Nước Pháp sau 24 tuần 'nhuộm vàng' áo gilet

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, chỉ có khoảng 23.600 người áo gilet vàng xuống đường biểu tình ngày Thứ bảy 27-4, trong đó tại Paris là 2.600 người. Đây là ngày biểu tình có ít người tham gia nhất kể từ khi khởi phát phong trào 'Áo gilet vàng' kéo dài hơn 5 tháng qua.

Sự suy yếu của phong trào “Áo gilet vàng” Pháp liệu có phải là do các biện pháp thỏa mãn được Tổng thống Macron đưa ra trước đó 2 ngày? Phần lớn người “Áo gilet vàng” lại nói họ để dành “nguồn lực” cho ngày 1 tháng 5.

Mặc dù đợt biểu tình hôm Thứ bảy tuần trước có ít người “Áo gilet vàng” tham gia nhất kể từ khi phong trào này khởi phát nhưng lần này họ đã không để xảy ra vụ xô xát nào nghiêm trọng, có vẻ chuyên nghiệp hơn khi tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất, họ muốn tuyên bố đại chiến quốc tế và thứ hai là phản đối cách báo chí, truyền thông Pháp đưa tin về họ.

Đại lộ Champs-Elyseés, khu vực xung quanh Phủ Tổng thống, Hạ viện và nhà thờ Đức Bà Paris tiếp tục bị cấm biểu tình. Theo Đài Truyền hình BFM TV, 2 đoàn biểu tình xuất phát vào khoảng 13 giờ 30 (giờ địa phương ngày 27-4). Một đoàn xuất phát từ nhà ga Montparnasse (quận 14) tiến về phía quảng trường Ý (Place d’Italie, quận 13).

Phong trào “Áo gilet vàng” đã kéo dài hơn 5 tháng tại Pháp.

Phong trào “Áo gilet vàng” đã kéo dài hơn 5 tháng tại Pháp.

Đoàn thứ hai vây quanh trụ sở các cơ quan truyền thông lớn nhằm yêu cầu “truyền thông đối xử công bằng hơn”, bắt đầu từ Đài Phát thanh Pháp (Maison de la Radio, ở quận 16). Khoảng 14 giờ, đoàn người biểu tình đã đến trụ sở của Đài Truyền hình TF1 ở Boulogne-Billancourt, ngay gần Maison de la Radio. Các cơ quan truyền thông France Télévisions, BFM TV, CNews cũng nằm trong khu vực.

Đoàn thứ hai là hoạt động mang tên “Câu trả lời chung”, có sự tham gia của “Tổng liên đoàn Lao động” theo lời kêu gọi tổng phản công của những người “Áo gilet vàng”. Mục tiêu của họ là “Vì một nền truyền thông vô tư”. Nói như một đại diện phong trào đối lập dân sự và chính trị, “chúng tôi muốn được hưởng quyền phản ứng với các cáo buộc đang được đưa ra cho chúng tôi!”.

Sáng kiến này cũng liên quan đến ý kiến của phe “Áo gilet vàng”, cho rằng phần lớn các phương tiện truyền thông đang lan truyền thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình của họ hoặc đang hoặc cố tình làm méo mó thông tin về những hoạt động này.

Trước khi cuộc tập hợp lần thứ 24 của những người “Áo gilet vàng” diễn ra, ngày 25-4, gần 6 tháng từ khi phong trào nổi lên với những cuộc biểu tình mỗi ngày Thứ bảy tại các thành phố lớn ở Pháp, đặc biệt tại Paris, lần đầu tiên Tổng thống Macron tổ chức cuộc họp báo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ, với 320 phóng viên tại Điện Elyseé. Mục tiêu là phác họa những nét chính cho giai đoạn 2 của nhiệm kỳ và chấm dứt được phong trào phản kháng.

Tổng thống Macron tỏ ý tiếc đã gây ra cảm giác ông là người cứng rắn và đôi khi bất công. Ông hứa lãnh đạo theo một cách khác, tính “nhân bản” sẽ là trung tâm của mọi chủ trương, đồng thời cho biết không quan tâm đến việc tái tranh cử tổng thống.

