Nước Nga: Đoàn kết và tiến lên phía trước

TCCSĐT - Chiến thắng cách biệt và đầy thuyết phục của ông V. Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018, với 76,69% số phiếu ủng hộ, là một kỳ tích. Ông V. Putin dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 07-5 tới để bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư của mình và tiếp tục đảm nhiệm cương vị là người dẫn dắt nước Nga tới năm 2024. Người dân Nga tin tưởng rằng, dưới sự chèo lái của đương kim Tổng thống V. Putin, nước Nga sẽ tiếp tục tiến lên phía trước.

Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: Sputnik

Đối mặt với thách thức

Để ngăn chặn và kiềm chế ảnh hưởng của Nga, đặc biệt là ngăn chặn Tổng thống V. Putin khôi phục lại vị thế siêu cường thời kỳ Liên Xô, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ không chỉ ủng hộ các thế lực đối lập bên trong nước Nga, làm cho nước Nga bất ổn hơn, mà còn mượn cớ Nga can thiệp vào tình hình Ukraine để tiến hành nhiều biện pháp bao vây, cấm vận đối với Nga (bắt đầu từ tháng 3-2014). Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống V. Putin, nước Nga đã nỗ lực vượt qua khủng hoảng, từng bước trở lại, là tác nhân quan trọng trên bàn cờ chính trị thế giới. Chính quyền Putin đã chuyển thành công từ thế phòng thủ, chiến đấu để bảo vệ lợi ích của mình, sang duy trì vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Tái đắc cử vẻ vang, Tổng thống V. Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga đến năm 2024. Trên thực tế, nhiệm kỳ này của Tổng thống V. Putin được đánh giá sẽ rất cam go, bởi hệ lụy từ lệnh bao vây cấm vận của phương Tây trong nhiều năm qua đã khiến nước Nga gặp khá nhiều khó khăn. Nga chưa thoát hẳn khỏi suy thoái bùng phát từ năm 2014 do tác động kép từ giá dầu thô giảm và các biện pháp cấm vận của phương Tây. Quá trình kinh tế hồi phục bấp bênh do sản xuất công nghiệp đột ngột giảm tốc vào tháng 11-2017. Tăng trưởng kinh tế Nga còn khá khiêm tốn. Theo số liệu công bố đầu tháng 02-2018 của Cơ quan Thống kê nhà nước Nga (Rosstat), trong năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 1,5%, sự hồi phục này là tương đối chậm bởi giá dầu năm 2017 đã tăng hơn 25% so với năm 2016(1). Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong giai đoạn 2018 - 2020 duy trì ở mức 1,5% - 2%; lạm phát khoảng 3% - 4% vào cuối năm 2018 và vẫn duy trì ở mức gần 4% vào năm 2019(2). Trong bối cảnh này, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ lạm phát lãi suất cơ bản và sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi sang chính sách tiền tệ trung lập vào năm 2018. Ngân hàng Thế giới dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ tăng 1,7% trong năm 2018 và 1,8% vào năm 2019(3).

Bên cạnh đó, thế hệ sinh ra trong những năm đầu của thời hậu Xô viết, với tỷ lệ sinh giảm, có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu nhân lực có trình độ và từ đó hạn chế tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với sự suy giảm nhân khẩu học, áp lực cải cách hệ thống lương hưu… đang dần trở thành một gánh nặng cho ngân sách liên bang. Tổng thống V. Putin đã nhiều lần thừa nhận rằng, một cuộc cải cách tuổi về hưu sẽ là cần thiết nhưng lại cho rằng, giờ chưa phải lúc. Thu nhập thực tế của hộ gia đình đã giảm trong hơn bốn năm qua, tỷ lệ đói nghèo hiện chiếm hơn 14% tổng dân số, trong khi tỷ lệ này là dưới 11% vào năm 2013(4).

Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ năng lượng, Nga chủ trương đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, chẳng hạn đầu tư phát triển các doanh nghiệp nhỏ bằng cách hạ thấp hàng rào tín dụng. Khuyến khích đầu tư vào robot, công nghệ “thông minh” và trí thông minh nhân tạo. Một số kế hoạch cổ phần hóa đã được đề ra, nhưng việc nhà nước vẫn còn nắm phần lớn quyền sở hữu trong nền kinh tế lại đang cản trở phần nào công cuộc cải cách năng suất ở Nga. Mặt khác, để khắc phục những trở lực trong phát triển kinh tế, Tổng thống V. Putin luôn hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng nhu cầu cải thiện chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài cũng là lý do khiến Điện Kremlin không đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Nếu trong năm 2017, đầu tư đã tăng 4,4%, thì mức tăng này lại chủ yếu đến từ các dự án lớn mang tính tạm thời, như xây dựng cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea hoặc các công trình phục vụ giải Vô địch bóng đá thế giới do Nga đăng cai trong năm 2018(5).

