Nửa tháng tăng hơn 80 lần số ca nhiễm Covid-19, điều gì diễn ra ở Hàn Quốc?

Từ vài chục ca nhiễm ban đầu, số người nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc tăng mạnh, hơn 80 lần trong 2 tuần và chưa biết khi nào mới tới điểm dừng.

Cách đây đúng nửa tháng, Hàn Quốc ghi nhận 28 ca nhiễm bệnh. Liên tiếp 4 ngày sau đó, không một ca nhiễm mới nào được báo cáo. Tổng thống Moon Jae-in dự đoán dịch bệnh sẽ sớm qua đi trong khi Thủ tướng Chung Sye-kyun nói với người dân không nhất thiết phải đeo khẩu trang ra ngoài.

Nhưng sau những lời trấn an đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ tại xứ kim chi.

Tính tới nay, số ca nhiễm của Hàn Quốc vượt hơn 2.300 trường hợp, gấp hơn 80 lần so với cách đây nửa tháng và 13 người thiệt mạng. Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Các chính trị gia phe đối lập đang chỉ trích Tổng thống Moon về cách ông xử lý cuộc khủng hoảng, xoáy vào việc ông không đóng cửa biên giới với Trung Quốc và không cấp đủ khẩu trang cho người dân.

Dịch Covid-19 cũng trở thành đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do sụt giảm về thương mại với Trung Quốc. Hơn 1 triệu người ký vào bản kiến nghị kêu gọi luận tội ông Moon vì những sai lầm khi đối phó với Covid-19.

Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm Covid-19 tính tới chiều 28/2. (Ảnh: NYT)

Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm Covid-19 tính tới chiều 28/2. (Ảnh: NYT)

"Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, sẽ là thảm họa cho phe cầm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới. Chính quyền hiện tại vẫn xoay mòng trong chuyện phải làm sao để kết nối với người dân trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành hiện nay", ông Ahn Byong Jin, chuyên gia phân tích chính trị tới từ Đại học Kyung Hee cho hay.

Virus phát sinh từ Trung Quốc. Nhưng phần lớn nền kinh tế của Hàn Quốc lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Hôm 2/2, chính quyền Tổng thống Moon miễn cưỡng cấm cửa các du khách từ Trung Quốc đại lục, động thái đi sau 40 quốc gia dù Hàn-Trung chia sẻ cùng biên giới.

Hơn nửa tháng sau đó 18/2, Hàn Quốc ghi nhận trường hợp bệnh số nhân số 31, một thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu. Bà này được biết đến là bệnh nhân "siêu lây nhiễm" khi lây bệnh cho hàng chục người tới dự lễ tại nhà thờ trong thời gian nhiễm bệnh.

Kể từ đó, những góc khuất về Tân Thiên Địa bị vạch trần, từ nhà sáng lập tuyên bố mình là người thừa kế của Chúa cho tới những lời rao giảng rằng tà ma tạo ra dịch bệnh.

Trong thời gian từ 7-10/2, vài ngày trước khi Tổng thống Moon khẳng định những điều tồi tệ đã qua, hàng trăm tín đồ Tân Thiên Địa tới nhà thờ, phát tán và lan truyền virus. Họ tụ tập trong một không gian kín, hát và cầu nguyện. Vào thời điểm đó, giới chức Hàn Quốc vẫn khẳng định không nhất thiết phải hủy bỏ các cuộc tụ họp. Lee In-young, một thành viên Quốc hội Hàn Quốc kêu gọi mọi người nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Nhưng khi ca nhiễm của bệnh nhân số 31 được xác nhận, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh mỗi ngày, có ngày tới hơn 500 trường hợp.

