Nước cho trường học: Băn khoăn chất lượng (Kỳ 2)

Mùa nắng nóng, nguồn nước ở các trường vùng cao, hạn mặn chủ yếu được dẫn về từ sông, suối hoặc tích trữ nước mưa.

Nữ sinh Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) xách xô ra suối để tắm giặt vào buổi chiều hằng ngày. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, không phải điểm trường nào cũng có điều kiện để trang bị hệ thống lọc nước trước khi phục vụ học sinh ăn, uống.

Nước nhiễm phèn, mặn

Đầu năm 2024 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng. Nhiều trường học vùng hạn, mặn phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn, mặn.

Xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một trong những vùng chịu ảnh hưởng hạn mặn nặng nề. Phần lớn các trường học trên địa bàn phải mua nước lọc cho học sinh uống để đảm bảo vệ sinh. Một số trường đầu tư khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng giội rửa, vệ sinh trường lớp.

Ghi nhận tại Trường Mầm non Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), trường chưa có hệ thống nước uống sạch và máy lọc nước RO. Đối với nước sinh hoạt, dù hòa vào hệ thống cấp nước ở địa phương nhưng đến mùa khô thường thiếu nước, nguồn nước bị nhiễm phèn. “Hiện, trường phải mua bình nước lọc loại 20 lít để trẻ, cán bộ, giáo viên uống”, cô Trần Kiều Khen - Hiệu trưởng cho biết. Theo đó, mỗi ngày, nhà trường sử dụng khoảng 3 bình nước lọc để uống và nấu bữa ăn xế cho trẻ.

Tình trạng thiếu nước ngọt ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) diễn ra thường xuyên. Một số trường học, giếng khoan sử dụng 20 - 30 năm nên đã xuống cấp, nguồn nước nhiễm phèn, mặn, chỉ sử dụng giội rửa. Nước không đảm bảo nên ảnh hưởng đến chất lượng bồn chứa, thiết bị nhà vệ sinh…

Cô Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An cho hay: “Trường sử dụng nước giếng khoan từ năm 1990 đến nay nên nguồn nước nhiễm phèn, chỉ dùng cho nhà vệ sinh, rửa chân tay... Nhà trường mong sớm sửa chữa hệ thống nước uống sạch và nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh”.

Thầy Lê Thanh Mộng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn, Cà Mau) thông tin, hệ thống nước uống sạch tại trường được tỉnh đầu tư bị hỏng mấy tháng nay chưa được sửa chữa. Trường không có nguồn kinh phí mua bình nước cho học sinh sử dụng. Để có nước uống, một số lớp tự đóng quỹ mua bình nước lọc (loại 20 lít). Những lớp không đóng quỹ, học sinh tự đem theo chai nước từ nhà đến trường để uống.

Qua rà soát của UBND tỉnh Cà Mau, nhiều nơi nguồn nước ngầm không thể sử dụng do nhiễm phèn, mặn. Hệ thống cấp nước tập trung nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình xây dựng từ năm 1998 - 2013, qua thời gian đã hư hỏng, xuống cấp, không an toàn và đảm bảo khả năng cung cấp đủ nước.

Học sinh Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) phải ra tắm suối vì trong trường không đủ nước dùng. Ảnh: NTCC.

Nhọc nhằn tìm mạch nước ngầm

Dù chỉ mới bắt đầu vào mùa khô nhưng học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) phải ra suối ở cầu Sao Lư – cách trường 500m để tắm giặt.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Thủy chia sẻ, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô là vấn đề đáng “báo động”. Nguồn nước sinh hoạt của nhà trường được lấy từ suối Luốc bản Táo, trên núi Pù Luốc, phía sau trường. Nước dẫn bằng ống nhựa (loại phi 50) với chiều dài khoảng 400m, do nhà trường tự đầu tư. Tuy nhiên, vào mùa khô nhà trường vẫn thiếu nước ở mức nghiêm trọng. Trong khi trường có số học sinh ăn, ở bán trú lên tới 424 em, nhiều nhất huyện Mường Lát.

