Nước Anh sau Brexit (kỳ 2): Nỗ lực ngăn 'chảy máu' tài sản

Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Anh cần một kế hoạch mới để hạn chế dòng tài sản chảy khỏi nước này...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Anh cần một kế hoạch mới để hạn chế dòng tài sản chảy khỏi nước này, duy trì vị thế trung tâm tài chính của London trước sự trỗi dậy của Amsterdam hay Paris.

Đầu năm nay, một số nhà quan sát từng kỳ vọng thương vụ chào sàn của dịch vụ giao đồ ăn Deliveroo sẽ là "cú nổ lớn" trên thị trường tài chính Anh sau Brexit.

Được dự báo đạt giá trị vốn hóa 7,6-8,8 tỷ bảng Anh (10,5-12,2 tỷ USD), Deliveroo khi đó tự tin sẽ có màn niêm yết công khai lớn nhất sàn giao dịch London trong nhiều năm trở lại đây.

Không khó để nhận ra triển vọng về mối quan hệ giữa Brussels và London ngày càng mờ nhạt. EU không giấu giếm tham vọng xây dựng thị trường tài chính độc lập khi Anh không còn là một phần của khối.

Thực tế khác xa kỳ vọng, thương vụ IPO đình đám bất ngờ thành “bom xịt”.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên hôm 31/3, giá cổ phiếu Deliveroo lao dốc không phanh. Cơ chế ngắt mạch tạm thời cũng không cản được đà giảm chóng mặt. Chốt phiên, vốn hóa thị trường bốc hơn 3,2 tỷ USD. Deliveroo trở thành thương vụ chào sàn tồi tệ nhất lịch sử sàn giao dịch chứng khoán London.

Giữa lúc nước Anh chứng kiến dòng tài sản chảy ra ngoài biên giới sau khi ly khai EU, cú mất đà của Deliveroo đã khiến nhà đầu tư quan ngại.

Không khó để nhận ra triển vọng về mối quan hệ giữa Brussels và London ngày càng mờ nhạt. EU không giấu giếm tham vọng xây dựng thị trường tài chính độc lập khi Anh không còn là một phần của khối. Ngược lại, “Anh sẽ không ngồi yên nhìn dòng tài sản chảy sang các thành phố châu Âu khác”, nhận định của nhà sáng lập công ty giao dịch Aquis Alasdair Haynes.

Thật vậy, Chính phủ Anh đang tìm cách củng cố vị thế London như một trung tâm tài chính toàn cầu không thể bị thay thế kể cả khi ly khai EU. Thủ tướng Boris Johnson kỳ vọng cải thiện môi trường pháp lý, xây dựng quy tắc tài chính mở để củng cố sức hấp dẫn của thị trường tài chính nội địa.

Dưới đây là một số biện pháp mà Chính phủ Anh đang triển khai nhằm duy trì vị thế trung tâm tài chính của London:

THU HÚT CÁC CÔNG TY TỚI NIÊM YẾT CỔ PHIẾU

Phát biểu trước Quốc hội đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định: “Tôi muốn Anh trở thành điểm hút đầu tư bậc nhất với những ‘kỳ lân’ công nghệ có tiềm năng tăng trưởng lớn”.

Ông Sunak đề xuất hàng loạt thay đổi nhằm thu hút doanh nghiệp lên sàn ở London. Chẳng hạn, cho phép các công ty sở hữu cổ phiếu hai tầng như Facebook niêm yết trong lựa chọn ưu tiên, tạo điều kiện cho nó tiến vào các chỉ số chuẩn. Một cách khác: cho phép IPO ngay cả khi tỷ lệ cổ phần bán ra nhỏ hơn các quy định hiện hành.

Một báo cáo của EY cho biết trong năm 2020, Anh chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ về tổng lượng vốn huy động trên thị trường chứng khoán. Nếu tính riêng các thương vụ IPO ở châu Âu, số tiền đổ vào sàn giao dịch London chiếm hơn 40% tổng lượng tiền huy động được.

“XÂY NHÀ MỚI” CHO SPAC

Các quan chức tài chính Anh cũng tham vấn khả năng biến London ngôi nhà mới cho các công ty “séc trắng” (SPAC), hay còn gọi là công ty mua lại mục đích đặc biệt. Đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra sớm nhất vào mùa hè này.

