'Núi' thải Bàng Nâu sừng sững bên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, nhiều nguy cơ hiện hữu

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn hiện có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động với tổng trữ lượng đất đá thải mỏ mỗi năm trên 150 triệu m³. Riêng bãi thải mỏ Bàng Nâu có diện tích rộng trên 435ha. Đây là nơi đổ thải đất đá từ quá trình sản xuất than của Công ty CP Than Cao Sơn thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Những ngày đầu tháng 3, phóng viên báo Đại biểu Nhân dân đã dọc theo tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả để mục sở thị về bãi thải Bàng Nâu, thuộc Công ty than Cao Sơn.

Nhìn từ xa bãi thải Bàng Nâu cao sừng sững như một "ngọn núi" nhân tạo

Ước tính trung bình mỗi năm, sản lượng đổ đất đá thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu khoảng 40 triệu m³. Qua nhiều năm tích tụ, khối lượng đất đá “khủng” từ quá trình sản xuất than đã tạo ra bãi thải quy mô lớn như một quả núi nhân tạo với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến +300m.

Theo người dân quanh khu vực, trước đây, bãi thải này nằm sâu trong rừng, cách xa trung tâm TP Cẩm Phả. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được xây dựng và đưa vào sử dụng thì Bàng Nâu đã thực sự "phát lộ", nằm sừng sững bên cạnh công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh - vốn được đánh giá là tuyến giao thông có cảnh sắc kỳ vĩ bởi được đan xen giữa núi non, sông nước bên bờ di sản.

Kể từ khi tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đưa vào sử dụng thì bãi thải mỏ Bàng Nâu đã "phát lộ", nằm sừng sững bên cạnh công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh

Với đặc thù nằm ngoài khai trường, xung quanh bãi thải Bàng Nâu hiện vẫn còn một số hộ dân sinh sống. Bên dưới là nơi an cư của người dân, bên trên là “nghễu nghện” đất đá từ độ cao hàng trăm mét khiến những lo lắng về sự bất an do nguy cơ sạt lở và bụi bẩn, ô nhiễm luôn thường trực.

Vị trí bãi thải nằm sát ngay tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng khiến cánh lái xe qua đây không khỏi tò mò. Nếu ít đi lại trên tuyến cao tốc này, không ít người còn lầm tưởng đây là một ngọn núi nằm trong tổng thể cảnh quan trên tuyến đường.

Qua nhiều năm tích tụ, khối lượng đất đá “khủng” từ quá trình sản xuất than đã tạo ra bãi thải quy mô lớn như một quả núi nhân tạo với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến +300m

Trước những nguy cơ hiện hữu về nguy cơ sạt lở, ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống người dân, bãi thải "khủng" này đã được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xác định là một trong 5 khu vực xây dựng các phương án bảo vệ môi trường tổng thể.

Cụ thể, từ năm 2017, TKV đã đầu tư và cho vào vận hành chính thức tuyến băng tải đá Cao Sơn. Hiện nay, Công ty CP Than Cao Sơn hợp đồng thuê Công ty CP Tân Phú Xuân (đơn vị quản lý vận hành) tuyến băng tải này thực hiện vận chuyển đổ đất đá thải.

Với đặc thù nằm ngoài khai trường, xung quanh bãi thải Bàng Nâu hiện vẫn còn một số hộ dân sinh sống

Để bảo vệ môi trường khu vực đổ thải, thời gian gần đây, Công ty CP Tân Phú Xuân cũng phối hợp với Công ty CP Than Cao Sơn triển khai phương án giảm thiểu bụi phát sinh và tình trạng sạt lở ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Quá trình đổ thải, đơn vị thực hiện nghiêm các phương án phân tầng theo quy định. Các tuyến đường vận chuyển chính được duy trì hệ thống xe tưới nước dập bụi. Hiện, Công ty CP Than Cao Sơn đã bàn giao cho Công ty CP Tân Phú Xuân quản lý 4 hệ thống phun sương dập bụi tại mặt bằng +300. Đặc biệt, tại các vị trí đầu máng rót, đầu trung chuyển, đơn vị đã lắp đặt thêm vòi phun nước tự động.

Ước tính trung bình mỗi năm, sản lượng đổ đất đá thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu khoảng 40 triệu m³

Cùng với đó, thực hiện phương án bảo vệ môi trường tổng thể bãi thải mỏ Bàng Nâu, hiện Công ty CP Than Cao Sơn đã triển khai thực hiện các công trình, hạng mục như: Đầu tư lắp đặt máy phun sương cao áp dập bụi công suất lớn; lắp đặt hệ thống cung cấp điện, hệ thống cấp nước từ moong 21 Khe Chàm lên bãi thải mỏ Bàng Nâu phục vụ công tác dập bụi.

Dù tình trạng được cải thiện nhưng theo một số hộ dân sống quanh khu vực, vào những đợt nắng nóng kéo dài bụi từ bãi thải vẫn trùm xuống nhà dân, cao tốc, kết thành những “đám mây bụi” khiến việc lưu thông trên các tuyến đường khó khăn, nguy cơ mất ATGT luôn tiềm ẩn... Không những vậy, vào thời điểm mùa mưa lũ, những "ngọn núi" đất đá khổng lồ như Bàng Nâu khiến người dân không khỏi không khỏi bất an.

Dù đã triển khai các giải pháp tưới nước, phun sương song trên đỉnh bãi thải Bàng Nâu vẫn mịt mù khói bụi

Cùng với Bàng Nâu, trên địa bàn Cẩm Phả hiện có gần chục điểm bãi thải chạy dài trên địa bàn nhiều phường, xã. Thành phố đã triển khai một số phương án di, dời hộ dân nằm trong vùng trọng điểm ngập, lụt, bụi... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hàng nghìn hộ dân sống trong cảnh bụi bặm, ô nhiễm môi trường và nguy cơ bị sạt, lở, ngập lụt do hoạt động khai thác than gây ra mà chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xác định bãi thải Bàng Nâu là một trong 5 khu vực xây dựng các phương án bảo vệ môi trường tổng thể

Tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp cuối năm 2022), HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, ông Trần Như Long - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh cho biết: Theo tính toán, nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 595 triệu m3 (trung bình khoảng 150 triệu m3/năm); giai đoạn đến năm 2026-2030: 510 triệu m3 (trung bình khoảng 100 triệu m3/năm).

Do vậy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt vật liệu san lấp mặt bằng, tiết kiệm được các kinh phí chi cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được các vấn đề về diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành than đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ, đến nay đã có những kết quả nhất định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét, giải quyết việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của UBND tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Cụ thể: Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,8 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (3,5 triệu m3); Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,6 triệu m3).

Gần đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng yêu cầu TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp.

TUẤN NGUYÊN - BÁCH HỢP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/nui-thai-bang-nau-sung-sung-ben-cao-toc-ha-long--van-don-nhieu-nguy-co-hien-huu-i317331/