“Nguồn nước tự chảy từ suối về chỉ đủ cho nấu ăn bán trú, học sinh đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Khi học sinh tắm, giặt, các em phải ra suối ở cầu Sao Lư”, thầy Thủy cho hay. Theo tính toán của thầy Thủy, để chủ động nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhà trường, chỉ có cách khoan giếng. Thế nhưng, nhà trường không có kinh phí đầu tư, vì mỗi giếng khoan phải chi phí hơn trăm triệu đồng. Trong khi đó, nhà trường cần ít nhất hai giếng khoan mới tạm đáp ứng được nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt cho học sinh, giáo viên”, thầy Thủy chia sẻ.

Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) hiện có 2 nguồn nước, một nguồn từ giếng khoan và nguồn tự chảy từ rừng sâu dẫn về. Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Hoàng Sỹ Xuân, để có nước sinh hoạt cho 387 học sinh, huyện phải lắp đặt đường ống nhựa (loại phi 90) từ mó nước trong rừng về trường.

Sau khi lắp đặt đường ống nước dẫn từ đầu nguồn về, UBND huyện giao nhà trường vận hành, bảo vệ, quản lý để ổn định nguồn nước sinh hoạt cho học sinh. Tuy nhiên, do đường ống nước dài, đi qua khu dân cư, ruộng lúa, nên việc bị vỡ đường ống, thậm chí người dân tự chích ra để lấy nước... luôn diễn ra. Mỗi khi có sự cố, giáo viên nhà trường phải đi khắc phục rất vất vả.

Thầy Nguyễn Văn Quý - Phó hiệu trưởng, Trường PTDTBT-THCS Mường Lý kiểm tra mó nước đầu nguồn dẫn về trường. Ảnh: Thế Lượng.

Tương tự, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) phải thường xuyên đội áo mưa đi dò đoạn đường ống từ suối dẫn về trường. “Cứ mỗi lần có mưa giông là đường ống bị cuốn trôi, toàn bộ hệ thống nước dẫn về trường gián đoạn. Dù trường có 3 bể chứa nhưng chỉ đủ phục vụ học sinh ăn uống, sinh hoạt một ngày. Vì vậy, có khi đang mưa gió cũng phải lội bộ lên đầu suối để nối đường ống”, thầy Phương kể.

Đường ống dẫn nước từ suối về điểm chính của Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập dài khoảng 2km và có nhiều đoạn nối. “Thỉnh thoảng, nguồn nước chảy về bể chứa của trường mất nước đột ngột, các thầy lại chia nhau đi kiểm tra từng mối nối để gắn lại. Lâu lâu người dân đi làm nương rẫy tự ý tháo ra lấy nước rồi quên không đấu nối lại”.

Gần tuần nay, thầy Hồ Văn Ngọc, dạy học ở điểm trường Ông Thái, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) phải đi xin nước của nhà dân gần trường để sử dụng. Thầy Ngọc cho biết, đường ống kéo nước từ suối về trường quá nhỏ nên nước chảy yếu, không đủ phục vụ nấu ăn trưa cho 15 học sinh bán trú tại điểm trường. Con suối cũng bắt đầu cạn dần nên vào hè, việc đủ nước sinh hoạt cho thầy và trò rất khó khăn.

Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Long Túc (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn căng thẳng bài toán nước sinh hoạt khi chỉ mới vào hè. Để không phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn nước suối, nhà trường thuê đội thợ về đào giếng khoan nhưng đã khoan 5 - 6 mũi vẫn chưa tìm ra mạch nước. Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My cho biết, tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ cho các trường khoan giếng đã khó, nhưng để tìm ra mạch nước không dễ dàng. Như Trường PTDTBT THCS Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam), dù đã có một giếng khoan nhưng cũng chỉ sử dụng dự phòng vì phải bơm liên tục, rất tốn điện.

