Núi Bạch Đầu và những lần ông Kim mượn truyền thuyết để gửi thông điệp

Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm đỉnh núi Bạch Đầu tuần qua của ông Kim Jong Un nhằm củng cố niềm tin của người dân rằng nhà lãnh đạo đủ sức lèo lái vận mệnh dân tộc.

Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17/10 dành trọn trang nhất để đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un cưỡi ngựa trắng thăm ngọn núi thiêng Bạch Đầu Sơn (Paektu). Tờ báo nhấn mạnh hình ảnh cho thấy "quyết tâm và sức mạnh ý chí không thể xoay chuyển" của ông Kim trong việc bảo vệ "phẩm giá và vận mệnh đất nước" trước sức ép từ bên ngoài. Ảnh: Reuters.

Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17/10 dành trọn trang nhất để đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un cưỡi ngựa trắng thăm ngọn núi thiêng Bạch Đầu Sơn (Paektu). Tờ báo nhấn mạnh hình ảnh cho thấy "quyết tâm và sức mạnh ý chí không thể xoay chuyển" của ông Kim trong việc bảo vệ "phẩm giá và vận mệnh đất nước" trước sức ép từ bên ngoài. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia nhận định hình ảnh chuyến thăm của ông Kim chủ yếu gửi thông điệp đến dư luận trong nước chứ không phải quốc tế, theo Reuters. Nhiều chi tiết trong chuyến thăm gắn liền với các truyền thuyết của người Triều Tiên và dòng họ Kim lãnh đạo đất nước suốt 3 thế hệ qua. Những hình ảnh được đăng tải không lâu sau khi đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều ở Stockholm kết thúc mà không có tiến triển. Ảnh: Reuters.

Bạch Đầu Sơn, ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động nằm ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, được xem là đỉnh núi thiêng đối với người dân cả hai miền bán đảo Triều Tiên. Đây được xem là cái nôi của bán đảo Triều Tiên thống nhất và độc lập. Riêng đối với người dân Triều Tiên, ngọn núi càng có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử vì được mô tả là nơi lãnh tụ Kim Nhật Thành lập căn cứ kháng chiến chống phát xít Nhật. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiều sử gia cho rằng ông Kim Jong Il được sinh tại Liên Xô, nhưng huyền sử về gia đình dòng họ Kim khẳng định cố lãnh đạo Triều Tiên, cha của ông Kim Jong Un, chào đời trên Bạch Đầu Sơn trong giai đoạn lãnh tụ Kim Nhật Thành và quân kháng chiến xây dựng căn cứ. Tờ Rodong Sinmun dẫn lời một "công dân" Triều Tiên nói hình ảnh ông Kim Jong Un cưỡi ngựa trên núi thiêng gợi nhớ đến hình ảnh "chiến binh du kích huyền thoại" Kim Nhật Thành. Ảnh: Reuters.

Có không ít truyền thuyết về cá nhân ông Kim Jong Un và gia đình dòng họ Kim, thậm chí từng được đăng tải trên các kênh truyền thông nhà nước. Theo Washington Post, truyền thông nước này từng mô tả ông Kim Jong Un có thể lái xe tải từ năm 3 tuổi và là một thủy thủ cừ khôi khi vừa lên 9. Trong ảnh, ông Kim Jong Un thị sát diễn tập hải quân Triều Tiên trên tàu ngầm vào tháng 6/2014. Ảnh: Reuters.

Năm 2017, trang Newsweek dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết ông Kim Jong Un và nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu được "thần dược". Loại thuốc được tổng hợp từ nhân sâm Triều Tiên và "các nguyên tố đất hiếm", chỉ cần tiêm 1 lần là có thể chữa được Aids, Ebola, nhiều loại ung thư, bệnh tim, suy nhược, cảm cúm, đảo ngược quá trình lão hóa và ngăn chặn "ảnh hưởng độc hại từ sử dụng máy tính". Ảnh: Reuters.

Trong chuyến thăm của ông Kim Jong Un lên núi Bạch Đầu vào tháng 12/2017, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA tường thuật rằng ngay khi nhà lãnh đạo bước chân lên ngọn núi thiêng, tiết trời mùa đông bỗng ngưng bão tố. "Cảnh tượng hùng vĩ hân hoan đón chào chủ nhân đích thực quay trở lại", hãng thông tấn Triều Tiên mô tả thời tiết "đẹp chưa từng thấy" khi ông Kim đến được đỉnh núi. Ảnh: AFP.

Theo Guardian, truyền thông Triều Tiên còn có lần khẳng định ông Kim Jong Un cùng các nhà khảo cổ nước này đã phát hiện được "hang kỳ lân" có mối liên hệ với vua Tongmyong (Đông Minh Vương) trong huyền thoại người Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh ông Kim Jong Un cưỡi ngựa trắng cũng mang hàm ý nhắc đến các thần mã trong nhiều truyền thuyết của dân tộc Triều Tiên như "thi mã" (ngựa có cánh) Chollima hay "thiên lý mã" Mallima có khả năng chạy nhanh như gió, vượt qua hàng nghìn dặm trong tích tắc. Những cái tên truyền thuyết này cũng gắn liền với các chiến lược phát triển mà Bình Nhưỡng từng đề ra. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực khôi phục kinh tế Triều Tiên sau chiến tranh liên Triều 1950-1953 được đặt tên là kế hoạch Chollima. Trong khi đó, nỗ lực tập trung phát triển kinh tế quốc gia của ông Kim Jong Un đã được truyền thông Triều Tiên liên hệ với hình ảnh "tốc độ của Mallima". Tờ Rodong Sinmun vừa qua kêu gọi người dân đồng lòng hướng đến tương lai thắng lợi "với tốc độ như ngựa thần trên đỉnh núi Bạch Đầu". Ảnh: Reuters.

"Triều Tiên dường như cũng muốn gửi thông điệp đến Mỹ, cảnh báo những lệnh cấm vận sẽ không hiệu quả. Nhưng về dài hạn, họ vẫn muốn đạt được phát triển kinh tế một cách cân bằng", Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định. Ảnh: Reuters.

Tinh Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nui-bach-dau-va-nhung-lan-ong-kim-muon-truyen-thuyet-de-gui-thong-diep-post1004064.html