Nước Anh mới chỉ dăm ngày

Chỉ mất 45 phút, chiếc tàu bay loại nhỏ của hàng không Pháp đã hạ cánh ở Sân bay quốc tế Heathrow, thủ đô London (Anh). Tiếng là quốc tế, nhưng sân bay Heathow có vẻ bé. Tuy nhiên, mật độ tàu bay cất, hạ cánh cũng không kém gì sân bay khổng lồ Charles de Gaulle (Pháp). Sau 25 phút làm thủ tục nhập cảnh, nhận hành lý ký gửi ở sân bay, chúng tôi chính thức đến xứ sở sương mù…

1. Bay từ Pháp sang Anh mất có 45 phút, nhưng đi taxi từ sân bay Heathow về khách sạn ở ngoại ô London mất gần 2 tiếng do tắc đường. Đường sá ở London nhỏ, hẹp và quanh co, mấp mô. Do mang theo nhiều hành lý nên chúng tôi phải thuê 2 chiếc taxi 7 chỗ. Đặt vấn đề cố "nhồi" cả đoàn lên một chiếc taxi, nhưng tài xế nhất quyết không đồng ý. Riêng điểm này khá khen ý thức chấp hành luật pháp của tài xế xứ bạn.

Những chiếc taxi ở sân bay quốc tế Heathrow

Xe taxi ở Anh được thiết kế khá ấn tượng. Thường là xe 7 chỗ, ghế ngồi quay mặt vào nhau. Khoang lái được ngăn cách với khách bằng một tấm mica để đề phòng tài xế bị trấn cướp. Ở Anh thấy có nhiều phụ nữ hành nghề lái taxi. Họ thường là những phụ nữ da màu trung niên, to khỏe, nhanh nhẹn và cũng rất... nam tính. Giá taxi ở Anh nếu so với chi tiêu ở ta thì đắt “cắt cổ”. Ngán nhất là đi taxi đúng lúc kẹt xe. Xe dừng chờ tiến thoái lưỡng nan, còn đồng hồ báo giá cứ chạy vun vút. Hậu quả là khách phải trả một số tiền không nhỏ cho phí trải nghiệm taxi... tắc.

Anh là xứ sở của xe buýt 2 tầng. Loại buýt này với màu đỏ đã trở thành một thương hiệu giao thông quốc gia. Nó đã thành các sản phẩm quà du lịch, mà người ưa đồ độc đáo, đến Anh kiểu gì cũng phải tìm mua làm kỷ niệm. Khách đến Anh du lịch cũng thích trải nghiệm loại phương tiện giao thông này. Tuy nhiên, sự bất tiện của nó lại chính là... “đặc sản” tắc đường ở London. London thường xuyên bị tắc đường, nhất là cửa ngõ vào trung tâm các tụ điểm du lịch nổi tiếng. Xe buýt 2 tầng chủ yếu đi trong nội đô và thường bị kẹt ở những điểm du lịch như tháp đồng hồ Big Ben, Cầu tháp London, Tòa thị chính London, Kingdom House...

2. Đến Anh, rất nên trải nghiệm tàu điện ngầm. Đây là xứ sở đầu tiên trên thế giới cho ra đời hệ thống tàu điện ngầm. Cũng vì lịch sử lâu đời này nên nhiều tuyến tàu điện ngầm ở London cũ kỹ. Nhiều chiếc tàu thân hẹp, thấp, chật chội nhưng các ga dừng đỗ cổ kính, đẹp như những bảo tàng nghệ thuật. Chỉ có mấy tuyến đường mới mang tên Nữ hoàng Elizabert thì có tàu thân rộng, sang trọng, lái tự động (không người lái). Tàu có hệ thống điện tử báo điểm dừng đỗ, rất tiện cho người mới đi khi muốn xuống ga cần đến.

Đi tàu điện ngầm ở London không thấy nhà tàu thông báo khách phải cảnh giác với chuyện trộm cắp như ở Paris (Pháp). Khách đi tàu điện ngầm ở London đông ở mọi thời điểm, nhất là các tuyến vào trung tâm, nơi có các điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Trên tàu điện ngầm, số lượng ghế thiết kế khá phù hợp, đủ cả cho cả người ngồi và đứng bám. Các toa đều có ghế ưu tiên cho khách già yếu, phụ nữ có thai, người tàn tật. Đi tàu mà có cảm giác như nhồi, nêm người vào từng toa đến nghẹt thở. Mặc dù tàu sạch, nhưng có bao nhiêu khách thì có bấy nhiêu thứ "hương" xả ra. Mỗi chuyến tàu "nêm" như vậy, chỉ khi xuống ga, khách đi mới thấy... sự sống.

