Nước Đức dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Barbara Klemm

Triển lãm ảnh 'Sáng và tối' của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức đang được diễn ra tại Viện Goethe, Hà Nội. Tại đây, Barbara Klemm có dịp trải lòng về hơn 100 bức ảnh tái hiện lịch sử nước Đức và hành trình đến với nhiếp ảnh đen trắng của mình.

Trải qua 40 năm, các tác phẩm của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Barbara Klemm đã phản ánh lịch sử của nước Đức. Nhiều bức ảnh của bà đã trở thành “biểu tượng của lịch sử đương đại”, chúng gắn liền với kí ức của người dân, tô đậm thêm hình ảnh quá khứ và hình thành ký ức văn hóa của nhiều thế hệ say này.

Giấc mơ mang hai màu đen trắng

Nhiếp ảnh gia Barbara Klemm được coi là người viết nên lịch sử ngành nhiếp ảnh của nước Cộng hòa Liên bang Đức (cũ). Ngay từ khi bắt đầu học chụp ảnh tại Karlsruhe (thành phố lớn thứ hai của nước Đức), theo lời khuyên của cha, cũng là một nghệ sỹ, Barbara Klemm biết rằng, nhiếp ảnh chính là hướng đi cho sự nghiệp tương lai mình.Tuy nhiên, trong thời gian theo học, bà nhận thấy bản thân không hứng thú với nhiếp ảnh sắp đặt. Thay vào đó, bà luôn hào hứng với các bài tập bên ngoài bốn bức tường studio.

Rất nhanh chóng, Barbara Klemm nhận ra rằng, nhiếp ảnh báo chí sẽ trở thành mục tiêu theo đuổi của đời mình. Trong hơn 30 năm đảm nhận vai trò phóng viên ảnh của báo Frankfurt Allgemeine Zeitung (FAZ), bà đã viết nhiều tin, bài, chụp nhiều bức ảnh về các sự kiện văn hóa chính trị trọng yếu ở Đông và Tây Đức. Đặc biệt là thời điểm trước và sau sự kiện sụp đổ của Bức màn Sắt, bà đã chụp chân dung nhiều chính trị gia.

Nhiếp ảnh gia Barbara Klemm giới thiệu những bức ảnh của mình tại triển lãm. (Ảnh: Linh Nguyễn)

Ảnh của Klemm thu hút người xem một cách tự nhiên mặc dù chúng không quá bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Barbara Klemm thừa nhận, rất nhiều lần, bà đã may mắn khi "chớp" được một bức ảnh đẹp tại sự kiện. Theo bà, nhiếp ảnh gia cần có mặt đúng chỗ vào đúng thời điểm, cần có sự kiên nhẫn vượt bậc và năng lực quan sát phi thường. Họ cũng cần có sự tận tâm, tính kỷ luật và đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc.

Sự thành công của những bức ảnh mà bà Klemm có được thường là những bức hình đắt giá được chụp khi sự kiện kết thúc hay khi những nhiếp ảnh gia khác đóng máy đi về. Điểm mạnh của bà là làm nổi bật những chi tiết nhỏ, những điều dường như tình cờ nhưng khi nhìn lại thường giàu tính tượng trưng.

Một ví dụ xuất sắc cho phương châm làm nghề của Klemm là Bức ảnh kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức (1989). Nhiếp ảnh gia chia sẻ, bối cảnh bức ảnh là vào thời điểm trước và trong cuộc diễu hành, khi các nhà lãnh đạo Đông Đức cảm thấy không mấy ai để mắt đến mình, vì vậy, họ đã trò chuyện cùng những vị khách láng giềng một cách thoải mái và ít phòng bị. Phong thái của họ gợi nhiều liên tưởng đến hình ảnh các thị dân có tuổi cùng nhau đi dã ngoại hơn là các nhân vật trọng yếu của đế chế Xô Viết trong dịp trọng đại.

“Hẳn rồi, tôi chọn góc chụp phía chân của họ là những cận vệ đang túc trực và tấm vải xếp li chiếm nửa tấm hình. Phần tiền cảnh này minh họa cho sự xa cách giữa người cầm quyền Đông Âu với người dân” - bà cho biết.

Điều đặc biệt nhất trong sự nghiệp làm nhiếp ảnh của Barbara Klemm có lẽ là bà luôn sử dụng máy ảnh analog, film đen - trắng. Trước đây, chỉ có ảnh đen trắng mới được xuất bản tại tờ báo FAZ. Bà cũng có khoảng hai năm chụp ảnh màu. “Nhưng không lâu sau, tôi nhận thấy ảnh màu không phải cách mà tôi muốn. Theo như tôi có thể nhớ thì giấc mơ của tôi đều có màu đen - trắng. Với tôi, hai màu sắc đó là đủ”, nhiếp ảnh gia người Đức tâm sự.

