Nước anh lại 'sóng gió' vì Brexit

Với việc nội các thông qua dự thảo thỏa thuận kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May tưởng chừng đã có lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm, nhưng những con sóng mới đang ập tới trên chính trường Anh.

Brexit cứng

Theo dự thảo của bà Theresa May, Anh và EU sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. EU và Anh cũng có thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không nói cụ thể là trong bao lâu.

Trong trường hợp đàm phán không thành công, Ireland và Bắc Ireland sẽ áp dụng giải pháp "chốt chặn cuối" nhằm ngăn hình thành biên giới cứng và đe dọa thành quả tiến trình hòa bình Belfast 1998.

Theo đó, Anh và EU sẽ hình thành "một vùng lãnh thổ đơn nhất về thuế quan", có hiệu lực từ cuối giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các bên đạt được một hiệp định thương mại.

Khi một bên muốn chấm dứt "chốt chặn cuối", họ phải thông báo với bên còn lại và trình bày rõ nguyên nhân. Các bên cùng thành lập một ủy ban đặc biệt, đàm phán trong 6 tháng. Bắc Ireland chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh lẫn EU đều chấp nhận.

Chính việc nước Anh không có quyền tự quyết về Bắc Ireland đã khiến những thành viên của nhóm Brexit phẫn nộ. Phe ủng hộ Brexit lo ngại điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt mãi mãi trong Liên minh thuế quan EU.

Các ý kiến chỉ trích cũng cho rằng Thủ tướng Theresa May đã nhượng bộ quá nhiều trong các lĩnh vực quan trọng khác…

Vì vậy, ngay sau khi dự thảo được thông qua, lần lượt 4 quan chức cấp cao trong nội các gồm Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman, Quốc vụ khanh Bộ phụ trách vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey đều từ chức để bày tỏ sự phản đối. Tiếp nối là quyết định từ chức của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti.

Làn sóng từ chức của các bộ trưởng chủ chốt đã đẩy tiến trình Brexit lún sâu vào tình trạng bấp bênh và có thể dấy lên nguy cơ xảy ra kịch bản “Brexit cứng”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng CNBC ngày 16-11, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết vẫn có khả năng Anh thực hiện Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo bất chấp đạt được dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU, triển vọng Anh rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào vẫn có thể xảy ra.

Cũng trong ngày 16-11, phát biểu tại một diễn đàn về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới đang diễn ra tại Paris, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng những người ủng hộ Brexit cần chấp nhận thỏa thuận giữa Anh và EU hoặc đối mặt với nguy cơ của “một thảm họa kinh tế”.

Và Thủ tướng “cứng”

Ông Le Maire cho hay, trong trường hợp để xảy ra tình huống trên, chính người dân Anh sẽ là những nạn nhân trực tiếp. Còn Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne cho biết, Pháp đang chuẩn bị nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát hải quan và kiểm tra tại cảng, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận Brexit.

Bà Borne khẳng định, Pháp đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là không có bất cứ thỏa thuận nào giữa Anh và EU về vấn đề Brexit. Theo đó, Pháp sẽ kiểm soát hải quan, kiểm tra thú y và kiểm tra tại các cảng.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 16-11 trên Đài phát thanh LBC, Thủ tướng Theresa May nêu rõ, không chỉ Anh mà cả EU đã lùi bước trong quá trình đàm phán. Bà May vẫn bày tỏ lòng tin tuyệt đối với lộ trình Brexit mà Anh và EU đã nhất trí. Bất chấp những cảnh báo từ tất cả các đảng phái trong Quốc hội về việc dự thảo thỏa thuận sẽ không thể “qua cửa” cơ quan này, Thủ tướng Anh đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy văn bản trên.

Trước những ý kiến phản đối và chỉ trích thỏa thuận sơ bộ, bà May nhấn mạnh thỏa thuận trên bảo đảm tính toàn vẹn của Anh. Đối với lo ngại về việc Anh “mắc kẹt” trong liên minh thuế quan EU hậu Brexit liên quan tới điều khoản cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan cho tới khi 2 bên đạt thỏa thuận thương mại trong thỏa thuận sơ bộ, bà May tái khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3 năm tới.

Tuy nhiên, uy tín của bà May dường như đã xuống thấp. Ngày 16-11, truyền thông Anh cho biết Quốc hội đã nhận được đủ 48 kiến nghị và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Theresa May sẽ sớm diễn ra.

Anh Kiệt

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nuoc-anh-lai-song-gio-vi-brexit-521014/