Nước cờ mạo hiểm của Australia

Chính quyền Australia những ngày qua đang vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các quốc gia Hồi giáo, Arab và cả khu vực Trung Đông khi mới đây bất ngờ tuyên bố có thể xem xét chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Điều này cũng đồng nghĩa, Australia có thể sẽ thuận theo quan điểm với Mỹ để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - vấn đề cộng đồng quốc tế phản đối suốt thời gian qua. Theo giới quan sát, đằng sau bước đi chính trị bị đánh giá là “mạo hiểm” này, Thủ tướng Australia Scott Morison đang tính toán nhiều điều. Nhưng liệu cán cân lợi ích “được - mất” mà Australia có thể đạt được sẽ nghiêng về bên nào?

Toan tính thiệt - hơn

Tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Australia Scott Morrison có thể thấy là sự thay đổi lớn so với chính quyền người tiền nhiệm là ông Malcom Tunbull.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đang đứng trước thách thức đối nội và đối ngoại liên quan vấn đề Jerusalem. Ảnh: Australian.com.au

Mới tháng 6 năm nay, bất chấp áp lực từ nội bộ đảng Tự do - đảng chính trị lớn nhất tại Australia, Ngoại trưởng nước này khi đó là bà Julie Bishop đã kiên quyết bác bỏ đề xuất kêu gọi chính phủ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Bà đồng thời khẳng định, Australia cần phải duy trì lập trường suốt nhiều thập kỷ qua về vấn đề Jerusalem.

Tuy nhiên ngay sau khi Australia có chính quyền mới dưới thời Thủ tướng Scott Morison, quan điểm này đã bắt đầu thay đổi. Theo đó, ông Morrison khẳng định sự “cởi mở” của chính quyền Australia trong vấn đề này; đồng thời nhấn mạnh: “Vấn đề qui chế của Jerusalem luôn bị coi là nhạy cảm trong các cuộc tranh luận; nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải đương đầu và giải quyết nó”.

Không ít nguyên nhân đã được chỉ ra đằng sau tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Australia. Trước hết, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh, một cuộc bầu cử bổ sung sắp diễn ra tại vùng Wentworth để tìm ra người thay thế vị trí nghị sỹ mà cựu Thủ tướng Malcom Turnbull để lại.

Cụ thể, ông Dave Sharma - ứng cử viên của Đảng Tự do của Thủ tướng Morrison đang gấp rút chạy đua vào chiếc ghế trống, đang ở thế bất lợi. Bởi thế, tuyên bố của Thủ tướng Australia được cho là tạo cú hích để thu hút các lá phiếu của cử tri Do Thái tại vùng Wentworth cho ông Sharman. Đơn giản vì nếu nhân vật này thất bại trước các ứng viên của Công đảng hay các ứng viên tự do, Thủ tướng Morrison sẽ dễ mất thế đa số trong quốc hội.

Một lý do nữa cần phải nhắc tới, chính sách của Australia dưới thời Thủ tướng mới Scott Morrison đặc biệt đề cao liên minh Mỹ - Australia. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách của Australia kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8, Ngoại trưởng Australia Marise Payne mới đây nhấn mạnh, quan hệ đồng minh giữa nước này với Mỹ chưa bao giờ có vai trò đặc biệt quan trọng như hiện nay, khi căng thẳng không ngừng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bởi thế, cũng không quá khó hiểu khi Australia chọn lựa “đứng về phía Mỹ” trong vấn đề gây tranh cãi là Jerusalem.

Hậu quả khó lường

Tính toán là vậy, nhưng Thủ tướng Australia có thể chưa thể lường trước được phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với tuyên bố mới nhất này. Dù vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhưng việc ông Morrison tuyên bố xem xét chuyển đại sứ quán Australia tại Israel sang Jerusalem đã đủ khiến dư luận Trung Đông cũng như các quốc gia Hồi giáo dậy sóng.

Đầu tiên là Palestine, nước này nhấn mạnh, Australia đang quá mạo hiểm, đồng thời muốn đi ngược lại các quy tắc và nghị quyết của Liên Hợp quốc. Trong khi đó, đại sứ 13 nước Arab tại Australia ngay lập tức có cuộc gặp tại thủ đô Canberra, bày tỏ lo ngại việc Ausatralia cân nhắc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem có thể hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông.

Bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, Indonesia thậm chí còn cảnh báo có thể xem xét đình chỉ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước này vừa ký với Australia để phản đối.

Giới quan sát nhận định, ngoài việc làm hài lòng đồng minh Mỹ, dường như ông Morrison đang đánh cược liều lĩnh cho các mục tiêu chính trị nội bộ ngắn hạn, ngay cả quan hệ với đối tác tiềm năng là Indonesia.

Thành phố Jerusalem đang trở thành con bài chính trị đầy mạo hiểm của Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Getty

Mới đây chuyến công du Indonesia ngay sau khi nhậm chức của Thủ tướng Morrison cùng hàng loạt cơ hội hợp tác kinh tế hấp dẫn, đã phần nào lấy lại hình ảnh của đảng Tự do cầm quyền vốn đang sụt giảm nghiêm trọng sau các cuộc đấu tranh nội bộ.

Việc đạt được Hiệp định thương mại tự do với Indonesia cũng đã tạo được dấu ấn cá nhân và gia tăng uy tín chính trị của ông Morrison. Nhưng với tuyên bố về Jerusalem, những nỗ lực và thành quả này của Thủ tướng Australia có thể sẽ “đổ sông đổ bể”.

Không dừng ở Indonesia, theo giới quan sát, việc đứng về phía Mỹ và thay đổi sứ mệnh ngoại giao về tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ chỉ khiến cho Canberra cô lập trước cộng đồng quốc tế. Trước hết sẽ là các các quốc gia hồi giáo khác như: Malaysia, Palestine, các quốc gia Arab…

Các quốc gia này vốn đều coi Jerusalem là địa điểm linh thiêng thứ 3 sau Mecca và Medina. Trong khi đó, tiếng nói và vị thế của Australia trong các hồ sơ quốc tế, đặc biệt là vấn đề hòa bình Trung Đông vì thế cũng suy giảm nghiêm trọng.

Vì thế theo giới quan sát, nếu Thủ tướng Morrison quyết tâm hiện thực hóa tuyên bố chuyển đại sứ quán Australia từ Tel Aviv đến Jerusalem, có lẽ Canberra sẽ “mất” nhiều hơn là “được”.

Bởi nếu có giành được sự ủng hộ của cử tri Wentworth và chiếc ghế nghị sỹ tại đây, đảng Tự do cầm quyền cũng không vì thế mà cải thiện được hình ảnh lâu dài của mình. Còn nếu tuyên bố về Jerusalem chỉ là bước đi thăm dò thái độ của Thủ tướng Morrison, sau khi cân nhắc thiệt - hơn, đây có lẽ là thời điểm để chính quyền Canberra dừng lại đúng lúc!

Khang Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nuoc-co-mao-hiem-cua-australia-219297.html