Nước mắt đã rơi vì Brexit

Ngày 24/5, trong một bài diễn văn ngắn, với giọng xúc động, không cầm được nước mắt, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ từ chức Chủ tịch Đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc bà sẽ rời khỏi chức vụ lãnh đạo chính phủ vào ngày 7/6 tới, sau khi thất bại trong việc thuyết phục Hạ viện thông qua thỏa thuận ký tại Brussels về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

“Tôi đã làm mọi thứ có thể để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Đáng buồn là tôi không làm được điều đó. Tôi đã cố gắng đến ba lần”, CNN dẫn lời nữ thủ tướng phát biểu trong nước mắt. Bà Theresa May cũng cho biết, bà ra đi trong tiếc nuối vì đã không thể hoàn tất tiến trình Brexit.

Vậy là, sau người tiền nhiệm David Cameron, bà Theresa May là “nạn nhân” tiếp theo của Brexit. Cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 với việc đa số người dân Anh nói “không” với EU khiến Thủ tướng David Cameron phải chia tay ngôi nhà số 10 phố Downing ngay sau đó.

Tiếp quản chiếc “ghế nóng” cùng “gánh nặng” di sản Brexit mà ông David Cameron để lại vào ngày 13/7/2016, bà May không có thời gian để tận hưởng hương vị chiến thắng mà phải bắt tay ngay vào công việc đưa nước Anh rời khỏi EU một cách trật tự nhất, có lợi nhất.

Phải rất khó khăn mới có thể ký được thỏa thuận Brexit với EU hồi tháng 11/2018, song bà May lại không thể lường hết được sự phức tạp trong hồ sơ Brexit, đặc biệt trong vấn đề biên giới Bắc Ireland, trở thành chướng ngại vật khi đưa ra lấy ý kiến trong Hạ viện Anh. Sau hai lần thỏa thuận Brexit bị các nghị sĩ Hạ viện bác bỏ, Chính phủ Anh đã phải dời ngày Brexit đến trễ nhất là 31/10/2019 thay vì ngày 29/3/2019 như dự kiến ban đầu.

Ngày 22/5 vừa qua, bà Theresa May đã đề nghị một kế hoạch “cơ may cuối cùng” mong thoát khỏi bế tắc hiện nay, thế nhưng văn bản này bị phe đối lập cũng như một số người trong Đảng Bảo thủ chỉ trích. “Quá tam ba bận” vẫn không thể cứu vãn được tình thế, bà Theresa May đành lòng nói lời chia tay khi không thể hoàn tất tiến trình Brexit.

Việc bà May rơi vào tình cảnh này là điều có thể dự đoán được khi mà “bà không có khả năng kết bạn hay có thêm đồng minh trong hạ viện” như sự phân tích của chính trị gia người Anh Alexis de Tocqueville. Theo ông Alexis de Tocqueville, thiếu đồng minh ở Hạ viện đã tước đi sự hỗ trợ mà đáng lẽ bà May nên có trong sự nghiệp của mình.

Như vậy, bà Theresa May là một trong những thủ tướng Anh có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Quyết định ra đi của bà May sẽ mở đường cho Đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một thủ tướng mới.

Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn. Theo đó, hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên Đảng Bảo thủ. Bà May sẽ là thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Quá trình này có thể sẽ bắt đầu sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới London.

Nhân vật được coi là có triển vọng trở thành thủ tướng Anh nhất hiện nay là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, một người ủng hộ Brexit hết mình.

Dù bất cứ ai lên làm Thủ tướng Anh trong thời gian tới thì việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit cần phải được tiến hành quyết liệt hơn, bởi đó là lựa chọn dân chủ của người dân xứ sở sương mù vào năm 2016 mà bất cứ chính phủ cầm quyền nào của Anh cũng phải tôn trọng. Tuy nhiên, đó sẽ là thách thức lớn bởi cho đến nay EU tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận ký hồi tháng 11/2018.

Để nước mắt không còn rơi vì Brexit, nhà lãnh đạo tiếp theo của Đảng Bảo thủ cần sớm tìm kiếm sự đồng thuận của các nghị sĩ trong Hạ viện đối với thỏa thuận Brexit đã được ký với EU, tiếp tục chèo lái đưa con thuyền nước Anh ra khỏi EU theo đúng kế hoạch./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/the-gioi/nuoc-mat-da-roi-vi-brexit-121625