Nước Mỹ thời Joe Biden

Với kế hoạch 'Build back better' (Xây dựng lại tốt hơn) được nhấn mạnh trong suốt quá trình tranh cử, ông Joe Biden kỳ vọng những chính sách kinh tế của mình (còn gọi là Bidenomics) sẽ giúp nước Mỹ không chỉ sớm vượt qua giai đoạn kinh tế đầy khó khăn do bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 mà còn phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ.

Với kế hoạch Xây dựng lại tốt đẹp hơn, ông Joe Biden cam kết phục hồi nền kinh tế Mỹ, tạo thêm nhiều việc làm hơn

Với kế hoạch Xây dựng lại tốt đẹp hơn, ông Joe Biden cam kết phục hồi nền kinh tế Mỹ, tạo thêm nhiều việc làm hơn

Khác biệt nào của Bidenomics

Một trong những thách thức lớn và cấp bách nhất đối với ông Joe Biden khi trở thành chủ nhân của Nhà trắng từ ngày 20-1-2021 là phục hồi nền kinh tế Mỹ và cải thiện tình trạng thất nghiệp. Ứng phó được cho là sai lầm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã tàn phá nặng nề nền kinh tế và việc làm của người dân Mỹ, vốn là những thành tích và thế mạnh nhất của vị Tổng thống xuất thân là tỷ phú.

Cho dù kinh tế Mỹ trong quý III vừa có mức tăng trưởng kỷ lục kể từ năm 1947 tới nay với tốc độ 33,1%, song cũng chỉ đủ đề bù đắp lại mức lao sốc cũng được xem là kỷ lục 32,9% trong quý II trước đó. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), kinh tế Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay với mức giảm 5% đã chính thức rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Không chỉ đẩy nền kinh tế Mỹ vào “vũng lầy” suy thoái, trong đó mức giảm trong quý II-2020 gấp tới 4 lần mức giảm 8,4% trong quý IV-2008 lúc khủng hoảng tài chính kinh tế, đại dịch Covid-19 còn “thổi bay” hàng chục triệu việc làm, khiến số người thất nghiệp lúc cao điểm nhất thời dịch bệnh là 22,2 triệu người. Dù tình trạng việc làm đang dần được cải thiện, nhưng hiện vẫn còn hơn 10 triệu người trong độ tuổi lao động ở Mỹ thất nghiệp.

LTS: Việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden được truyền thông Mỹ “xướng tên” là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với hơn 270 phiếu đại cử tri được cho sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn, tác động nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ sau khi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính thức nhậm chức trưa 20-1-2021.

Hoàn toàn nhận rõ những thách thức kinh tế to lớn mà nước Mỹ đang phải đối mặt, ông Joe Biden khi tranh cử đã đề xướng kế hoạch “Build back better” (Xây dựng lại tốt hơn) nhằm sớm đưa nền kinh tế khỏi suy thoái, trở lại đường ray tăng trưởng cũng như tạo thêm công ăn việc làm.

Chính sách kinh tế của ông Joe Biden (còn gọi là Bidenomics), theo giới phân tích có những khác biệt so với thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, song đó không phải là sự đảo ngược hoàn toàn nhiều điểm then chốt. Đây cũng chính là lĩnh vực mà chính sách của ông Joe Biden không trái ngược với chính sách của ông Donald Trump về vấn đề đối ngoại, chống biến đổi khí hậu hay nhập cư…

Là một thành viên lâu năm và cấp cao của đảng Dân chủ, nhưng theo giới chuyên môn, chính sách kinh tế của ông Joe Biden lại không đi theo con đường cánh tả truyền thống của nhiều nhân vật trong đảng Dân chủ. Điều khác biệt về đường lối kinh tế của ông Joe Biden với ông Donald Trump có thể chỉ là mức độ thực thi, ví như thay vì chuyển hướng từ tự do hóa thương mại mà phe Dân chủ chủ trương sang bảo hộ mậu dịch có điều kiện, tức mềm dẻo hơn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch theo quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Ưu tiên phục hồi nhanh kinh tế Mỹ

Với kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn”, ông Joe Biden được cho sẽ tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch này chủ trương tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường.

Để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế - lĩnh vực mà cử tri Mỹ đánh giá Tổng thống Donald Trump có thể mạnh hơn, ông Joe Biden ấp ủ thông qua một dự luật phục hồi kinh tế khổng lồ, trị giá khoảng 2.000-3.000 tỷ USD. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, ngân khoản lớn được sử dụng cho các khoản chi ngắn hạn, thúc đẩy bảo hiểm thất nghiệp và trợ giúp các chính quyền tiểu bang và địa phương, những nơi đang đối mặt với thâm hụt ngân sách.

Biện pháp kích thích kinh tế mà ông Joe Biden cũng rất kỳ vọng sẽ tạo sức bật quan trọng cho nền kinh tế suy thoái là gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.300 tỷ USD, kéo dài 10 năm. Khoản chi này bao gồm 400 tỷ USD cho một chương trình liên bang mới về nghiên cứu và đổi mới năng lượng sạch, 100 tỷ USD để hiện đại hóa trường học, 50 tỷ USD để sửa chữa đường sá, cầu và đường cao tốc trong năm đầu tiên nắm quyền, 20 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng ở nông thôn, 10 tỷ USD cho các dự án phục vụ các khu vực nghèo đói… được giới kinh tế cho rằng sẽ có “tác động lớn và tạo ra nhiều hoạt động kinh tế” vốn rất cần thiết khi nền kinh tế đang vật lộn để giành lại những công việc đã mất.

Để có ngân sách cho những gói kích thích kinh tế ngàn tỷ, ông Joe Biden tuyên bố đảo ngược các khoản cắt giảm thuế mà ông cho là “quá mức” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đây cũng là khác biệt được cho là khác hoàn toàn trong chính sách kinh tế của hai ông Joe Biden và ông Donald Trump, theo đó tăng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất từ 21% lên 28%, tăng thuế thu nhập cá nhân mức cao nhất từ 37% lên 39,6%, áp thuế an sinh xã hội với người có thu nhập trên 400.000 USD, đánh thuế thặng dư vốn và đánh thuế tối thiểu 15% với thu nhập sổ sách của các công ty lớn… Trong khi nâng thuế đối với người giàu thì ông Joe Biden cũng chủ trương nâng mức lương tối thiếu liên bang lên 15 USD/giờ.

Một trong những chính sách kinh tế không có nhiều sự khác biệt giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump là bảo hộ mậu dịch, khuyến khích các công ty Mỹ từ nước ngoài về nước, trong đó chính sách được quan tâm nhất là chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Joe Biden được cho có linh hoạt, đối thoại hơn với Trung Quốc, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế-thương mại gây áp lực, kiềm chế đối thủ kinh tế lớn nhất này của nước Mỹ.

Cho dù còn quá sớm để đánh giá Bidenomics tác động ra sao tới kinh tế Mỹ, liệu có mang lại sự hồi phục cho nền kinh tế đang bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 hay không… trong đó có dự báo lạc quan cho rằng kế hoạch của ông Joe Biden sẽ nâng tăng trưởng GDP thực của Mỹ năm 2021 từ 3,7% lên 5,8% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984, giảm tỷ lệ thất nghiệp về gần 3%. Giới phân tích cho rằng, chính sách kinh tế của ông Joe Biden sẽ gặp phải không ít thách thức, thậm chí rủi ro và để nền kinh tế Mỹ thực sự được “Xây dựng lại tốt hơn”, ông Joe Biden cần phải táo bạo, mạnh tay và tham vọng hơn nữa.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nuoc-my-thoi-joe-biden-post449831.antd