Nước mắt người đàn bà khi đứa con không chịu nhận mẹ

Mẹ đi tù, Nguyễn Thị Thùy, SN 1991, trú tại 393 khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, tự dặn lòng mình đừng bao giờ bước vào vết xe đổ của mẹ.

Thế nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn khi tuổi đời còn quá trẻ đã khiến cô trầy trật trong việc kiếm tiền nuôi con để rồi trong một phút không giữ nổi mình, cô đã tham gia vào việc mua bán ma túy.

Đối diện với bản án chung thân, Thùy đau đến thắt lòng khi đứa con nhỏ đã mấy lần vào thăm nhất định không chịu gọi Thùy là mẹ. Chứng kiến cảnh đó, bố Thùy chỉ lặng lẽ khóc.

Bước ngoặt định mệnh

Dáng cao dong dỏng, nước da trắng hồng và nụ cười bẽn lẽn, Thùy thu hút người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng câu chuyện về cuộc đời cô cứ khiến người ta day dứt mãi. Bởi nó là một chuỗi những bi kịch nối dài.

Đang cải tạo với mức án chung thân tại Trai giam Hoàng Tiến, Thùy bảo: "Sống trên cuộc đời, có lẽ không ai dám chắc rằng mình sẽ không mắc lầm lỗi. Thậm chí có những lỗi lầm đã được cảnh báo, tận mắt chứng kiến, thậm chí còn là người trong cuộc nhưng rồi không hiểu sao vẫn giẫm chân vào".

Giải thích về câu nói có vẻ như chiêm nghiệm này của mình, Thùy bảo bởi vì mẹ cô cũng đang trong trại cải tạo, cũng một tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thùy.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thùy.

Thùy là chị cả trong một gia đình thuộc diện kinh tế khá giả, nhà lại chỉ có hai chị em nên việc học hành của con cái được cha mẹ quan tâm sát sao. Mặc dù được tạo điều kiện cho học hành tới nơi tới chốn nhưng lực học có hạn nên dù cô có đăng kí thi đại học nhưng nhiều lần thi cử vẫn không đỗ trường nào.

"Bố bảo tôi nghề mẫu giáo hợp với tôi nhưng tôi không thích trẻ con lắm mà thích làm diễn viên. Ngoại hình của tôi cũng tạm được nhưng để thi được vào một trường nghệ thuật nào đó thì ngoài hình thức ra, còn phải có khả năng diễn xuất mà cái đó thì tôi lại đuối. Tôi không biết đóng kịch, không biết nhập tâm vào nhân vật", Thùy tâm sự.

Gác lại chuyện học hành, Thùy quyết định tìm việc làm và trở thành nhân viên bán hàng cho một cửa hàng mỹ phẩm, thời trang cách nhà khoảng 30 phút đi xe máy. Thùy bảo công việc phù hợp với khả năng cũng như vóc dáng vẻ ngoài của mình nên khá thuận lợi, thu nhập đủ để cô chi tiêu.

Cuộc sống của Thùy cứ thế yên ả trôi đi cho đến ngày cô gặp và đón nhận tình yêu của một chàng trai người Hà Nội. Chàng trai ấy, theo lời Thùy là một thanh niên Hà thành, theo bố lên Lạng Sơn mở công ty xây dựng. Họ quen nhau khi chàng trai tới cửa hàng của Thùy mua đồ và chỉ trong vòng vài tháng từ chỗ khách quen, họ trở thành người yêu của nhau.

Sau 3 tháng nhận lời yêu, Thùy đã trao thân cho chàng trai ấy với mơ ước về một gia đình yên vui, hạnh phúc. Đám cưới cũng được diễn ra như mơ ước của Thùy nhưng thực chất nó chỉ giống như một bữa ăn đông người bởi tiệc cưới có nhưng đăng ký kết hôn thì chưa.

Thùy bảo do lúc đó cái thai trong bụng cô đã lùm lùm nên không thể trì hoãn. Thế nhưng tiệc cưới để giữ thể diện cho cô chứ chưa đầy một năm sau thì cả hai đã "đường ai nấy bước" vì chồng Thùy không chỉ lăng nhăng với nhiều cô gái khác mà còn bắt cô phải chấp nhận điều đó mới đăng ký kết hôn. Tổn thương vì bị xúc phạm nặng nề, Thùy bỏ về nhà.

