Nước Mỹ có tồn tại văn hóa 'bắn trước, hỏi sau'?

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, nước Mỹ ghi nhận ba vụ nổ súng vào các nạn nhân chỉ vô tình đi nhầm đường, gõ cửa nhầm nhà hoặc vào nhầm xe ôtô.

 Súng AR-15 được bán hạ giá trong một cửa hàng tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Súng AR-15 được bán hạ giá trong một cửa hàng tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Hôm 13/4, tại thành phố Kansas City, bang Missouri, Ralph Yarl bấm chuông nhầm nhà khi đang đi đón em trai. Chào đón cậu bé là hai viên đạn được bắn ngay sau khi cửa mở. Yarl sống sót kỳ diệu dù trúng đạn vào đầu, CNN cho biết.

Không phải ai cũng may mắn như vậy. Chỉ hai ngày sau, Kaylin Gillis tại bang New York qua đời sau khi trúng đạn. Trước đó, xe chở cô cùng một số người bạn khác bị nhầm đường và trót đi vào khu đất mà nghi phạm sở hữu.

Tới hôm 18/4, một vụ việc gần tương tự xảy ra ở ngoại ô Austin, Texas. Hai hoạt náo viên trẻ tuổi bị bắn sau khi một người suýt vào nhầm xe của hung thủ.

Cả ba vụ việc đều xảy ra khi màn đêm đã buông xuống. Dù các tay súng đều sẽ phải đối mặt với công lý, các vụ việc cho thấy có không ít người sẵn sàng nổ súng trước khi nhận thức đầy đủ chuyện gì đang xảy ra.

Điểm chung đáng buồn

CNN nhận định ba vụ việc còn có một điểm chung khác: Các tay súng dường như không thèm hỏi một câu đơn giản: “Tại sao anh/chị lại ở đây?” trước khi bóp cò.

Cả Yarl và ông Andrew Lester, người đã nổ súng trong vụ việc tại Kansas City, đều cho biết ông Lester đã bắn Yarl gần như ngay khi cánh cửa bật mở. Sau khi bị thương, Yarl đã chạy qua nhiều nhà để cầu xin mọi người gọi cấp cứu.

Thị trưởng Kansas City Quinton Lucas nói rằng ông cảm thấy hành vi của Lester - người được tòa án cho phép tại ngoại - là “mối đe dọa với công chúng”.

“Tôi không biết rằng ông ấy đang ở trong ngôi nhà nào. Tôi không biết liệu một tài xế Amazon, một nhân viên bưu điện hay nhân viên vận động bầu cử sẽ gõ cửa ngôi nhà đấy hay không”, ông Lucas nói.

Vị thị trưởng cho biết nhiều người gốc Liberia - giống như Yarl - đã cố gắng tránh xa những khu vực chỉ có người da trắng sinh sống sau vụ nổ súng.

Một cuộc biểu tình tại Kansas City sau vụ việc. Ảnh: Reuters.

Khai với cảnh sát, ông Lester cho biết mình đã “sợ gần chết” khi bị tiếng chuông cửa đánh thức, cũng như trước bóng dáng của Yarl. Ông cho biết đây là lý do nổ súng.

Tuy nhiên, ông Lucas cho rằng vụ việc còn mang cả yếu tố sắc tộc.

“Tôi nghĩ sắc tộc là một nhân tố”, ông nhận định. “Bị cáo sợ người da đen - từ những người đàn ông tới những cậu bé. Nếu chàng trai trẻ đó không phải người da đen, sự việc sẽ không diễn biến thế này”.

Trong khi đó, cảnh sát New York cho biết nghi phạm Kevin Monahan, 65 tuổi, nổ súng khi chiếc xe chở nạn nhân Kaylin Gillis đã quay đầu rời đi.

“Ngay khi chúng tôi nhận ra mình nhầm đường, chúng tôi bắt đầu rời đi. Đó là khi mọi chuyện xảy ra”, Blake Walsh, bạn trai của Gillis, nói với NBC. “Bạn tôi nói: ‘Họ đang bắn - đi thôi’ Tôi cố gắng đạp chân ga nhanh nhất có thể. Đây là lúc viên đạn bắn chết Gillis bay tới”.

Khác với hai vụ việc trên, Pedro Tello Rodriguez Jr. - nghi phạm trong vụ việc tại Texas - mới 25 tuổi và vẫn còn rất trẻ. Nhưng cũng giống nghi phạm trong hai vụ việc trước, Rodriguez không ngại nổ súng vào những người không quen.

“Tôi thấy người này bước ra khỏi cửa xe. Tôi kéo kính xe mình xuống và định xin lỗi anh ta”, một nạn nhân nói. “Khi cửa sổ của tôi mới kéo xuống một nửa, anh ta đưa tay lên, rút ra một khẩu súng và bắt đầu bắn về phía chúng tôi”.

Đất nước của súng đạn

Tỷ lệ sở hữu súng tại Mỹ là khoảng 1,2 khẩu súng/người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% người trưởng thành tại Mỹ sở hữu súng và 40% sống trong gia đình có súng, theo một khảo sát của Pew Research Center năm 2017.

Khoảng một nửa súng trong dân tại Mỹ tập trung trong tay một nhóm nhỏ. Một số nhóm sắc tộc - giới tính cũng có xu hướng sở hữu súng nhiều hơn: Gần một nửa đàn ông da trắng cho biết mình có súng. Con số này ở phụ nữ da trắng và đàn ông da đen đều thấp hơn 25%, trong khi với phụ nữ da đen chỉ là 16%.

Kaylin Gillis thiệt mạng dù xe chở cô đã nhận ra mình nhầm đường. Ảnh: WNYT.

Chênh lệch còn được thể hiện khi xét đến đảng phái và nơi sinh sống: Các đảng viên Cộng hòa có tỷ lệ sở hữu súng cao hơn so với đảng viên Dân chủ. Người ở nông thôn sở hữu súng nhiều hơn người sống tại thành phố.

Có nhiều nhân tố thúc đẩy người Mỹ mua súng. Một khảo sát của Gallup năm 2021 cho thấy 88% người sở hữu súng mong muốn bảo vệ bản thân trước tội phạm, 70% muốn tham gia bắn súng thể thao và 56% muốn săn bắn.

Trong khi đó, hãng khảo sát dư luận Pew cho biết khoảng ba phần tư số người được hỏi coi sở hữu súng là yếu tố then chốt để đảm bảo tự do. Khoảng một nửa coi súng đạn là yếu tố quan trọng làm nên bản sắc của họ.

Đáng quan ngại hơn, theo một khảo sát gần đây của KFF, hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ để súng cùng chỗ với đạn. Hơn một phần ba nói rằng khẩu súng của họ đã được lắp đạn sẵn.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-co-ton-tai-van-hoa-ban-truoc-hoi-sau-post1424091.html