Nước Anh nỗ lực phục hồi nền kinh tế: Gói ngân sách 'táo bạo'

Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng vừa cam kết sẽ công bố 'một kế hoạch đáng tin cậy' để giảm nợ chính phủ nhằm nỗ lực bảo vệ kế hoạch ngân sách đang gây tranh cãi và dẫn đến bất ổn thị trường.

Giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt khiến lạm phát tại Anh tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt khiến lạm phát tại Anh tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Động thái này diễn ra sau quyết định táo bạo của tân Thủ tướng Anh Liz Truss về việc cắt giảm mức thuế "khủng" cùng với một gói trợ cấp năng lượng khổng lồ nhằm phục hồi kinh tế. "Canh bạc" cắt giảm thuế của tân Thủ tướng Anh đã gây sốc với thị trường tài chính và khiến chi phí đi vay của Chính phủ Anh, các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng vọt.

Chính phủ Anh vừa công bố đợt cắt giảm thuế lớn nhất kể từ năm 1972. Theo kế hoạch, Anh đề xuất bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 Bảng Anh (162.000 USD). Việc cắt giảm thuế, cùng với kế hoạch hỗ trợ các hóa đơn năng lượng đang tăng lên của các hộ gia đình, sẽ đòi hỏi chính phủ phải vay thêm 72 tỷ Bảng Anh (77,7 tỷ USD) chỉ trong 6 tháng tới. Cùng với việc cắt giảm thuế trong kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ, Thủ tướng Liz Truss cũng đã giới hạn hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đang gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, các mức giới hạn sẽ không có hiệu lực, cho đến khi người Anh phải đối mặt với một đợt tăng lớn khác trong hóa đơn tiền điện và khí đốt từ tháng 10...

Quy mô của kế hoạch này đã khiến thị trường tài chính "chao đảo", với đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy so với đồng USD. Sau đợt bán tháo lớn, đồng bảng Anh đã phục hồi sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) can thiệp khẩn cấp để ổn định thị trường. Tuy vậy, chi phí đi vay của chính phủ vẫn cao hơn rõ rệt. Bên cạnh những phản ứng tiêu cực của thị trường, một số người trong đảng Bảo thủ cho rằng việc loại bỏ mức thuế thu nhập cao nhất 45% là giảm thuế cho người giàu, trong khi có ít nỗ lực cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất. "Tất cả những điều này sẽ đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng cao hơn và giảm lạm phát của của Chính phủ Anh", ông Mohamed El-Erian, chuyên gia thị trường trái phiếu tại Tập đoàn Tài chính Allianz, bình luận trên Đài CNN.

Dù nhiều chính trị gia đối lập và các nhà phân tích đánh giá các kế hoạch này là liều lĩnh, nhưng Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng khẳng định, đây là điều cần thiết để đưa Vương quốc Anh tăng trưởng trở lại. Ông K.Kwarteng nói: “Thuế suất cao làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Anh. Người lao động giảm động cơ làm việc, đầu tư và khởi nghiệp. Và thuế càng cao, mọi người càng tìm cách trốn tránh chúng, hoặc làm việc ở nơi khác hoặc đơn giản là làm việc ít hơn”.

Chính phủ Anh sẽ đề ra một kế hoạch tài khóa chi tiết hơn vào ngày 23/11. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu sâu là điều không thể tránh khỏi. Patrick Minford, nhà kinh tế vĩ mô của Đại học Cardiff nhận định, gói ngân sách này sẽ tốt cho tăng trưởng. “Tôi nghĩ đây là một sự khởi đầu tốt vì để có được một nền kinh tế đang phát triển, toàn bộ môi trường chính sách phải thân thiện”. P.Minford cho biết./.

Hanoimoi.com.vn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nuoc-anh-no-luc-phuc-hoi-nen-kinh-te-goi-ngan-sach-tao-bao-113941.html