Muốn thu hút mạnh hơn đầu tư nước ngoài, giảm thiểu những rủi ro với ngành sản xuất và xuất khẩu trụ cột của nền kinh tế là dầu mỏ, Tổng thống V. Putin cần cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Nhưng đây thực sự không phải là một bài toán dễ có lời giải khi Tổng thống V. Putin luôn thực thi các chính sách nhằm khẳng định vai trò, vị thế cường quốc toàn cầu của Nga, trong khi Mỹ và phương Tây vẫn luôn coi Nga là đối thủ hàng đầu, tìm mọi cách để làm suy yếu đất nước này. Tiếp đó, biên giới phía Tây của nước Nga luôn phải đối phó với quá trình “Đông tiến” của NATO; nguy cơ đến từ những đối tượng thánh chiến người Trung Á hiện hữu. Nhóm khủng bố “Liên minh Thánh chiến hồi giáo” (UDI), một phong trào thánh chiến Trung Á liên kết với al-Qaeda đang có lực lượng ở Afghanistan, chuyên đào tạo các lực lượng thánh chiến đặc biệt để tấn công Kabul và các nước Trung Á. Nguy cơ đến từ những đối tượng thánh chiến người Trung Á tị nạn tại Afghanistan và các khu vực bộ lạc người Pakistan vẫn là một vấn đề thời sự nóng bỏng, đe dọa an ninh khu vực nói chung, nước Nga nói riêng.

Khi niềm tin tiếp thêm sức mạnh

Nhìn lại lịch sử, từ năm 2000 tới nay, nước Nga đã luôn vươn lên từ trong gian khó. Trải qua ba nhiệm kỳ Tổng thống và một nhiệm kỳ Thủ tướng, ông V. Putin trở thành gương mặt lãnh đạo nổi bật nhất nước Nga. Trước khi ông V. Putin lên làm Tổng thống, nước Nga đang gần như hỗn loạn bởi những cải cách thị trường trong những năm 90 của thế kỷ XX và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1998. Ông đã giải quyết được tình trạng hỗn loạn này bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp, quốc hữu hóa những lĩnh vực then chốt. Dưới sự lãnh đạo của ông V. Putin, cùng với lợi thế dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu tăng cao, điều này giúp nước Nga bước vào kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có. Thu nhập thực tế của người dân tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2006. Có thể thấy, ông V. Putin đã đưa nền kinh tế Nga từ một “cái giỏ rỗng”, từng khiến cuộc sống người dân Nga nghèo khổ cùng cực tới một nền kinh tế ổn định, và cá nhân Tổng thống V. Putin đã thiết lập được nền móng cầm quyền vững chắc.

