Nước mắt tình đơn phương thành nhạc phẩm 'đệ nhất sầu'

Ca khúc Sang ngang của nhạc sĩ Đỗ Lễ bị coi là đệ nhất thất tình, vì nó sướt mướt, não tình đến mức chẳng bài hát thất tình nào có thể vượt qua được.

Sang ngang là lời than thở của mối tình đơn phương đau đớn mà Đỗ Lễ dành cho cô ca sĩ nổi tiếng Sài thành, Lệ Thanh. Mối tình lẻ bóng ấy đã gieo vào ông nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai.

Bóng hồng gieo thương nhớ

Người đẹp phía sau ca khúc Sang ngang chính là nữ ca sĩ nức tiếng một thời của Sài Gòn, Lệ Thanh. Trong những năm cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, Lệ Thanh là nữ ca sĩ được khán giả đặc biệt yêu thích. Không giống như nhiều ca sĩ thời bấy giờ, Lệ Thanh không có giọng hát ngọt, thanh hay cao vút mà khàn như bị... nghẹt mũi. Điều khiến Lệ Thanh nổi danh lừng lẫy không phải vì giọng hát mà do cách bà trình bày ca khúc. Cách ngắt nghỉ và luyến láy ca từ rất lạ của Lệ Thanh đã tạo nên sự khác biệt và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Lệ Thanh thường không hát liên tục hết một câu mà chia làm 2 đoạn để ngừng và láy ở giữa câu rồi mới tiếp tục hát cho đến hết câu. Thậm chí, bà còn láy qua láy lại từ cuối của câu hát mang đến cảm giác lạ cho ca khúc. Bà xử lý bài hát theo ngẫu hứng chứ chẳng theo chuẩn của nhạc sĩ, vì vậy mà đôi khi phần thể hiện của bà sai hoàn toàn ý nhạc. Kiểu hát này của Lệ Thanh khiến các nhạc sĩ nhăn mặt nhưng công chúng lại đón nhận nồng nhiệt. Khi ấy, những ca khúc gắn liền với tên tuổi của Lệ Thanh là: Tiễn em (thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy); Sắc hoa màu nhớ (Nguyễn Văn Đông); Gặp nhau, Tà áo cưới (Hoàng Thi Thơ),...

Nhạc sĩ Đỗ Lễ.

Mặc dù Lệ Thanh là nữ ca sĩ đình đám của giới đèn màu ngày ấy nhưng lại là người sống khá khép kín. Bà ăn mặc giải dị, né tránh đám đông, không thích chụp ảnh, không phát ngôn gây sốc và cũng chẳng thích giới báo chí. Vì vậy mà, trong mắt công chúng, Lệ Thanh là nữ ca sĩ ngoan hiền, xinh đẹp và có lối sống chuẩn mực.

Ngày ấy, Lệ Thanh là người con gái đã gieo nhớ thương cho nhiều chàng trai. Trong số những người mê đắm Lệ Thanh có một chàng nhạc sĩ trẻ, đó là Đỗ Lễ. Chàng trai có dáng dấp thư sinh ấy mê từ tiếng hát đến dáng vóc của ca sĩ Lệ Thanh, dâng hết con tim cho nàng. Tuy nhiên, đó lại chỉ là thứ tình cảm không được đáp lại khiến chàng nhạc sĩ đau đớn, u sầu. Nỗi đau tình ấy được nhạc sĩ Đỗ Lễ dồn hết vào giai điệu, ca từ buồn đến nao lòng.

Bao đau đớn dồn hết cho Sang ngang

Ngày ấy, Đỗ Lễ yêu tiếng hát của Lệ Thanh đến mức đắm đuối, tối nào ông cũng đến phòng trà Anh Vũ, Kim Sơn, Hòa Bình để được nghe tiếng hát của Lệ Thanh. Là một nhạc sĩ nghèo, việc la cà tại các phòng trà ấy ngốn một khoản chi phí không hề nhỏ nhưng Đỗ Lễ không tối nào vắng mắt, vì không thể không gặp nàng một ngày.

Hàng ngày, được nghe, được ngắm người đẹp khiến Lệ Thanh trở thành người con gái chiếm ngự trái tim kẻ si tình. Tiếng hát đặc biệt của người con gái ấy đã đưa Đỗ Lễ đến bến bờ tình yêu.

Ông si mê nàng, đắm say nàng và khao khát chiếm được trái tim của nàng. Thế nhưng, đó chẳng phải là điều dễ dàng đối với Đỗ Lễ, bởi lúc ấy ông chỉ là một nhạc sĩ chưa có danh tiếng còn Lệ Thanh đã là nữ ca sĩ vạn người mê. Vì vậy, tình cảm mà Đỗ Lễ dành cho Lệ Thanh chỉ là cho đi chứ không được đáp lại.

Ca khúc Sang ngang được coi là "đệ nhất thất tình".

Yêu đơn phương là nỗi đau tình hút cạn tâm trí, sức lực của người vướng phải. Bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu cảm xúc đều được dồn hết cho một người, nhưng nó lại chẳng được hồi đáp khiến ta ôm nỗi nhớ nhung, sâu muộn ấy một mình. Thế nhưng, mối tình lẻ bóng ấy lại mang đến cho ông nguồn cảm hứng để tạo nên những tuyệt phẩm. Các sáng tác của Đỗ Lễ thường có nhịp chậm, ca từ vừa ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu vừa than thở cho sự ngang trái.

Năm 1965, Lệ Thanh lên xe hoa để lại cho Đỗ Lễ trái tim vỡ vụn và những giọt nước mắt đắng chát. Khi nghe tin, Đỗ Lễ thất điên bát đảo trong tâm hồn, tìm đến men rượu để quên sầu. Trong hoàn cảnh đau đến tận cùng ấy, nhạc phẩm Sang ngang ra đời. Nó là nỗi lòng tan nát của một chàng trai đã trao cả con tim, tâm hồn cho một người con gái nhưng thứ nhận lại chỉ là buồn đau.

Thôi nín đi em/ Lệ đẫm vai rồi/ Buồn thương nhớ ai/ Anh hỡi đôi mình/ Mộng nay đã tan,/ Tình đã dở dang...” chính là nỗi chua xót của mối tình lẻ bóng mà Đỗ Lễ dành cho Lệ Thanh. Sau khi ra mắt, Sang ngang ngay lập tức nhận được sự yêu mến của công chúng. Nó đã lấy đi nước mắt của nhiều chàng trai, cô gái không có được 2 chữ hạnh phúc trọn vẹn.

Thời gian sau đó, Đỗ Lễ cho ra mắt nhiều ca khúc mang hơi hướng thất tình nghe rất não lòng như: Tình phụ, Tan vỡ, Tuyệt tình, Tàn phai, Dại khờ, Hận tình, Tình buồn, Oan trái, Dang dở, Chuyện buồn tình yêu, Mùa thương cũ, Rồi em cũng bỏ tôi đi...

Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh năm 1941, tại Hà Nội. Ông từng học trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1953), cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1954), đại học Khoa học Sài Gòn (1959), đại học Luật khoa Sài Gòn (1963). Nhạc sĩ Đỗ Lễ qua đời ngày 24/3/1997.

Nguồn: Tổng hợp

Lê Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nuoc-mat-tinh-don-phuong-thanh-nhac-pham-de-nhat-sau-a378196.html