Để chủ động nguồn nước, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập đầu tư xây dựng giếng khoan tại điểm trường Tắk Rối. Ảnh: NTCC

Chất lượng… khó đảm bảo

Ở đầu nguồn nước của Trường PTDTBT THCS Mường Lý có bể lắng khoảng hơn chục mét vuông để lọc cát, lá rừng. Vào mùa khô, nguồn nước khá trong và không có nhiều lá rừng, tạp chất trôi xuống mó nước. Nhưng mỗi khi trời mưa to, mưa giông, nước từ trên đỉnh núi đổ xuống thì mó nước đục ngầu và hay bị vùi lấp hệ thống lắng, lọc. Do đó, nhà trường phải cử người vào dọn vệ sinh, để ổn định nguồn nước về các bể chứa tại trường.

“Do tình trạng người dân cứ tự ý chích ống dẫn nước để lấy về sinh hoạt, nên nhiều lần nhà trường phải đề nghị UBND xã họp với dân bản. Đồng thời, thống nhất với bà con, ai muốn dùng nước từ đường ống phải báo cáo với nhà trường, để cùng nhau bảo vệ và giữ gìn nguồn nước”, thầy Xuân chia sẻ.

Trường PTDTBT THCS Mường Lý phải hợp đồng 1 lao động cho vị trí bảo vệ nhưng cũng nhận luôn phần việc kiểm tra đường ống dẫn nước với chi phí 3 triệu đồng/tháng. Dù nhà trường có hai giếng khoan, song không đủ để dùng cho hơn 300 học sinh bán trú, vì vậy phải dùng cả hai nguồn nước. “Nguồn nước dẫn từ mó về chỉ dùng để học sinh tắm giặt, xả nhà vệ sinh. Còn nước ăn, uống hằng ngày, nhà trường dùng từ nguồn giếng khoan. Chúng tôi vẫn phải lấy mẫu từ nguồn nước giếng khoan gửi đi giám định xem có đạt tiêu chuẩn không”, thầy Xuân nói.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chỉ có điểm trường chính ở trung tâm xã Trà Tập được trang bị hệ thống lọc nước. Các điểm trường thôn còn lại chủ yếu sử dụng trực tiếp nước từ suối kéo về rồi tự lắng lọc ở bể chứa. “Như ở điểm trường chính, khoảng 2 tháng trường phải thay lõi lọc một lần với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng”, thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương nói.

Tuy nhiên, không phải trường học ở vùng núi cao nào cũng có điều kiện trang bị hệ thống lọc nước tự động như Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. Trong khi đó, nước sinh hoạt được kéo về từ các khe, suối có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không là điều mà nhà trường, địa phương khó khẳng định. Thời điểm đầu tháng 4/2023, nhiều học sinh một số trường tiểu học ở Nam Trà My (Quảng Nam) đã bị bệnh ghẻ ngứa. Như ở Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng có gần 400 học sinh, chiếm khoảng 90% số học sinh của trường bị ghẻ ngứa. Nhà trường phải kêu gọi từ thiện để có thuốc điều trị. Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân có gần 70 học sinh được bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng chẩn đoán mặc bệnh ghẻ bội nhiễm.

Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã nhiều lần báo cáo, đề xuất lên cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư công trình nước sạch cho hơn 400 học sinh, giáo viên sử dụng. Được biết, sắp tới nhà trường được đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, nhà ở bán trú học sinh, bếp ăn; các công trình phụ trợ, như: Bể nước, nhà tắm, bể nước phòng cháy chữa cháy... từ dự án của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên lại không có công trình nước sạch.

__________________

Kỳ 3: Giải cơn khát

Nhóm TG

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nuoc-cho-truong-hoc-ban-khoan-chat-luong-ky-2-post682421.html