Khổ nhất là đi tàu đem theo nhiều hành lý, có trường hợp, khi tàu dừng, khách không kịp ra, đành chịu đi quá ga, đón tàu ở làn khác để quay lại ga cần xuống... Vì thế, để đi tàu điện ngầm ở London, phải tự trang bị các kỹ năng lên, xuống tàu, nhất là chọn giờ và tuyến đi không bị nhồi nhét. Điểm hay trong chuyện đi lại ở xứ người là mua vé sử dụng trong ngày hoặc vài ngày. Tùy theo nhu cầu, hành khách có quyền sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu hỏa, xe buýt, xe khách, thậm chí là cả... xe đạp. Cũng vì sự tiện ích này, nên chuyện hành khách lỡ ga, tuyến cũng không đáng lo ngại, chỉ là mất thời gian đi lại ga, tuyến mà mình cần đến.

Đi xe khách đường dài ở Anh cũng khá thú vị. Chúng tôi đến bến xe khách ở Hendon, mua vé đi Bournemourt. Xe khách loại 45 chỗ ngồi, sang trọng, ghế đệm êm ru. Ghế nào cũng thiết kế ổ cắm sạc điện thoại khá tiện ích, giống như đi trên các tàu bay hạng sang. Xe chỉ có một mình tài xế điều hành, không có phụ xe như ở ta. Tài xế các phương tiện công cộng ở Anh và các nước châu Âu thường là người trung niên hoặc cao tuổi và là người da màu. Người trẻ, có bằng cấp thường ít có nhu cầu làm việc ở các nghề dịch vụ công cộng.

3. Sang châu Âu, một trong những điều “lo lắng” nhất là tìm chỗ ăn uống. Các cửa hàng ở Anh thường đóng cửa ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ cuối tuần (weekend). Ngày nghỉ, người dân thường đi dã ngoại vì thế nếu không có giải pháp “đi chợ” sớm, tích trữ lương thực, bạn dễ bị nhịn đói vào những ngày nghỉ.

Hôm đầu tiên đến London, chúng tôi thuê một căn nhà ở ngoại ô. Mới chập tối mà đường sá đã vắng tanh, tìm mãi mới được một nhà hàng mang tên “Việt Chefs” để ăn bữa tối. Tên là vậy, nhưng nhà hàng chỉ bán duy nhất... món phở bò chín kiểu Nam bộ. Chủ nhà hàng là cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng tên là Sơn, người gốc ở Tp. Hồ Chí Minh. Cô vợ tên là Huế, người gốc ở Hải Phòng. Hai người sang du học tại London, gặp và lấy nhau, cô vợ học tiến sĩ quản trị kinh doanh. Có bằng tiến sĩ, cùng chồng ở lại London kinh doanh nhà hàng ăn. Chẳng còn sự lựa chọn, chúng tôi đành gọi mỗi người một tô phở. Vị phở ngọt lợ mì chính, đường. Thịt bò đông lạnh, luộc, thái lát to, mỏng, ăn không chẳng có mùi vị gì. Giá mỗi bát phở gần 400.000 đồng tiền Việt Nam.

Sáng hôm sau, rất may, một người trong đoàn công tác mang theo mì tôm. Chủ nhà trọ cho mượn gian bếp để đun nước sôi nấu ăn mì. Chúng tôi xì xụp ăn mì tôm, cảm giác sao nó ngon đến thế. Vì vậy, những bữa sau, chúng tôi phải tranh thủ đi chợ mua thực phẩm về tự nấu ăn cho hợp khẩu vị và cũng là để tiết kiệm chi phí.

“Văn hóa” tiếp khách ở xứ người cũng khác với xứ ta. Sau buổi làm việc, do là đối tác lâu năm nên chúng tôi được mời dự bữa tiệc nhỏ tại một nhà hàng Trung Quốc. Cứ ngỡ đối tác có “kinh phí tiếp khách” như ở xứ ta, ai dè khi tính tiền, mấy đồng nghiệp phía bạn chia sẻ tiền cho nhau qua tài khoản để cùng trả cho bữa tiệc. Văn hóa ở xứ người là vậy, công tư rất rõ ràng. Khác hẳn ở xứ ta, bạn bè rủ nhau đi ăn nhậu thường tranh nhau trả tiền.

4. Đi nước ngoài bằng hộ chiếu công vụ, chế độ VIP, tưởng sẽ không phải lo chuyện ăn ở, vì công tác phí cũng đủ cho cán bộ được cử đi công tác ở nước ngoài trang trải. Nhưng ở Anh, khách sạn hạng sang và tầm trung không thiếu, tuy nhiên giá thuê thì đắt kinh khủng. Một đoàn từ 5-7 người đi công tác, nếu ở trung tâm thủ đô London, thuê khách sạn 1 ngày đêm (mỗi người một phòng), phải chi từ 120-150 triệu đồng Việt Nam nên nếu đi dài ngày thì khó mà chịu nổi chi phí.

