Nước Anh 6 năm sau Brexit

Việc phải đóng cửa biện giới với EU không phải là vết thương duy nhất liên quan đến Brexit mà nước Anh dường như đã tự gây ra cho chính mình.

Kinh tế Anh chịu nhiều tổn thất vì Brexit. Ảnh: Reuters

Theo tác giả bài viết trên báo The Straits Times, 6 năm đã trôi qua kể từ khi nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit), và trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu của nỗi đau kinh tế, Brexit vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong nền chính trị Anh cũng như trong mối quan hệ của nước này với EU. Dưới đây là nội dung bài viết.

Bạn có phải là một người Anh hưu trí, chán ngồi ở nhà? Bạn có thể thôi nghỉ hưu và đăng ký một chương trình đào tạo nghề có thể đảm bảo bạn có một việc làm với công ty Halfords, nhà bán lẻ ô tô và các sản phẩm tái chế lớn nhất của Anh.

Bạn có phải đang làm việc trong ngành buôn bán thịt ở Philippines và mơ ước được trả lương tốt hơn? Nếu bạn không ngại thời tiết mùa Đông, thì bạn có thể thực hiện một chuyến đi dài 10.000 km tới nước Anh xa xôi mà mọi chi phí đều được thanh toán. Bạn có thể làm việc như một người bán thịt cho một trong những nhà chế biến thịt lớn nhất của nước Anh, nhằm đảm bảo rằng McDonald’s có được tất cả lượng bánh mỳ kẹp nhân thịt mà họ cần cho thời gian chuẩn bị tới dịp lễ Giáng sinh.

Anh đang trải qua tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong các vị trí từ bác sỹ đến y tá, lái xe tải, công nhân xây dựng và nhân viên khách sạn... Và mặc dù các chính trị gia địa phương và các nhà bình luận trên các phương tiện truyền thông vẫn đang tranh luận gay gắt về cách thức giải quyết tình trạng thiếu hụt này, họ đều nhất trí về nguyên nhân gây ra vấn đề, đó là quyết định của rời EU của Anh.

Brexit thường được gọi là “cuộc ly hôn” giữa Anh với phần còn lại của châu Âu, một sự kiện đã làm đóng cửa biên giới nước này đối với người lao động từ “lục địa Già”. Đây không phải là vết thương duy nhất liên quan đến Brexit mà nước Anh dường như đã tự gây ra cho chính mình. Kinh tế Anh gặp rắc rối tồi tệ hơn so với phần lớn EU, với lạm phát cao hơn, nguy cơ suy thoái hiện hữu, dịch vụ công bị kéo căng, thuế tăng và năng suất giảm kỷ lục.

Trong một nghiên cứu gần đây, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) - cơ quan công quyền được thiết lập để đưa ra những dự báo độc lập về tài chính quốc gia của Anh - đã kết luận rằng “bằng chứng mới nhất cho thấy Brexit tác động bất lợi đáng kể đến hoạt động thương mại của Vương quốc Anh”.

Trước những tin tức ảm đạm như vậy, người ta có thể đã nghĩ rằng các chính trị gia nước này sẽ tìm cách sửa chữa các mối liên kết của họ với EU để giải quyết một số khó khăn thương mại hiện tại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nỗ lực cụ thể nào được đưa ra. Thủ tướng Rishi Sunak đã bác bỏ bất kỳ sự thay đổi nào trong các điều khoản về việc tách khỏi châu Âu.

Và ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, người theo dõi các cuộc thăm dò dư luận mới đây và cũng là người có cơ hội tuyệt vời để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Anh sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong hai năm tới, cũng loại bỏ bất kỳ sự thay đổi nào trong vị thế của đất nước ông đối với châu Âu.

* Sai lầm thảm họa nhất trong lịch sử chính trị hiện đại

Cho đến nay, điều rõ ràng là nước Anh vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề về bản sắc tương lai. Brexit đã đẩy đất nước vào một cuộc tìm kiếm bản sắc lâu dài, một cuộc tìm kiếm khiến người Anh phải đối mặt với những tranh chấp lặp đi lặp lại và thường xuyên không có hồi kết với EU.

Người Anh sẽ không sớm trở lại là một phần của khối, và không chắc là bất kỳ ai trên lục địa này sẽ hoan nghênh sự trở lại của họ. Tuy nhiên, các chiến thuật của Anh sẽ tiếp tục gây khó chịu cho phần còn lại của châu Âu trong thời gian dài. Trong thời gian tới sẽ tồn tại một kỷ nguyên của “ly hôn-sống chung”.

Quyết định năm 2016 về việc tổ chức trưng cầu dân ý quyết định tư cách thành viên của Anh trong EU được coi là một trong những sai lầm thảm họa nhất trong lịch sử chính trị hiện đại. Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron đã ra lệnh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này vì ông bị thuyết phục bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số ủng hộ việc tiếp tục ở lại EU và cho rằng một khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, vấn đề sẽ được giải quyết trong ít nhất một thế hệ.