Trở về nhà bố mẹ chờ ngày sinh nở và trong lúc chờ đợi, Thùy lại nghĩ cách kiếm tiền. Cô buôn bán quần áo online. Nguồn hàng Thùy lấy chủ yếu ở bên Trung Quốc. Thùy bảo trong lúc không thể đi xin việc ở đâu được thì lợi nhuận từ việc bán hàng online cũng mang đến cho Thùy nguồn thu đáng kể.

Lý giải về con đường phạm tội của mình, Thùy bảo rằng, thời điểm khi em bé chào đời, cũng là lúc việc làm ăn của cô ta rơi vào khó khăn và Thùy đã không thể vượt lên sự bí bách dù biết việc dính dáng đến ma túy đã có tấm gương tày liếp là bản án dài dằng dặc của mẹ.

Theo hồ sơ vụ án, vì có quen biết với Nguyễn Thị Huệ từ trước nên khoảng 19h ngày 28-10-2013, Thùy sang nhà Huệ chơi. Thấy Huệ không công không ăn việc làm ổn định, nhưng lại có thu nhập cao, Thùy bảo Huệ có việc gì thì cho Thùy tham gia làm để lấy tiền mua sữa cho con nhỏ mới sinh.

Khoảng 20h cùng ngày, Huệ nhận được cuộc điện thoại bảo đi nhận "hàng" nên đã bảo Thùy về để khóa cửa ra đi. Sau khi nhận được hàng, Huệ đem về cất giấu rồi sáng hôm sau gọi Thùy bảo vận chuyển ra cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) làm thủ tục sang Trung Quốc.

Thùy dùng dây chun ken nịt 4 bánh ma túy vào người rồi đến cửa khẩu Cốc Nam, trong lúc đang chờ làm thủ tục xuất cảnh thì bị lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.

Thùy khai 4 bánh ma túy của Nguyễn Thị Huệ. Người đàn bà này đã sang Trung Quốc và đợi Thùy mang ma túy từ thị trấn Đồng Đăng sang đó giao cho chị ta. Theo lời Thùy khai thì Huệ hứa trả công vận chuyển 2.000.000đ/bánh.

Khuôn viên cây xanh Trại giam Hoàng Tiến do các phạm nhân chăm sóc.

Đắng lòng vì con không chịu nhận mẹ

Thời điểm Thùy đang mang bầu cũng là thời điểm mẹ Thùy đang trong thời gian cải tạo về tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy. Thùy chưa một lần hỏi mẹ lý do vì sao nhưng cô nghĩ chắc mẹ cũng có "nỗi khổ riêng".

"Tôi từng rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lí trầm trọng vì sự cố mẹ đi tù. Chuyện lỡ dở tình duyên đã lấy đi của tôi nhiều nước mắt nhưng việc mẹ đi tù khiến tôi sốc thực sự. Bố thì đi lái xe thời gian không cố định, em trai thì đi học xa nhà, mẹ thì tù tội không ai thăm nom…

Bao nhiêu biến cố dồn dập khiến tôi có cảm giác tất cả mọi trách nhiệm đều do tôi gây ra. Chính trong thời gian tôi sinh nở, tiền không có thì mẹ gọi điện về bảo lên thăm nom. Tất cả mọi khó khăn dồn đến, cuộc sống của mình rơi vào cảnh bế tắc, không tâm sự, chia sẻ được với ai nên tôi đã làm liều...", Thùy chia sẻ.

Theo lời tâm sự của Thùy thì tính cách của cô với mẹ không hợp nhau vì cả hai cùng có cá tính mạnh mẽ và bảo thủ. Chỉ có bố là người Thùy hay tâm sự và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Nhắc đến bố, đôi mắt Thùy bỗng ậng nước.

Cô kể: "Hôm bị bắt Công an đến khám xét nhà, bố vơ vội mấy bộ quần áo đưa cho tôi. Ông cũng chẳng kịp nhìn xem bộ nào là của tôi, bộ nào là của mẹ, cứ thế lấy đưa trong vô thức. Vào trong trại, tôi giở ra mới biết là có cái nhầm của mẹ.

Nhìn bố tôi đi không nổi, phải nhờ chú hàng xóm chở chạy theo xe của tôi, lòng tôi đau như xát muối. Bố tôi là người đàn ông đúng mực, chỉ biết kiếm tiền về cho gia đình. Nhìn bố mặt thất thần ngồi sau xe chú, tôi ân hận lắm".