Anh gần như bị bỏ quên trong cơn sốt SPAC làm điên đảo phố Wall thời gian qua. Theo Daelogic, có tới 248 thương vụ SPAC được ghi nhận ở New York trong năm 2020. Tuy nhiên, con số này ở London chỉ là 4. Ngay chính các công ty có trụ sở ở Anh như nhà bán lẻ ô tô cũ Cazoo cũng lên kế hoạch IPO thông qua một SPAC ở New York.

Đã có những dấu hiệu cho thấy Amsterdam đón đầu làn sóng SPAC ở châu Âu tốt hơn London. Từ đầu năm đến nay, có 2 thương vụ SPAC được ghi nhận tại châu Âu, một ở London và một ở Amsterdam. Đáng nói, giá trị thương vụ ở Amsterdam lớn gấp 5 lần London.

Nhà phân tích Jason Manketo từ công ty luật Linklaters nhận định: “Các đề xuất thu hút SPAC nếu được thông qua sẽ là một nước đi dài hơi nhằm san bằng sân chơi giữa London và các sàn giao dịch châu Âu khác, những nơi đang được thị trường ưa thích và có xu hướng lựa chọn cho các thương vụ như vậy”.

ƯU TIÊN FINTECH

Anh được biết đến là cái nôi của những công ty công nghệ tài chính (fintech) đầy tiềm năng như Revolut, Monzo và Wise (tiền thân là Transferwise). Trong khi Revolut, Monzo đã mở rộng sang Mỹ, Wise năm ngoái đã có màn IPO trị giá 5 tỷ USD trên sàn giao dịch London.

Trong tham vọng thúc đẩy hướng đi này, chính phủ Anh hồi tháng 2 đã công bố một đánh giá độc lập về ngành công nghiệp fintech. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị, chẳng hạn xây dựng quy trình cấp thị thực nhanh chóng cho những tài năng muốn đến Anh để đầu quân cho các công ty fintech.

Một đề xuất khác gợi ý chính phủ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ đang trong quá trình thử nghiệm các dịch vụ fintech mới mẻ.

ĐỊNH HƯỚNG TÀI CHÍNH XANH

Tháng 11 tới đây, Anh sẽ là quốc gia chủ nhà Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Nhân cơ hội này, Thủ tướng Boris Johnson mong muốn quảng bá sức hấp dẫn của London đến những nhà đầu tư muốn đổ tiền vào các sáng kiến xanh và bền vững.

Bộ Tài chính Anh đang yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo về tác động môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2025. Dự kiến hàng triệu bảng sẽ được Chính phủ đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu dữ liệu môi trường để phục vụ các công ty tài chính.

Các nhà lập pháp kỳ vọng sẽ giành lại vị thế mà Anh đã mất vào tay Đức, Pháp và những quốc gia châu Âu khác trên thị trường phát hành trái phiếu xanh.

Nhìn nhận một cách khách quan, ly khai EU không đe dọa sự sụp đổ của thị trường tài chính Anh. Tuy nhiên, việc tách rời khỏi thị trường 450 triệu dân đã và đang làm lung lay nền tảng của London như một trung tâm tài chính châu Âu.

Miles Celic, giám đốc điều hành CityUK nhận định giải pháp tiềm năng cho Anh lúc này là định hình London với tư cách kinh đô tài chính quốc tế thay vì trung tâm tài chính châu Âu. Các nhà lãnh đạo Anh cũng đồng quan điểm khi nhiều lần nhấn mạnh Brexit là cơ hội để Anh kết nối nhiều hơn với các quốc gia bên ngoài EU.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu London có thành công khôi phục sức hấp dẫn vốn có sau Brexit, và liệu các công ty đa quốc gia có lựa chọn niêm yết ở London thay vì tìm đến các trung tâm tài chính mới nổi của châu Âu.

Nước Anh sau Brexit (kỳ 1): Nỗi đau mới chỉ bắt đầu?

Diên Vỹ -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nuoc-anh-sau-brexit-ky-2-no-luc-ngan-chay-mau-tai-san.htm