Nước ô nhiễm sông Tô Lịch sẽ đi về đâu?

Sau khi được bổ cập 1 triệu m3 nước, nhiều người vui mừng khi nhìn thấy sông Tô Lịch trở nên trong xanh và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên cũng không ít người lo ngại trong khi nước sông Tô Lịch vẫn đang ô nhiễm nghiêm trọng, chưa được xử lý thì việc xả nước vào con sông này có góp phần đẩy ô nhiễm xuống vùng hạ du hay không?

Theo công ty thoát nước Hà Nội, dẫn nước vào sông Tô Lịch chỉ là việc làm thường xuyên, đảm bảo công tác phòng chống ngập lụt của TP Hà Nội. Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa lớn, mực nước ở Hồ Tây đã cao hơn mức an toàn 30 cm, nên việc xả nước ra sông Tô Lịch là đúng quy định.

Việc này có giúp cải thiện cho dòng sông vốn nổi tiếng về độ ô nhiễm này hay không? Theo nhiều chuyên gia, nước sông Tô Lịch vốn đang ô nhiễm nặng, gần 300 cống xả trực tiếp 150.000 m3 nước bẩn xuống lòng sông mỗi ngày. Việc dẫn nước vào sông Tô Lịch ở thời điểm hiện tại chỉ giúp pha loãng sự ô nhiễm, còn nguồn nước này khi chảy về hạ du, về bản chất vẫn là ô nhiễm.

Sông Tô Lịch kết thúc dòng chảy khi đổ ra sông Nhuệ trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ đây nguồn nước lại hòa chung với sông Đáy, rồi ảnh hưởng tới các địa phương hạ du phía Nam Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế tại đoạn sông Tô Lịch đổ ra sông Nhuệ, hai ngày nay, người dân vẫn chưa nhận thấy sự khác biệt sau khi nước sông Tô Lịch được dẫn thêm nước từ Hồ Tây. Với tình trạng nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối, từ lâu người dân ở đây cũng không dám dùng nguồn nước này vào việc gì.

TP Hà Nội vẫn đang loay hoay trong các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch. Trong khi dòng sông vẫn hàng ngày phải tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 nước thải, thì dùng biện pháp nào cũng khó có thể hồi sinh./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/nuoc-o-nhiem-song-to-lich-se-di-ve-dau