Sau khi xảy ra sự kiện Crimea, Nga tiếp tục vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế, biến thách thức thành cơ hội, thành động lực để cải cách. Chính sách kinh tế tổng thể của Nga đã tập trung vào việc duy trì lạm phát ở mức thấp, bảo đảm ngân sách ổn định, tăng dự trữ… Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay còn thấp, nhưng do thu ngân sách hợp nhất (liên bang, khu vực và thành phố, cộng với quỹ xã hội) tăng hơn 13% so với năm 2016; doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh nên thâm hụt ngân sách của chính phủ chỉ ở mức 1,5% GDP(6). Mặc dù Rosstat dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,8%, nhưng Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2018 sẽ là 2,5%, Goldman Sachs thậm chí còn dự đoán là 3,3%(7). Ngân hàng UBS, Thụy Sĩ dự báo GDP của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng. Ngân hàng J.P. Morgan ước đoán đồng rúp của Nga sẽ không có nhiều biến động trong lúc giá dầu ổn định dần, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư. Nhiệm kỳ thứ 4, Tổng thống V. Putin cho biết sẽ tập trung để giải quyết một loạt vấn đề trong nước, bao gồm tình trạng đói nghèo và chăm sóc sức khỏe. Nước Nga sẽ ưu tiên phát triển công nghệ, hiện đại hóa nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và quản lý nhà nước, tận dụng tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Đại đa số người dân Nga hiện nay, những người sinh ra từ thời Liên Xô, sống hơn nửa cuộc đời của mình trong thời kỳ khó khăn, luôn coi ông V. Putin như vị cứu tinh của dân tộc. So với những năm 90 của thế kỷ XX, nước Nga hiện nay sở hữu một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều. Nước Nga không phải thực hiện theo lệnh từ bất kỳ nước nào. Ngay cả lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea cũng không thể làm nước Nga gục ngã... Đương kim Tổng thống V. Putin luôn biết cách khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc vốn rất mạnh mẽ từ trong dòng máu từng cử tri Nga. Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18-3-2018, diễn ra trùng với dịp Nga kỷ niệm 4 năm sáp nhập bán đảo Crimea, là dấu mốc ghi nhận những nỗ lực của Tổng thống V. Putin nhằm tái khẳng định sức mạnh của nước Nga. Điều mà các nước phương Tây không thể phủ nhận là, quyết định can thiệp vào Syria, tháng 9-2015 cũng đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cục diện chính trị và quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Rõ ràng, các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga trong những năm qua tập trung vào hai nhóm chính: Thứ nhất, Tổng thống V. Putin muốn tái khẳng định vai trò của nước Nga trên vũ đài chính trị toàn cầu; thứ hai, Nga luôn tìm cách ngăn chặn những nước được coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của mình (những nước thuộc không gian Liên Xô trước đây và khu vực lân cận thuộc Đông và Trung Âu, Balkan) tham gia các thể chế của phương Tây như EU và NATO.

Thông điệp liên bang năm 2018 tiếp tục thể hiện sự tự tin dựa vào sức mạnh quân sự hiện đại cho thấy nước Nga đã trở lại. Sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga sẽ mở ra một cục diện mới trong quan hệ quốc tế. Phong cách lãnh đạo quyết đoán, Tổng thống V. Putin tạo ra hình ảnh của một nhân vật có thể đối đầu với Mỹ, với NATO và buộc các bên phải “lắng nghe lợi ích của Nga”. Rồi cách mà ông chủ Điện Kremlin đã vận hành hiệu quả chính sách đối ngoại của mình. Tại cuộc họp của OPEC (tháng 10-2017), ông V. Putin đã đóng vai trò trung gian giữa Iran và Saudi Arabia, giúp đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nhật Bản, nước có nhiều năm tranh chấp với Nga về quần đảo Kuril/lãnh thổ phương Bắc, nhưng mới đây đã đồng ý với đề nghị của Nga về việc thiết lập một “hệ thống đặc biệt” cho các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo này. Nga đã có một cuộc “đổ bộ” vào EU thông qua sự ủng hộ của một số đảng cực hữu, trong đó có đảng Tự do ở Áo. Tại một số nước Đông Âu như Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia và Slovakia, tầm ảnh hưởng của Nga cũng đã rộng khắp.

Tương lai, Nga dường như sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại dựa vào sức mạnh, với mục đích khẳng định vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu. Ảnh hưởng quốc tế của Nga sẽ tiếp tục được củng cố nhờ hoàn tất những hợp đồng kinh doanh quốc tế trong các lĩnh vực chiến lược như dầu khí, nhà máy năng lượng hạt nhân và trang thiết bị quân sự. Nga sẽ tiếp tục muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trên trường quốc tế. Nga sẽ ưu tiên tăng cường ảnh hưởng toàn cầu bằng cách hoàn tất những thỏa thuận kinh tế trong các lĩnh vực chiến lược. Ba lĩnh vực sẽ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược đối ngoại của Tổng thống V. Putin nhiệm kỳ thứ tư, đó là: Dầu khí (thông qua các hoạt động do các tập đoàn độc quyền nhà nước Rosneft và Gazprom như gần đây tại Venezuela, Ấn Độ và Iraq); nhà máy điện hạt nhân (thông qua những hợp đồng lâu dài do Rosatom tiến hành như tại Cộng hòa Séc, Chile, Ai Cập, Iran, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh); trang thiết bị quân sự, như các hệ thống tên lửa phòng không S-400 (mà Nga vừa bán hoặc đang thương thảo với các nước Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ). Thông qua các hoạt động này, Nga sẽ theo đuổi tham vọng lấp đầy các khoảng trống ảnh hưởng do Mỹ bỏ lại tại nhiều nơi, đặc biệt là tại Trung Đông, lợi dụng tâm lý xa rời Mỹ tại khu vực này, xây dựng hình ảnh như một siêu cường toàn cầu mới.

