Nước Nga và 'cuộc đại tu' gây sốc

Một loạt các thông báo gây sốc của Tổng thống Putin làm bùng nổ suy đoán về vai trò của ông sau năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông kết thúc.

Một loạt các thông báo gây sốc của Tổng thống Putin làm bùng nổ suy đoán về vai trò của ông sau năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông kết thúc.

Ông Mishustin (phải) được Tổng thống Putin (trái) đề cử là Thủ tướng mới của Nga. Ảnh: AFP

Ông Mishustin (phải) được Tổng thống Putin (trái) đề cử là Thủ tướng mới của Nga. Ảnh: AFP

Sau tuyên bố chấn động của Tổng thống Vladimir Putin về việc thay đổi hiến pháp, cải cách hệ thống chính trị và những kế hoạch tương lai, các nghị sĩ Nga ngày 16-1 bắt đầu nhóm họp để xem xét đề cử của ông chủ Điện Kremlin về vị trí thủ tướng mới của ông Mikhail Mishustin - người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga.

Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) có khả năng sẽ nhanh chóng phê chuẩn đề cử cho ông Mishustin, sau tuyên bố từ chức gây sốc của chính phủ Thủ tướng Dmitry Medvedev nhằm mở đường cho Tổng thống Putin cải cách sâu rộng, định hình lại hệ thống chính trị của Nga. Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất trước đó đã nhất trí ủng hộ ông Mishustin cho vị trí thủ tướng mới.

Chính phủ Thủ tướng Medvedev từ chức...

Trước hơn 1.000 quan khách và gần 1.000 phóng viên trong và ngoài nước, Tổng thống Putin đã bất ngờ tuyên bố về cuộc “đại tu” chính trị.

Trong đó, ông chủ Điện Kremlin đề xuất một loạt sửa đổi hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho thủ tướng và quốc hội. Điều khoản sửa đổi đáng chú ý trao cho Hạ viện Nga quyền chọn thủ tướng và các vị trí cấp cao trong nội các, vốn thuộc về tổng thống. Ông Putin cũng có kế hoạch trao thêm quyền lực cho các cơ quan khác, trong đó thủ tướng đặc biệt được trao thêm quyền. Tổng thống Putin tuyên bố vai trò của Hội đồng Nhà nước cần được củng cố trong Hiến pháp như một phần của kế hoạch sửa đổi luật cơ bản. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết vai trò của cơ quan này.

Trên thực tế, ông Putin dự định sau khi rời khỏi Điện Kremlin sẽ làm việc tại cơ quan này. Đây là nơi sẽ bao gồm những người đứng đầu các khu vực của Nga và các thành viên của chính quyền tổng thống và xem ra có chức năng cố vấn. Tất cả những người được nghe đều sốc bởi cả những bộ trưởng Nga dường như cũng không được báo trước việc họ phải từ chức.

Trong động thái đánh dấu thay đổi lớn trong hệ thống chính trị nước Nga, Tổng thống Putin ký sắc lệnh cho phép các quan chức chính phủ từ chức. Thủ tướng Medvedev - người luôn kề vai sát cánh với ông Putin gần hai thập kỷ qua - đã quyết định rời khỏi vị trí cao nhất trong chính phủ. Quyết định từ chức của ông Medvedev được đánh dấu thay đổi nhân sự lớn nhất từng diễn ra trong chính phủ Nga gần 1 thập kỷ qua. Tổng thống Putin từ lâu luôn nỗ lực duy trì hình ảnh ổn định chính trị bất chấp những thách thức như nền kinh tế suy thoái hay các lệnh cấm vận của phương Tây.

Tổng thống Putin cũng đã đề cử ông Mikhail Mishustin - người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga làm Thủ tướng mới lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), thay thế ông Medvedev. Ông Mishustin đã đồng ý nhận chức vụ. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Nga với sự hiện diện của cả hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Putin đã cảm ơn những nỗ lực của Thủ tướng Medvedev - một đồng minh thân cận của ông.

...để làm gì?

Trong tuyên bố từ chức, Thủ tướng Medvedev cho biết, chính phủ do ông lãnh đạo sẽ từ chức để giúp Tổng thống Putin có khả năng tiến hành những cải cách mà ông muốn thực hiện đối với Hiến pháp Nga.

