Nước dừa bổ dưỡng nhưng nhiều người uống sai cách

Nước dừa rất ngon mát, bổ dưỡng nhưng nên uống bao nhiêu và thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?

Nội dung

1. Những lưu ý khi sử dụng nước dừa
2. Nước dừa uống trong thời điểm nào, liều lượng bao nhiêu?

Nước dừa thường được sử dụng như một loại nước giải khát và nhiều người coi đó một giải pháp để điều trị chứng mất nước liên quan đến tiêu chảy, tốt cho người bệnh tăng huyết áp và góp phần cải thiện hiệu suất tập thể dục.

Nước dừa rất giàu carbohydrate và chất điện giải.

1. Những lưu ý khi sử dụng nước dừa

Nước dừa rất giàu carbohydrate và chất điện giải như kali, natri và magiê. Nhờ thành phần chất điện giải này nên việc sử dụng nước dừa để điều trị và chống mất nước được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thành phần chất điện giải trong nước dừa không đủ để thay thế hoàn toàn dung dịch bù nước. Do đó, khi bị tiêu chảy, cần bổ sung chất điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nước dừa an toàn tuyệt đối với hầu hết người lớn khi được sử dụng như một thức uống nhưng cũng có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu ở một số người dù không phổ biến. Tham khảo một số thông tin về tiêu thụ nước dừa trong các trường hợp sau:

Mất nước liên quan đến tiêu chảy: Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nước dừa có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước ở trẻ em bị tiêu chảy nhẹ.

Mất nước do tập thể dục: Một số vận động viên sử dụng nước dừa để thay thế chất lỏng sau khi tập luyện. Nước dừa giúp mọi người bù nước sau khi tập thể dục và một số vận động viên cũng sử dụng nước dừa để ngăn ngừa tình trạng mất nước hoặc để cải thiện sức bền.

Tăng huyết áp: Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống nước dừa có thể làm giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm bằng chứng để đánh giá hiệu quả của nước dừa đối với những công dụng này.

Mang thai và cho con bú: Chưa biết đầy đủ về việc sử dụng nước dừa trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Xơ nang: Xơ nang có thể làm giảm nồng độ muối trong cơ thể. Một số người bị xơ nang cần phải uống chất lỏng hoặc thuốc để tăng lượng muối, đặc biệt là natri. Nước dừa không phải là một chất lỏng tốt để uống để làm tăng lượng muối ở những người bị xơ nang. Nước dừa có thể chứa quá ít natri và quá nhiều kali. Không uống nước dừa để tăng lượng muối nếu bạn bị xơ nang.

Hàm lượng kali trong máu cao: Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Không uống nước dừa nếu bạn có hàm lượng kali cao trong máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thận và nhịp tim không đều.

Huyết áp thấp: Nước dừa có thể làm giảm huyết áp. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nước dừa nếu bạn có vấn đề về huyết áp.

Các vấn đề về thận: Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Thông thường, kali được bài tiết qua nước tiểu nếu nồng độ trong máu quá cao. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu thận không hoạt động bình thường. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nước dừa nếu bạn có vấn đề về thận.

Phẫu thuật: Nước dừa có thể cản trở việc kiểm soát huyết áp trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng nước dừa ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình. Ngoài ra, nước dừa có thể không phù hợp khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp vì nước dừa có thể làm giảm huyết áp. Trong một số trường hợp, uống nước dừa cùng với thuốc điều trị tăng huyết áp có thể khiến huyết áp xuống quá thấp.

2. Nước dừa uống trong thời điểm nào, liều lượng bao nhiêu?

Uống nước dừa vào buổi sáng là tốt nhất.

Theo BS Ngô Thị Kiều Nga (Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện tỉnh Đồng Tháp): Nước dừa giàu vitamin và các khoáng chất như sắt, magie, kali, canxi, phospho giúp bổ sung và nâng cao dinh dưỡng cho cơ thể. Một ly nước dừa chứa khoảng 44 kalo, 0,5g protein, 9.6 g đường, 400mg kali trong một ly nước dừa tương đương 1 quả chuối, 15mg magie và viatmin C. Do nước dừa giàu kali và các khoáng chất khác nên nước dừa có thể góp phần điều hòa các dịch nội bộ, tốt cho người mất nước, rối loạn điện giải.

BS Nga cho biết: Người táo bón, tiêu chảy có thể uống nước dừa ngày 1-2 lần. Người tăng huyết áp có thể uống nước dừa giúp điều hòa huyết áp. Uống nước dừa có thể tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nước dừa có thể ảnh hưởng đến mức natri, người bệnh tim huyết áp chú ý không nên uống nhiều. Nước dừa có hàm lượng kali cao giống như một chất lợi tiểu tự nhiên, uống nhiều có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn.

Phụ nữ mang thai thiểu ối nên uống nước dừa nhưng bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ và 3 tháng cuối hạn chế uống nước dừa vì có thể gây huyết áp hạ, yếu cơ.

Uống trong ngày vào buổi sáng là tốt nhất và chú ý không thay thế nước dừa cho các loại trái cây khác, uống nhiều quá có thể gây tăng kali máu hoặc làm huyết áp thấp.

Lương y Nguyễn Công Đức (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) lưu ý: Trong nước dừa có nhiều vi lượng magie, kali, mangan… là nước uống bổ sung chất điện giải khi tiêu chảy rất tốt nhưng không nên uống quá ½ lít nước dừa mỗi ngày. Người bị say nắng cũng có thể uống nước dừa, lưu ý uống từng ngụm nhỏ từ từ. Trước khi tập thể dục không nên uống nước dừa vì các vi lượng có thể ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu có thể làm vận động viên mệt mỏi, yếu cơ.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nuoc-dua-bo-duong-nhung-nhieu-nguoi-uong-sai-cach-169220829160134787.htm