Nước Anh nhức nhối vì thực phẩm tươi sống

Bị các nước đóng cửa biên giới, cộng thêm thời hạn chốt các thỏa thuận Brexit tới gần, nước Anh đang đối mặt với mùa Giáng sinh ảm đạm bậc nhất trong hàng chục năm.

 Nhiều khay chứa rau củ quả trong siêu thị tại Anh trống trơn vì hết đồ bán. Ảnh: EPA.

Nhiều khay chứa rau củ quả trong siêu thị tại Anh trống trơn vì hết đồ bán. Ảnh: EPA.

Hai siêu thị lớn nhất nước Anh, Tesco và Sainsbury đã đồng loạt cảnh báo người tiêu dùng về khả năng xuất hiện những kệ trống trong chuỗi cửa hàng của họ từ giờ đến năm mới 2021. Những sản phẩm này chủ yếu được nhập khẩu từ EU, gồm rau diếp, súp lơ và các loại quả có múi.

"Chúng tôi không trông chờ bất cứ chuyển biến nào về khả năng cung cấp những mặt hàng tươi sống trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Tất cả những gì chúng tôi có thể là làm tâm lý và giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực tới khách hàng", đại diện Tesco nói.

Trong khi đó, người phát ngôn của Sainsbury cho biết: "Những món chính trong tiệc năm mới của người Anh như gà tây, đậu Hà Lan vẫn đầy đủ. Chúng tôi đã xây dựng nhiều chuỗi cung ứng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong dịp đặc biệt này. Dù vậy, hy vọng, Chính phủ Anh và Pháp sớm tìm tiếng nói chung để chuyển ngay những nông sản tươi từ cảng về".

Từ đầu tuần này, một loạt nước gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga đã đóng cửa biên giới với Anh. Trước đó, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Áo, Ireland, Bỉ và Canada cũng có động thái tương tự vì lo ngại chủng virus mới của SARS-CoV-2 đang hoành hành tại London và Đông Nam nước Anh.

Trong số này, lệnh cấm của Pháp khiến Anh thiệt hại nặng nề nhất, bởi con đường qua eo biển Manche là độc đạo, nối liền xứ sương mù với châu Âu.

Theo quan sát của BBC, hàng nghìn xe tải không thể đi tiếp xếp thành hàng kéo dài suốt nhiều kilomet trên tuyến cao tốc dẫn tới cảng Dover, cửa ngõ thương mại chính nối Anh với lục địa già.

Phía bên kia, tại Calais, miền Bắc nước Pháp, không tài xế nào dám chở thực phẩm sang Anh bởi lo ngại lỡ dịp về nhà vào năm mới. Thực phẩm tươi sống, chủ yếu là rau củ, bị chất đống trong xe đông lạnh và có nguy cơ bị hỏng.

Andrew Opie, Giám đốc phụ trách lĩnh vực thực phẩm của British Retail Consortium (BRC) cho biết: "Lệnh cấm khiến năng lực xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt của Vương quốc Anh bị dừng đột ngột. Tuyến đường qua eo biển Manche là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống vào dịp này trong năm. Vào lúc đông đúc, 10.000 xe tải có thể lưu thông trong một ngày. Các siêu thị và chủ những cơ sở sản xuất nông sản đã ngồi với nhau, nhưng tất cả giải pháp chỉ là tạm thời".

Thống kê vào quý III/2020 của BRC cho thấy, khoảng 30% nguồn thực phẩm tại Anh đến từ EU. Những mặt hàng Anh nhập nhiều nhất là rau tươi và trái cây.

Từ hồi mùa hè, xứ sương mù đã nỗ lực canh tác và cải thiện khả năng cung cấp thực phẩm tươi, nhưng do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 và thời tiết lạnh giá, họ quay lại phụ thuộc chặt chẽ vào châu Âu. Cà chua là ví dụ. Hồi đầu năm 2020, 85% lượng cà chua tiêu thụ ở Anh là nhập nhẩu. Đến giữa năm, con số này giảm xuống còn 60%, nhưng vừa tăng trở lại gần 70% vào đầu đông.