Đoàn kết và tiến lên phía trước

Ngày 23-03-2018, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018. Theo đó, đương kim Tổng thống V. Putin đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ đạt 76,69%(8). Với kết quả này, đương kim Tổng thống V. Putin đã lập kỷ lục về số lượng người ủng hộ trong lịch sử nước Nga hậu Xô viết. Nước Nga đã thực hiện thành công cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 và lựa chọn được vị tổng tư lệnh tiếp tục dẫn dắt đất nước phát triển trong 6 năm tới. Chiến thắng này một lần nữa khẳng định niềm tin và kỳ vọng của người dân xứ sở bạch dương vào sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin.

Nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua. Trong lời nhắn gửi đến những người ủng hộ mình, Tổng thống V. Putin người dân Nga đoàn kết để tạo ra bước đột phá cho nước Nga. Tình đoàn kết đó chắc chắn sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi người đứng đầu đất nước gần đây khẳng định: “Tôi hiểu rõ trách nhiệm to lớn của mình trước các công dân Nga và trước đất nước. Tất cả những gì đã phát biểu trong quá trình chiến dịch tranh cử đều phải được tiến hành trọn vẹn” và “nước Nga cần có bước đột phá thực sự”.

Thông điệp Liên bang 2018 là một kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các hành động chung của nước Nga trong 6 năm tới. Và bất kỳ quyết định cuối cùng được đưa ra đều “ưu tiên cho lợi ích của người Nga” và chương trình nghị sự phát triển của nước Nga luôn có tính chất củng cố, mang tính quốc gia và có sự đoàn kết của cả dân tộc. Mục tiêu của Tổng thống V. Putin là công nhận nguyên trạng chính sách đối ngoại mới, dỡ bỏ trừng phạt và thiết lập điều kiện cho sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ tại Nga khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2024. Chiến lược của Tổng thống V. Putin là rất rõ ràng, đó là “sự kiên nhẫn chiến lược trong các điều kiện khó khăn”.

Lịch sử đã minh chứng, ở Nga, khát vọng hướng tới các hình thức hoạt động tập thể và chủ nghĩa tập thể luôn chiếm ưu thế trước các hình thức cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Vị thế cá nhân của người Nga không chỉ xuất phát từ các nỗ lực cá thể mà còn được gắn với sự giúp đỡ, động viên và khuyến khích của xã hội và nhà nước. Tổng thống V. Putin cho rằng, tư tưởng Nga trong thời đại mới được hình thành như một “hợp kim” gắn kết các giá trị phổ quát của loài người với các giá trị truyền thống của Nga lâu đời và đã được thử thách qua thời gian, trong đó có những thử thách khó khăn nhất trong thế kỷ XX. Ông V. Putin từng tuyên bố, không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững và thịnh vượng trong một thế giới mà tác động của toàn cầu hóa đang “làm phẳng” thế giới và có xu hướng đồng nhất hóa mọi thứ, nếu quốc gia đó không có bản sắc và không có hệ tư tưởng quốc gia làm nền tảng.

Thực tế, khi người Nga phải đối mặt với bất cứ sức ép nào từ bên ngoài, họ luôn đoàn kết lại, một lòng ủng hộ nhà lãnh đạo. Kết quả bầu cử tổng thống Nga 2018 cho thấy, người dân Nga đã dành cho đương kim Tổng thống V. Putin sự tin tưởng mạnh mẽ, giao phó cho ông sứ mệnh lịch sử tiếp tục dẫn dắt đất nước phát triển trong 6 năm tới. Đây sẽ là cơ sở để ông đoàn kết, tập hợp sức mạnh, đưa nước Nga phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thực hiện cam kết của ông trước cử tri Nga về một tương lai tươi sáng hơn./.

--------------------

Tài liệu tham khảo

(1), (6), (7) Russia Country Report Mar18 - March, 2018, http://rustrade.org.uk, ngày 12-3-2018

(2) Russia’s Central Bank lowers key rate, http://tass.com, ngày 23-3-2018

(3), (4), Russia’s economy: challenges facing Vladimir Putin, www.ft.com, ngày 28-02-2018

(5) Putin's election win: Five economic challenges facing Russia, http://www.straitstimes.com, ngày 19-03-2018

(8) Russian poll authority confirms Putin's landslide victory in presidential election, http://www.thefastmail.com, ngày 24-03-2018

Việt Hà

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/50385/nuoc-nga-doan-ket-va-tien-len-phia-truoc.aspx