Hôm đến thành phố Bournemouth, một thành phố biển, nằm ở phía Nam nước Anh, cách London gần 200km, chúng tôi chỉ dám thuê một khách sạn tầm trung. Nhìn bên ngoài, trông khách sạn lụp xụp, nhưng bên trong thiết kế nội thất khá đẹp, tiện nghi. Không hiểu do cố tình hay hữu ý, thang máy của khách sạn bị báo hỏng. Chúng tôi đành khệ nệ vác đồ đạc leo thang bộ chật hẹp lên lầu 3-4 để vào phòng nghỉ. Khách sạn ít sao nên phòng tuy thiết kế đẹp nhưng cái gì cũng cũ. Ngán nhất là dùng bồn tắm không khéo, để nước bắn ra sàn gỗ ép là... bị phạt. Hệ thống sưởi ấm bằng khí gas không đủ ấm nên khách sạn bố trí thêm một lò sưởi dầu. Ngặt nỗi, cái nút đặt nhiệt độ lại tương thích với hẹn giờ. Cứ sau 45 phút là tấm sưởi tự tắt, phải bật lại, nên lục đục cả đêm với bật, tắt bếp sưởi, nếu không sẽ bị lạnh.

Vì giá khách sạn đắt đỏ nên để tiết kiệm tiền ở, các đoàn đi công tác hoặc du lịch thường hay thuê nhà dân ở ngoại ô. Ở kiểu này có nhiều điều thú vị và cả những bất tiện. Thú vị là được gần gũi, giao tiếp với chủ nhà, hiểu sâu về văn hóa của người dân sở tại. Nếu được ở chung với chủ nhà cởi mở, thân thiện, sẵn lòng hỗ trợ khách, thì mỗi ngày lưu trú ở xứ người là một ngày vui. Thậm chí, nếu biết làm "công tác dân vận" khéo, chú nhà rảnh rỗi còn có thể đưa đi tham quan các điểm mới ngoài lịch trình cứng của du khách. Vui nữa là cả gia đình chủ nhà có thể mở tiệc chiêu đãi bữa "chia tay" trước khi khách rời đi.

Tuy vậy, việc thuê ở chung nhà dân cũng bất tiện nhiều thứ. Chẳng hạn như chuyện đi sớm, về muộn. Nếu ở chung một không gian, gia chủ có trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, dễ bị gây phiền. Hay như chuyện nấu nướng, khách ta thường có thói quen đem theo mì tôm và tự nấu ăn cho tiết kiệm, nhưng mùi mì tôm hoặc một mùi vị thức ăn "bản sắc" nào đó có thể bay khắp nhà, gây phiền phức cho gia chủ.

Đêm đầu tiên ở London, chúng tôi thuê phòng ở một gia đình ở ngoại ô. Ông Andy, chủ căn nhà Brooklyn House tiếp đón niềm nở. Chúng tôi đến đúng ngày ông Andy sinh nhật tròn 63 tuổi nên ông mời mấy người bạn thân đến ăn tiệc mừng sinh nhật. Người phương Tây rất coi trọng ngày sinh nhật. Andy khá vui tính, hỏi han từng người về chỗ ở xem có cần hỗ trợ gì. Chỉ có điều, "nóc nhà" của ông ta có vẻ hơi khó tính. Bà chủ hay nheo mày, nhún vai, nói bâng quơ gì đó một mình, kiểu than phiền.

Hôm cuối ở Anh, chúng tôi thuê một căn hộ riêng ở thị trấn Hounslow, ngoại ô thành phố Heathrow. Căn biệt thự liền kề khá đẹp ở phía bên ngoài, nhưng bên trong chỉ có 2 phòng ngủ bé tẹo và 1 phòng vệ sinh, 1 phòng khách, 1 phòng bếp. Do có 1 nhà vệ sinh, nên sáng ra chúng tôi phải... xếp hàng chờ. Cũng may, căn bếp ở đây khá rộng, vì thế nỗi lo bị đói ở xứ tư bản đã vơi đi. Tuy nhiên, căn bếp thì rộng, nhưng trong bếp chỉ có dao, dĩa, nồi, chảo. Khách ở có nhu cầu gì thì tự đi mua.

Một đêm ngủ ở ngoại ô London nhưng gần như thức trắng vì tiếng ồn. Thành phố Heathrow có Sân bay quốc tế Heathrow. Căn hộ chúng tôi ở nằm đúng đường tàu bay hạ cánh. Cứ độ nửa phút lại có một chuyến bay hạ cánh. Vì thế cứ cảm giác như sống giữa thời chiến vì tiếng phi cơ liên tục gầm rú ầm ầm ngay trên mái nhà...

Hà Huy Phượng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nuoc-anh-moi-chi-dam-ngay-i726366/