Nước Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ: Chia rẽ chính trị sâu sắc

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa diễn ra căng thẳng và quyết liệt đến phút chót. Mặc dù vẫn bảo toàn được quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng đảng Cộng hòa cầm quyền đành cam chịu để đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau 8 năm làm phe thiểu số.

Kết quả cuối cùng là khá rõ ràng, với việc hai đảng hàng đầu chia nhau kiểm soát lưỡng viện. Điều này khiến giới phân tích cho rằng nước Mỹ rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Đã diễn ra rất nhiều cuộc đua ngang ngửa ở các quận ngoại ô, nhưng địa thế chính trị ngày càng trở nên bất lợi cho đương kim Tổng thống Donald Trump. Các nghị sỹ đương nhiệm của đảng Cộng hòa đã bị thất thế trước những đối thủ thuộc đảng Dân chủ, và nhiều người trong số họ đang tận hưởng cảm xúc trào dâng, điều mà đảng Dân chủ đã không thể có được kể từ cuộc bầu cử với khẩu hiệu “Hy vọng và Thay đổi” của ông Barack Obama năm 2008. Hai tuần trước khi diễn ra bầu cử hôm 6-11, Trung tâm Phản hồi chính trị của Mỹ ước tính rằng đảng Dân chủ đã gây quỹ cho cuộc bầu cử giữa kỳ lần này với số tiền lên đến 2,5 tỷ USD, nhiều hơn đảng Cộng hòa 300 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiều tiền mặt hơn không đồng nghĩa với việc đem lại cho một đảng chính trị nhiều ghế hơn trong Hạ viện và Thượng viện. May mắn cho những người Dân chủ là có một sự tương quan trong suốt cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6-11. Đảng Dân chủ cần giành được ít nhất 23 ghế để đổi màu Hạ viện từ đỏ sang xanh. Các ứng cử viên đương nhiệm của đảng Cộng hòa trong Hạ viện đại diện cho các thành phố ngoại ô thích thảo luận những vấn đề tăng trưởng kinh tế của đất nước và các chương trình cắt giảm thuế đã được đảng Công hòa thông qua trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử. Lẽ ra, đảng Cộng hòa cầm quyền đã có thể chạy đua an toàn.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có những ý tưởng khác biệt. Đối với nhà lãnh đạo này, ông coi vấn đề đe dọa an ninh quốc gia bởi những kẻ xâm lược nhập cư bất hợp pháp không hấp dẫn bằng việc thảo luận chính sách thuế. Tuy nhiên, sau đêm bầu cử, các nghị sỹ đảng Cộng hòa như Kevin Yoder (bang Kansas), Carlos Curbelo (Florida), Mike Coffman (Colorado), Barbara Comstock (Virginia), Pete Sessions (Texas) và John Faso (New York), tất cả đều đã mất việc.

Tổng thống Trump (trái) và ông Mitch Mcconnell vẫn kiểm soát được Thượng viện. Ảnh tư liệu

Nếu đảng Dân chủ đã có một đêm tuyệt vời ở Hạ viện, đảng này đã tự giấu mình trong một chiếc hố sâu hơn bên cạnh Rotunda (Trụ sở Quốc hội Mỹ). Bởi vì bản đồ Thượng viện quá đỗi khó khăn cho những người đảng Dân chủ trong năm nay - 10 thượng nghị sỹ đương nhiệm của đảng Dân chủ vận động ở những bang mà ông Trump đã thắng trong năm 2016, nên cơ hội để đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện chẳng khác nào như chơi xổ số.

Đúng như vậy, các Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ như Joe Donnelly (Indiana), Heidi Heitkamp (North Dakota), Bill Nelson (Florida) và Claire McCaskill (Missouri) tất cả đều bị đánh bại bởi các đối thủ đảng Cộng hòa cho dù họ tiêu hàng chục triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và vận động tranh cử. Bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hạ viện lần thứ hai, nhưng Thượng viện sẽ được điều hành bởi ông Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa ít nhất trong 2 năm tới.

Đối với Tổng thống Trump, đêm bầu cử có kết quả lẫn lộn. Mất Hạ viện chắc chắn tạo ra một cảm giác bối rối đối với một người đàn ông luôn cho rằng mình giỏi về mọi thứ mà ông nghĩ ở trong đầu. Nó có thể còn tồi tệ hơn nữa. Ví dụ, nếu những người đảng Dân chủ có thể nắm quyền kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội, họ không chỉ đánh sập hoàn toàn chương trình nghị sự lập pháp của Tổng thống Trump, mà còn làm tê liệt bộ máy cố vấn cho nhiệm kỳ 2 năm còn lại của ông.

Đối với ông chủ Nhà Trắng, điều duy nhất tồi tệ hơn cả việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện là việc Thượng viện do đảng Dân chủ điều hành vì nó sẽ ngăn chặn ông bổ nhiệm các chức vụ trong nội các và đề cử các thẩm phán. Với việc đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện, ít nhất Tổng thống Trump sẽ vẫn có thể tiếp tục biến hệ thống tòa án thành pháo đài luật pháp của những người bảo thủ.

Với kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, giờ đây Hạ viện sẽ là trung tâm của phong trào phản kháng ở Washington. Những người của đảng Dân chủ sẽ nắm quyền chủ tịch các ủy ban và có quyền ban hành trát đòi hầu tòa. Và một số cuộc điều tra lớn sẽ được tiến hành để chống lại chính quyền Trump khi Quốc hội khóa tới chính thức tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ là đồng minh của Nhà trắng tại Quốc hội và là vật cản lớn đối với bất kỳ dự luật nào mà Hạ viện dưới quyền điều hành của Chủ tịch Pelosi thông qua.

Rõ ràng, nước Mỹ chưa từng bị chia rẽ chính trị sâu sắc như bây giờ. Có rất nhiều người dân Mỹ tôn thờ Donald Trump như thể vị tỷ phú này là giáo hoàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người thực sự thất vọng trước tình trạng đất nước Mỹ hiện nay. Đối với những người cấp tiến, ông Trump có thể là một tổng thống nguy hiểm nhất mà nước Mỹ từng có trong lịch sử. Có thể nói, sau kết quả bầu cử vừa qua, quãng thời gian 2 năm tới đây nước Mỹ thậm chí sẽ còn chia rẽ sâu sắc hơn nhiều so với 2 năm trước.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nuoc-my-sau-bau-cu-giua-nhiem-ky-chia-re-chinh-tri-sau-sac-126974.html