Đáng buồn là cả hai giả định đều sai lầm một cách tai hại. Vì sự không tin tưởng và thậm chí là căm ghét EU đã trở thành một niềm tin giáp ranh với một hệ tư tưởng mới, một niềm tin không thể giải thích cũng như không thể đánh bại lý trí. Và ông Cameron cũng không đánh giá đúng tầm quan trọng của một diễn biến quan trọng khác. Đó là sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông xã hội và các hình thức tương tác đại chúng khác tạo điều kiện cho sự lan truyền những điều hoang tưởng và thông tin sai lệch.

Ngay cả khi Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), cơ quan vốn tránh né tham gia vào bất kỳ tranh cãi chính trị đảng phái nào, đã buộc phải can thiệp trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 bằng việc cảnh báo rằng nhiều lời hứa của những người ủng hộ Brexit về những lợi thế giả định của việc rời khỏi EU chỉ là huyễn hoặc và cũng không có ý nghĩa gì, song hầu như không có ai lắng nghe.

Đa số cử tri Anh cuối cùng đã bị thuyết phục bỏ phiếu rời khỏi EU bởi một khẩu hiệu đơn giản được những người ủng hộ Brexit thúc đẩy, đó là “Hãy giành lại quyền kiểm soát”. Khẩu hiệu này cho rằng người Anh đủ khôn ngoan để điều hành đất nước của chính mình mà không cần đến các chính trị gia và cơ quan quản lý nước ngoài. Và không đâu mà lời kêu gọi giành lại quyền kiểm soát lại thuyết phục hơn là trong cuộc thảo luận về việc quản lý các đường biên giới của Anh: Rời khỏi EU có nghĩa là ngăn chặn sự di chuyển tự do của những người đến từ các nước thành viên khác của EU.

Chúng ta cần nhắc nhở bản thân về câu chuyện nổi tiếng này chủ yếu bởi vì đây là điểm mấu chốt rất quan trọng để hiểu được tình trạng của nước Anh hiện nay. 6 năm sau cuộc bỏ phiếu đó và hai năm kể từ khi nước này chính thức rời khỏi EU, các cuộc thảo luận vẫn được thực hiện ở Anh với những khẩu hiệu và câu chuyện hoang đường, trong đó cả hai bên khẳng định rằng họ đã đúng về những mối nguy hiểm hay cơ hội của Brexit.

Những người luôn cảnh báo về phí tổn cao của Brexit khẳng định lập luận của họ sẽ được chứng minh là đúng, nhưng những lập luận này đã bị làm cho phức tạp bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. Rất khó để tách biệt thiệt hại giữa việc thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi gần hai năm đóng cửa do dịch bệnh với những đòn giáng xuống nền kinh tế Anh chỉ bởi Brexit.

* Công luận

Và công luận nghĩ gì? Một cuộc khảo sát dư luận rộng rãi do Viện Tony Blair - do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair điều hành - thực hiện cho biết khoảng 70% người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ giữa đất nước họ và EU. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Anh có nên chấp nhận gia nhập trở lại thị trường chung của EU với các đường biên giới mở và sự di chuyển tự do của con người hay không, chỉ 30% ủng hộ lựa chọn này.

Vì vậy, vì lý do này hay lý do khác, Brexit là điều không thể đảo ngược, ít nhất đối với thế hệ hiện nay. Sự chia rẽ tự nhiên ở Anh hiện nay không phải giữa các chính trị gia ủng hộ Brexit và những người phản đối, mà là giữa những cá nhân tiếp tục khẳng định rằng Brexit không có tác dụng như dự kiến vì “sự kiện này đã không được áp dụng đúng cách” và những người tìm cách giảm nhẹ tác động của việc “cuộc ly hôn”.

Đó sẽ là một canh bạc không có hồi kết của công cuộc tìm kiếm của Anh và sự cự tuyệt của EU, cùng những xung đột thương mại liên tục và những người thăm dò chính trị bí mật sau hậu trường.

Với rất nhiều niềm tin, các nhà lãnh đạo EU luôn lập luận rằng quyết định của Anh rời khỏi khối này là một thảm kịch mà họ không thể ngăn chặn.

Nước Anh to lớn và gần châu Âu lục địa tới mức không thể bị phớt lờ và nền kinh tế Anh dễ bị tổn thương tới mức không thể không ảnh hưởng đến châu Âu. Bởi vậy, cả hai sẽ vẫn bị ràng buộc bởi một "cuộc ly hôn” với các điều khoản chắc chắn sẽ liên tục được thương lượng lại./.

Nguyễn Thúy (TTXVN tại Singapore

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nuoc-anh-6-nam-sau-brexit/270787.html