Một loạt các thông báo gây sốc của Tổng thống Putin làm bùng nổ suy đoán về vai trò của ông sau năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông kết thúc. Theo giới phân tích, Tổng thống Vladimir Putin, 67 tuổi, với 4 năm còn lại của nhiệm kỳ và hơn 20 năm là người lãnh đạo nước Nga, có thể đặt nền móng để đảm nhận một vị trí mới hoặc nắm giữ vai trò hậu trường đầy quyền lực. Theo đó, ông có khả năng sẽ trở thành thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống hoặc tham gia Hội đồng Nhà nước, vốn sẽ được trao thêm quyền lực hơn nữa sau khi cải tổ. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Tổng thống Nga, các thành viên trong Hội đồng gồm các chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), lãnh đạo các phe phái trong Hạ viện, thống đốc các chủ thể, đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga ở các khu vực liên bang. Hội đồng Nhà nước xem xét các vấn đề chính trị cấp bách ở Nga, nhưng không có quyền lực.

Và đó có thể là lý do ông Putin muốn giảm quyền lực của Tổng thống và áp dụng hạn chế 2 nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là một tổng thống chỉ có 12 năm phục vụ trong Điện Kremlin. Hiện tại, bản thân Tổng thống Putin cũng tuyên bố về việc vạch ra lộ trình rút khỏi Điện Kremlin, từ đó bắt đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Ông sẽ từ chức vào năm 2024, hoặc có thể sớm hơn, và có dự định bãi bỏ hệ thống từng trao cho ông nắm nhiều quyền lực trong lúc tại nhiệm. Hệ thống này được cựu Tổng thống Boris Yeltsin công bố năm 1993 với sự ủng hộ của Mỹ.

Có một đề xuất trọng tâm khác của ông Putin là các tổng thống Nga trong tương lai cần phải sống ở Nga trong 25 năm liên tục trước khi nhậm chức, và không được sở hữu hộ chiếu nước ngoài hay giấy phép cư trú nước ngoài. Tổng thống Putin cũng cho biết ông không phản đối việc củng cố vai trò của Tòa án Hiến pháp.

Medvedev - Mishustin

Tổng thống Putin đã thành lập nhóm công tác, soạn thảo các đề xuất sửa đổi Hiến pháp sau khi ký lệnh phê duyệt thành phần của nhóm công tác, có hiệu lực ngay trong ngày 15-1. Và với mỗi sáng kiến sửa đổi, ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân, một động thái cho thấy kế hoạch dân chủ và rõ ràng của nhà lãnh đạo này.

Người dân Nga phản ứng lạc quan trước những đề xuất này và hiện nay đang quan tâm vấn đề tương lai của Thủ tướng Medvedev sau khi từ chức. Theo các nguồn tin, ông Medvedev từ chức nhưng không rời quá xa khỏi chính trường. Bởi vai trò mới của ông được cho là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, một vị trí khá kín tiếng nhưng cũng đầy quyền lực sau khi cải tổ. Ngoài ra, thực tế là ông Medvedev vẫn nắm giữ chức vụ quan trọng - lãnh đạo đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền.

Trong khi đó, người kế nhiệm, ông Mikhail, 54 tuổi, có bằng tiến sĩ kinh tế và từng làm việc nhiều năm trong chính phủ. Ông trở thành người đứng đầu cơ quan thuế liên bang kể từ năm 2010. “Ông Mishustin là ứng cử viên xứng đáng cho vị trí thủ tướng. Ông ấy là một chuyên gia lớn, người đã chứng tỏ hiệu quả làm việc trong thực tế”, ông Nikolay Zhuravlev, phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), nhận định.

Tuy nhiên, thủ tướng được Tổng thống Putin đề cử là một gương mặt ít được biết đến trên trường quốc tế và được xem là một nhân tố bí ẩn của ông Putin. Theo TASS, ông Mishustin có 3 con trai và công khai minh bạch thu nhập của mình trong năm 2018 là 18,9 triệu rouble (khoảng 309.000 USD), thấp hơn con số 47,7 triệu rouble của vợ.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_219239_nuoc-nga-va-cuoc-dai-tu-gay-soc.aspx