Nhiều nhà phê bình chỉ trích Tổng thống Moon, người trước đó từng phê phán chính phủ tiền nhiệm vì không khống chế được dịch MERS năm 2015. Vào thời điểm đó, chỉ 186 người mắc MERS, 38 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, khác với thời điểm cách đây 3 năm, Hàn quốc đang làm rất mạnh trong công tác theo dõi và cách ly bệnh nhân, kiểm tra 10.000 người có dấu hiệu nghi nhiễm mỗi ngày. Các số liệu đều được công bố đều đặn vào mỗi 9h sáng và 17h chiều.

Các ứng dụng thông minh cập nhật các địa điểm mà các bệnh nhân nhiễm bệnh từng lui tới và gửi thông báo nếu người sử dụng tiếp cận những nơi này.

Nhưng thực tế là virus vẫn lan rộng và chính quyền ông Moon đang phải đối mặt với hàng núi khó khăn. Người dân dần mất niềm tin vào chính quyền, công tác chống dịch phải đi song song với bài toán giữ cho nền kinh tế vận hành nhịp nhàng.

Khi chính phủ cấm các cuộc biểu tình vì lo ngại virus lây lan, người biểu tình lại cáo buộc đó là nỗ lực đàn áp chính trị.

Khi Đảng Dân chủ của ông Moon đề xuất kế hoạch phong tỏa Daegu và các vùng lân cận, các chính trị gia bảo thủ gọi đó là quyết định không thể chấp nhận. Động thái phản đối gay gắt buộc chính phủ phải từ bỏ kế hoạch này.

Nhà thờ Tân Thiên Địa của Daegu trở thành 1 trong 2 ổ dịch lớn nhất Hàn Quốc. (Ảnh: NYT)

Phát ngôn viên đảng Dân chủ, nghị sĩ Hong Ihk Pyo, người trước đó cho biết "chính phủ đang nghiên cứu về các phương án liên quan những biện pháp phong tỏa" mới đây phải tuyên bố từ chức.

Sự giận dữ của người Hàn tiếp tục tăng cao trong tuần này khi họ biết một số thành phố của Trung Quốc bắt đầu cách ly du khách tới từ Hàn Quốc trong khi Hàn Quốc không có biện pháp tương tự.

Đơn kiến nghị trực tuyến gửi tới văn phòng của ông Moon, yêu cầu cấm khách Trung Quốc có tới 760.000 người ủng hộ. Một đơn kiến nghị khác yêu cầu chính phủ giải tán giáo phái Tân Thiên Địa cũng có được hơn 920.000 chữ ký.

Trước làn sóng phẫn nộ vẫn đang dấy lên trong dư luận, ông Moon kêu gọi cả nước chung tay bởi những ngày sắp tới sẽ là giai đoạn quan trọng để xác định liệu virus có tiếp tục lây lan khắp cả nước không. Nhiều người chỉ trích tuyên bố này đưa ra quá muộn màng, số khác nhắc lại bữa tiệc hôm 20/2 mà ông thiết đãi đoàn phim giành được 4 tượng vàng Oscar - "Parasite" vào thời điểm đất nước gồng mình chống dịch.

"Những gì mà chúng ta thấy cho tới nay và sự thất bại hoàn toàn của toàn bộ hệ thống chống dịch. Lý do lớn nhất cho sự thất bại đó là do chính quyền bỏ qua nguyên tắc kiểm soát dịch bệnh căn bản là ngăn chặn nguồn lây nhiễm", Choi Dae-zip, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết.

Các quan chức y tế Hàn Quốc dự đoán trong những ngày tới, số người nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc sẽ còn tăng khi quá trình xét nghiệm cho hơn 210.000 thành viên Tân Thiên Địa vẫn đang diễn ra.

Còn người Hàn Quốc, họ vẫn đang sống trong mối lo nơm nớp khi chứng kiến các con số tăng vọt mỗi ngày.

Video: Hàn Quốc gồng mình chống Covid-19

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/nua-thang-tang-gan-20-lan-so-ca-nhiem-covid-19-dieu-gi-da-dien-ra-o-han-quoc-ar530380.html