Ghi lịch sử nước Đức qua mỗi tấm hình

Nói về những bức ảnh đã trở thành biểu tượng của lịch sử đương đại nước Đức, nhiếp ảnh gia Barbara Klemm cho rằng, ban đầu, đó là mối quan tâm của tờ báo FAZ.

Thời gian làm nghề, bà đến các nước thuộc khối Xô Viết nhiều hơn ai hết. Thời điểm diễn ra cuộc đàm phán giữa Tây Đức và Ba Lan, bà được cử đi chụp ảnh biên giới Oder – NeiSSe. “Tôi cảm động khi thấy người dân nơi đây buộc phải vượt qua hậu quả nhọc nhằn của cuộc chiến tranh mà trên thực tế, chúng tôi lại là những người thua cuộc. Những người ở Cộng hòa liên bang Đức nên chứng kiến cảnh này khi than phiền về sự bất tiện trong cuộc sống của mình”, bà trăn trở.

Một góc triển lãm ảnh của Barbara Klemm tại Viện Goethe. (Ảnh: Linh Nguyễn)

Thông thường, nhiếp ảnh phóng sự nhắm đến việc tóm tắt những hình ảnh đang chuyển động. Tất cả những gì nó có thể làm là “đóng băng” một khoảnh khắc đơn lẻ trong một chuỗi sự kiện. Nhưng với Barbara Klemm thì khác, bà thường xuyên chọn những góc quan sát trọn vẹn và phân tích chính xác tình huống được tư liệu lại. Điều khiến người ta chú ý tới bức ảnh của bà chính là bố cục xoay những điểm nhấn xung quanh để tô điểm thêm sự kiện chính. Bởi vậy, thành phẩm của bà thường xuyên chạm tới trái tim người xem, dẫu đó là bức ảnh thiên về chính trị.

Phản ánh hiện thực xã hội là những gì Barbara Klemm muốn thể hiện qua những bức ảnh của mình. Hiểu rõ bản chất của mỗi diễn biến, nhiếp ảnh gia người Đức nắm bắt được những khoảnh khắc mà khả năng kể chuyện của chúng vượt xa những gì ta thấy. Barbara Klemm cho rằng, đó là “dạng thức cô đặc của hành động” hay là một dạng ghi lại lịch sử nước Đức theo cách của riêng bà.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, với hơn 100 bức ảnh trưng bày tại triển lãm “Sáng và tối” tại Viện Goethe, nhiếp ảnh gia Barbara Klemm mang đến một bức tranh phức hợp về xã hội Đức. Tại đây, công chúng Việt Nam được chiêm ngưỡng những bức ảnh được chụp từ thời Đông Đức và Tây Đức trước và sau khi hợp nhất. Các bức ảnh như một bộ phim tài liệu lịch sử về con đường đến ngày thống nhất nước Đức.

Triển lãm bao gồm những hình ảnh từ mọi phân vùng xã hội: chính trị, văn hóa, kinh tế. Những bức ảnh chụp lại thời khắc lịch sử căng thẳng đến “nghẹt thở” cho tới các hoạt động bình dị ngày thường. Thậm chí còn là hình ảnh chân thực trong những cuộc biểu tình của sinh viên… Barbara Klemm khắc họa con người trong những khoảnh khắc hiếm hoi khiến cuộc sống trở nên đặc biệt.

Bàn về sự thành công trên con đường nhiếp ảnh, Barbara Klemm nói: “Người ta luôn đánh giá hơi thấp sự chuyên nghiệp của tôi, nhưng thế lại hay vì như vậy mình có điều kiện làm việc tự do hơn”. Nhưng sự tự do của bà cũng được lấy nền tảng từ khả năng thấu cảm, luôn tuân thủ những quy định về sự công bằng và thận trọng. Có lẽ, lối tiếp cận này đã giúp bà minh họa lịch sử một cách độc đáo nhất.

Khi chiêm ngưỡng tấm hình ghi lại lịch sử nước Đức của Barbara Klemm, ta sẽ thấy tinh thần tích cực ngay cả khi không nắm bắt được mọi chiều của nó. Trong mỗi bức ảnh, đều ẩn chứa một ý nghĩ nhân văn nào đó. Bởi trong người nghệ sỹ nhiếp ảnh ấy luôn tin rằng nhiếp ảnh cần có đạo đức. “Tôi luôn mong muốn những bức ảnh mình chụp sẽ làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn một chút”, Barbara Klemm bày tỏ.

Linh Nguyễn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nuoc-duc-duoi-goc-nhin-cua-nhiep-anh-gia-barbara-klemm-79837.html