Cho đến giờ, Thùy vẫn nhớ như in câu nói của bố tại phiên tòa xét xử. Hôm đó, khi được phép nói chuyện với con gái, bố Thùy đã khóc rồi bảo: "Sao bao nhiêu việc con không làm, lại làm việc đó… Mẹ con đã như thế! Sao con lại lao theo…". Thùy bảo cô chỉ biết khóc vì không thể trả lời nổi.

Một tiết mục văn nghệ do các phạm nhân Trại giam Hoàng Tiến thực hiện.

Thùy bảo, những ngày đầu về trại, Thùy đã không ít lần tủi thân khi thấy mọi người có gia đình thăm gặp còn mình thì không. Nhưng lúc gia đình xuống thăm, Thùy lại không kìm lòng được.

Thùy bảo: "Ngày xuống trại được 2-3 hôm nhớ bố, nhớ con quá không chịu được tôi xin gọi điện về nhà, giục gia đình xuống thăm. Đến khi nhìn thấy bố, thấy em trai và nhất là đứa con bé bỏng, tôi lại không sao ngăn được những dòng nước mắt. Thấy tôi nhạt nhòa nước mắt, đứa con cứ trân trân nhìn lạ lẫm chứ không cho bế cũng không gọi mẹ; đến cả việc để mẹ nó ôm vào lòng mà nó khóc thét lên rồi đẩy hắt ra. Cái cảm giác lúc đó đau lắm".

Về Trại giam Hoàng Tiến cải tạo ở đội may đến nay đã được hơn 4 năm, Thùy bảo cô thành thạo tất cả các công đoạn của một dây chuyền máy may, từ cắt, vắt sổ, may đến thùa khuy, đơm cúc,… cô đều làm được.

Lý do là vì ngày ở nhà, mẹ Thùy có mở tiệm may mặc nên lúc rảnh rỗi cô cũng ra phụ giúp mẹ nên biết việc. Chỗ nào chưa biết thì cô tự mày mò học. Chính vì sự chăm chỉ ấy mà Thùy luôn được xếp loại cải tạo khá. Cô hy vọng với sự chăm chỉ, quyết tâm cải tạo của mình sẽ được nhìn nhận để sớm được giảm án, trở về với gia đình.

"Con tôi giờ cũng 5 tuổi rồi, mỗi lần gọi điện về cũng biết nói chuyện, kể nhiều thứ lắm nhưng nó chỉ nhận mẹ qua điện thoại thôi chứ giáp mặt là không chịu gọi. Nó bảo mẹ nó đi làm xa lắm, còn lâu mới về. Nó không chịu nhận tôi là mẹ nó vì trong tưởng tượng của nó, chỗ mẹ nó làm là một công xưởng và không có nhiều Công an.

Đau lòng lắm nhưng không thể giải thích cho con hiểu ngay được, đành phải chờ thêm một thời gian nữa. Khi làm mẹ rồi, tôi mới nhận ra tấm lòng của bố mẹ dành cho mình lúc nào cũng bao la, rộng lượng và nhẫn nhịn. Nhất là bố tôi, tôi chỉ biết thầm cảm ơn bố và cầu mong cho ông được khỏe mạnh để làm chỗ dựa cho mẹ con tôi…", Thùy chia sẻ.

Cô bảo chính sự ân cần động viên của người bố tuyệt vời và ánh mắt trong veo ngời sáng của đứa con nhỏ mỗi khi gặp mặt đã trở thành động lực để cô quyết tâm cải tạo. Thùy nhận ra con đường phía trước còn rất nhiều chông gai nhưng là con đường cô buộc phải đi hết.

"Người ta bảo ngã ở đâu phải đứng dậy từ đấy. Tôi không hiểu lắm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đã làm sai thì phải sửa, không ai có thể làm thay được. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ con nhưng không làm thế nào được, đành phải lên thư viện trại đọc sách cho vơi bớt…", Thùy bộc bạch.

Và cô mong bố mẹ hãy hiểu và tha thứ cho cô để cô yên tâm cải tạo, sớm tới ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

Vĩnh Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/nuoc-mat-nguoi-dan-ba-khi-dua-con-khong-chiu-nhan-me-606039/