đà bản sắc, tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Nhờ đó, tính riêng giai đoạn 2021-2023, Thanh Hóa ước đón 26,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,8%/năm, xếp thứ 5 cả nước về khách du lịch; tổng thu ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm, xếp thứ 4 cả nước. Điểm nhấn trong sự phát triển ngành du lịch là kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế của du lịch Thanh Hóa trên thang bậc phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam. Cùng với đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch được chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bước đầu hình thành được sản phẩm du lịch cao cấp. Ngoài ra, các trọng điểm du lịch như Sầm Sơn, Nghi Sơn, Hải Tiến đã đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, hấp dẫn du khách, nổi bật với quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, biểu diễn nghệ thuật đường phố (TP Sầm Sơn); tour du lịch đảo Mê, các trò chơi xe địa hình, đường đua công thức F1... (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch đảo Nẹ, dù lượn... (Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa).

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, các lĩnh vực y tế và kết cấu hạ tầng cũng đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Với những kết quả quan trọng đạt được qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, đã góp phần “gia cố” nhằm biến các trụ cột trên thực sự trở thành những đòn bẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa hiện nay và trong tương lai.

“Định hình” các hành lang kinh tế, trung tâm động lực

Từ sự định hướng và trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định 6 hành lang kinh tế lớn của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Đông Bắc, Hành lang kinh tế trung tâm và Hành lang kinh tế quốc tế. Với việc xây dựng và tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế lớn, tỉnh Thanh Hóa hướng đến kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đồng thời, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không. Từ đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đến nay, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, 6 hành lang kinh tế lớn này cũng đang dần định hình được vóc dáng.

Cũng dựa trên tiềm năng của “tứ Sơn” hay tứ giác phát triển đã sớm được định hình, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định: tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, bao gồm Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn), Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Cụ thể, với Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, tập trung phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn), tập trung phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác hiệu quả cảng biển Nghi Sơn và dịch vụ logistics. Với Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn), tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến, chế tạo; chế biến nông - lâm sản, dược phẩm, da giày, dịch vụ, du lịch. Với Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng), tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản.

Nói đến vai trò của trung tâm động lực đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa vài năm trở lại đây, trước hết phải nhấn mạnh đến Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn. TP Thanh Hóa là trung tâm tỉnh lỵ, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả tỉnh Thanh Hóa. Do đó, việc dành nguồn lực và nhất là có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Theo đó, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã và đang mang lại cho TP Thanh Hóa một diện mạo mới, với nhiều dấu ấn đậm nét. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 10,69%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 84,67 triệu đồng, cao hơn 14,67 triệu đồng so với năm 2020 và gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 93.867 tỷ đồng; cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp ngoài quốc doanh, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 ước đạt 98,5%. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Nếu TP Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cả tỉnh; thì TP Sầm Sơn là trọng điểm du lịch, cũng là “mũi nhọn” của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch Thanh Hóa. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế Sầm Sơn tăng trưởng khá toàn diện; tốc độ tăng giá trị sản xuất đứng thứ 2 toàn tỉnh. Tính riêng năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) ước đạt 21.241 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,86 triệu đồng, gấp 1,4 lần năm 2020 và đứng thứ 3 toàn tỉnh. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 ước đạt 24.466 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn tỉnh... Đặc biệt, trong 3 năm 2021-2023, thành phố ước đón 15,8 triệu lượt khách (bằng 77% cả giai đoạn 2016-2020), chiếm từ 65 - 70% tổng số lượt khách du lịch toàn tỉnh; doanh thu ước đạt 32.365 tỷ đồng (gấp 1,6 lần cả giai đoạn 2016-2020).

Có thể nói, nhờ lịch sử khai thác du lịch hơn 1 thế kỷ và những thành quả đạt được những năm gần đây, mà vị thế của Sầm Sơn trên bản đồ tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã được khẳng định. Đây cũng chính là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26/11/2021 về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện. Cũng trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Sầm Sơn. Theo đó, HĐND tỉnh cho phép thành phố thực hiện 3 cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Các nghị quyết đó sẽ là nền tảng căn bản và vững chắc để Sầm Sơn phát triển đột phá trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, dựa trên vị trí địa lý và tiềm năng, lợi thế sẵn có, việc hình thành và phát triển 6 hành lang kinh tế lớn và 4 trung tâm động lực, đã và sẽ tạo tiền đề quan trọng và vững chắc để tạo ra bước đột phá tăng trưởng cho Thanh Hóa trong những năm tới.

Khôi Nguyên

(Số liệu trong bài viết được khai thác từ Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, của Tỉnh ủy Thanh Hóa; Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh).

Bài 3: Hài hòa kinh tế và văn hóa - xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/nua-nhiem-ky-tao-dung-dien-mao-kinh-te-xa-hoi-voi-nhieu-dau-an-dam-net-bai-2-cung-co-cac-nen-tang-tang-truong-can-ban/197499.htm