Nước Nga đã sẵn sàng

VH- Vào lúc 21h (giờ Việt Nam) ngày mai 14.6, tại SVĐ Luzhniki, Moskva sẽ diễn ra lễ khai mạc World Cup 2018, sau đó một giờ sẽ là trận đấu khai cuộc giữa Nga và Saudi Arabia.

Nước Nga sẵn sàng cho World Cup 2018

Bảy năm kể từ khi nhận quyền đăng cai từ FIFA, với nỗ lực chuẩn bị mọi mặt về hạ tầng cơ sở lẫn công tác tổ chức, nước Nga đã sẵn sàng chào đón 32 đội bóng đến tham gia tranh tài tại vòng chung kết World Cup 2018.

Mùa giải bóng đá 2017-2018 vừa kết thúc ở châu Âu sau trận chung kết Champions League, sự chú ý của người hâm mộ trên toàn thế giới trong gần 1 tháng qua chuyển dần sang mọi diễn biến trên đất Nga, 12 sân vận động lớn nhất tại quốc gia Đông Âu này sẽ là nơi tranh tài của 32 đội bóng tiêu biểu nhất.

Danh sách này thật ra chưa đại diện cho tinh hoa của bóng đá thế giới, bởi vẫn có một số đội tuyển hùng mạnh đã không thể vượt qua vòng đấu loại: Hà Lan (hạng 3 World Cup 2014), Xứ Wales (bán kết Euro 2016), Ý (cựu vô địch World Cup 2006); Chile (đương kim vô địch Copa America 2017); Mỹ (đương kim vô địch Gold Cup CONCACAF 2017); Cameroon (đương kim vô địch CAN 2017)… Từ kỳ World Cup diễn ra trên đất Pháp 1998, vòng chung kết đã “nở nồi” từ 24 đội tăng lên 32 đội, nhưng xem ra nhu cầu ngày một tăng cao. Phải chăng đó cũng là lý do để FIFA đang tính toán tăng số đội dự World Cup lên 48 đội vào năm 2026, thậm chí sớm hơn kể từ năm 2022?

Chuẩn bị để chào đón 32 đội bóng với trên 700 cầu thủ, hàng nghìn quan chức cùng vài triệu khách du lịch trong hơn một tháng không hề là điều dễ dàng cho nước chủ nhà, kể cả quốc gia có nhiều kinh nghiệm đăng cai các sự kiện thể thao hàng đầu như Nga. Xứ sở Bạch dương đã làm việc cật lực suốt 7 năm qua, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng vốn đã hoàn thiện dưới chế độ Liên bang Xô-viết trước đây, kết hợp việc đại tu hoặc xây mới đủ số lượng sân bóng theo yêu cầu của FIFA. Những vất vả ấy sẽ được đánh đổi bằng số tiền lớn mà FIFA trao lại, bằng việc cải thiện hình ảnh, uy tín, thương hiệu quốc gia trong mắt bạn bè gần xa bên cạnh mức độ tăng trưởng về kinh tế, du lịch, xã hội, những giá trị không thể cân đo đong đếm.

World Cup, xét về góc độ kinh tế, luôn là sự kiện không bao giờ thua lỗ, mang lại khoản lãi ròng cực lớn cho FIFA. Chỉ riêng khoản bản quyền truyền hình với tầm phủ sóng đến toàn bộ 219 quốc gia, FIFA đã có được nguồn thu nhiều tỉ USD. So với kỳ World Cup 2014 thu về 2,4 tỉ USD, nguồn thu năm nay ước tăng đến 20%! Tất nhiên, phần bỏ ra của FIFA cũng rất đáng kể, trong đó có khoản chi tiền thưởng tăng từ 352 triệu USD lên 400 triệu USD cho 32 đội bóng. Ngoài ra, FIFA còn phải trả 1,5 triệu USD/đội gọi là “phí chuẩn bị”, 209 triệu USD cho các CLB đóng góp cầu thủ tới Nga và 134 triệu USD rót vào Quỹ đền bù cho các CLB có cầu thủ chấn thương vì đá World Cup. Tổng chi 791 triệu USD chính là con số kỷ lục trong lịch sử World Cup.

Đội chơi kém nhất trên đất Nga cũng sẽ có 8 triệu USD mang về, ngang bằng số tiền thưởng dành cho đội vô địch World Cup 2002! Trong khi đó, đội vô địch World Cup 2018 sẽ nhận ngay khoản thưởng 38 triệu USD, nhiều hơn 3 triệu so với nhà vô địch 4 năm trước. Tiền thưởng tăng cao cho đội bóng và giá trị từng cá nhân cầu thủ cũng sẽ tăng chóng mặt sau World Cup là lý do để các đội tuyển dốc sức cho chiến dịch vòng loại và thi đấu tốt nhất tại vòng chung kết. Chuyện HLV Van Marwijk “than thở” các cầu thủ Úc chưa đá World Cup đã kiệt sức vì tập luyện và đấu giao hữu trước ngày sang Nga không chỉ là chuyện riêng của đội bóng xứ sở Kangaroo. Cho đến nay, đã có ít nhất bốn trường hợp bị trả về là Alberto Quintero (Panama), Manuel Lanzini (Argentina), Kamil Glik (Ba Lan) và Frank Fabra (Colombia) vì chấn thương trong tập luyện và thi đấu. Đang trong “chế độ chờ” và có thể vắng một vài trận đầu tiên là Fred (Brazil), Nabil Fekir, Olivier Giroud (Pháp), Dani Carvajal (Tây Ban Nha), Mohamed Salah (Ai Cập), Mesut Ozil (Đức) do chưa hoàn toàn bình phục sau chấn thương…

THANH PHƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/th%E1%BB%83-thao/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nga-%C4%91227-s%E1%BA%B5n-s224ng