Hơn một lần trong quá khứ, nước Anh đối mặt với nạn khan hiếm rau củ quả tươi. Vào năm 2018, đợt nắng nóng kỷ lục khiến người Anh tiêu thụ salad gấp rưỡi mức bình thường. Tuy nhiên, nhiệt độ cao khiến việc trồng xà lách, nguyên liệu chính làm salad, trở thành thách thức.

Để giải quyết, Chính phủ Anh đã vận chuyển hàng nghìn tảng băng trôi từ Los Angeles (nơi đang là mùa đông) để giảm nhiệt độ các phòng kính trồng xà lách. Dự án này tốn kém và chỉ duy trì được một, hai tuần, trong lúc chờ đợt rau mới chuyển về từ EU.

Hàng dài xe tải nằm chết dí trên cao tốc nước Anh do lệnh đóng cửa biên giới của Pháp. Ảnh: EPA.

Không chỉ nhập khẩu, các công ty xuất khẩu thực phẩm tươi của Anh cũng dự báo về một mùa đông khó khăn. Tại ngư cảng Brixham ở bờ biển phía Nam nước Anh, nhiều chủ tàu bày tỏ quan ngại thời hậu Brexit.

Sean Beck, thuyền trưởng tàu đánh cá hơn 40 năm chia sẻ: "Nếu không thể bán hàng sang châu Âu, chính chúng ta cũng chẳng còn gì, thậm chí mất cả tương lai. 80% hải sản chúng ta bán cho EU. Con số ấy chắc chắn sẽ giảm, thậm chí một nửa khi chịu những hàng rào thuế quan".

Dù chỉ chiếm 0,1% tổng GDP, bảo vệ ngư trường lại là hứa hẹn then chốt của Thủ Tướng Boris Johnson trong chiến dịch Brexit phát động hồi năm 2016. Ngư dân Anh cho rằng họ bị đối xử bất công bởi sản lượng đánh bắt của các tàu cá châu Âu trong hải phận Anh gấp 8 lần so với ở ngư trường châu Âu. Phía Anh xem việc lấy lại toàn bộ quyền kiểm soát vùng biển nước này là biểu tượng của Brexit nên không chấp nhận chia sẻ với châu Âu.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Andrew Bailey nhận định rằng nếu Brexit diễn ra sau ngày 31/12 mà không kèm thỏa thuận kinh tế, thiệt hại với nước Anh có thể còn khủng khiếp hơn đại dịch SARS-CoV-2 đã gây ra.

Ngay trong thời điểm bị cấm biên hiện tại, những nguy cơ đã hiển hiện. Nhiều thực phẩm tươi sống, vốn quen thuộc trong hàng thập niên, bị khuyết giá ở các siêu thị lớn. Tại vùng giáp ranh với biên giới Pháp, rau củ quả có biểu hiện tăng giá. Nhiều người Anh đã chấp nhận điều này vì thói quen và sở thích không thể bỏ.

Bên cạnh việc tăng cường sử dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, Hội Nông dân Anh cũng khuyến cáo người dân thay đổi dần thực đơn và thói quen mua sắm.

Chủ tịch John Davies nhấn mạnh: "Những nhà bảo vệ môi trường có thể thích điều này, bởi những hải cảng, đường cao tốc sẽ vắng bóng xe tải chở đồ tươi sống. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, khí thải... tự động được giải quyết. Nhưng đi kèm với đó, là những bữa ăn không hợp khẩu vị, thậm chí là thiếu dinh dưỡng. Hoặc chúng ta tìm cách nối lại giao thương, hoặc buộc phải thay đổi chấp nhận ăn theo mùa, với những gì có sẵn trong tay".

TUẤN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nuoc-anh-nhuc-nhoi-vi-thuc-pham-tuoi-song-d280338.html