Cụ thể, ông Macron tuyên bố sẽ giảm khoảng 5 tỉ euro thuế thu nhập, nhắm vào tầng lớp trung lưu nhưng bênh vực cho việc hủy bỏ sắc thuế đánh vào người giàu (ISF) thường xuyên bị phe “Áo gilet vàng” chỉ trích. Để tài trợ cho việc giảm thuế, một số ưu đãi cho doanh nghiệp sẽ được xem xét lại. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm việc nhiều hơn và giảm chi tiêu công nhưng không kéo dài tuổi hưu pháp định. Mức hưu bổng dưới 2.000 euro sẽ được tính toán theo tỉ lệ lạm phát để tránh thiệt thòi và lương hưu tối thiểu đối với những người đủ số năm làm việc sẽ là 1.000 euro. Ông Macron sẵn sàng từ bỏ ý định giảm 120.000 công chức.

Tổng thống xác nhận ý định đóng cửa trường Hành chính Quốc gia (ENA), biểu tượng cho giới tinh hoa Pháp mà chính ông cũng xuất thân từ đó. Đây có thể là món quà duy nhất mà ông Macron tặng phe “Áo gilet vàng”, tuy nhiên lại bác bỏ yêu sách về trưng cầu sáng kiến công dân (RIC) và đề xuất đơn giản hóa thủ tục trưng cầu sáng kiến chia sẻ (RIP): mọi dự luật thu thập được 1 triệu chữ ký, thay vì 4,5 triệu, sẽ được đưa ra Quốc hội để bàn thảo.

Nếu nhìn vào số lượng người tham gia thấp nhất từ trước đến nay trong ngày 27-4 để nói rằng những người “Áo gilet vàng” hài lòng với các giải pháp của tổng thống thì thật là vội vàng. Như phần lớn những người tham gia và lãnh đạo không chính thức của các nhóm “Áo gilet vàng” thừa nhận, những gì diễn ra hôm Thứ bảy tuần trước sẽ không phải là hành động chính. Các cuộc biểu tình lớn nhất được lên kế hoạch cho Ngày Quốc tế lao động (1-5).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Điện Elyseé, Paris, ngày 25-4.

Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 28-4, một nhóm người biểu tình “Áo gilet vàng” ở Pháp đã tuyên bố thành lập Hiệp hội Nạn nhân của bạo lực từ phía cảnh sát. Theo AFP, hội nghị thành lập của họ được tổ chức tại thành phố Gennevilliers (thuộc hạt O-de-Seine, phía Nam Paris). Những người biểu tình đã quyết định gọi tổ chức của họ là “tế nhị để răn đe”, theo cách tương tự với khái niệm “bắn bỏ để răn đe” trong lịch sử Pháp, hàng trăm binh sĩ đã bị tòa án binh lưu động kết án tử hình trong cuộc bạo loạn trong quân đội vào tháng 5-6 năm 1917.

Bộ luật công lý quân sự thời đó cho phép thực hiện một biện pháp “răn đe” như vậy và theo ý kiến của các nhà biên soạn, điều luật này đã có “tác động mạnh mẽ” đối với binh sĩ Pháp.

Theo hiệp hội, kể từ đầu tháng 11 năm ngoái, khi thời kỳ biểu tình của “Áo gilet vàng” bắt đầu nổ ra, 22 người biểu tình bị mất mắt, 5 người bị cắt cụt bàn tay hoặc toàn bộ cánh tay. Thậm chí đã có trường hợp đàn ông bị cắt cụt bộ phận sinh dục. Bộ Nội vụ Pháp trước đó đã báo cáo rằng chỉ trong tháng 3, trong quá trình cảnh sát và hiến binh khôi phục trật tự tại các cuộc biểu tình, 13.095 viên đạn cao su cỡ nòng lớn đã được bắn ra từ những lực lượng đặc biệt.

Theo ý kiến của những người khiếu nại, việc sử dụng vũ khí nguy hiểm này là không chính đáng, do đó đã có 83 trường hợp bị khởi kiện. Tổng cộng, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Barshe Castaner trên đài phát thanh France Info ngày 26-4, Tổng cục Thanh tra Cảnh sát Pháp (IGPN) đang điều tra 220 khiếu nại về hành vi ngược đãi và tàn bạo đối với những người tham gia biểu tình “Áo gilet vàng”.

Tại hội nghị thành lập Hiệp hội Nạn nhân của bạo lực từ phía cảnh sát được tổ chức hôm 28-4 tại thành phố Gennevilliers, các “thương binh” của phong trào “Áo gilet vàng” nhấn mạnh họ đòi hỏi công lý phải được thiết lập và buộc các cơ quan thực thi pháp luật ở Pháp cấm sử dụng những thứ được gọi là “vũ khí không gây chết người” - lựu đạn hơi ngạt, súng phun hơi cay và đạn cao su.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nuoc-phap-sau-24-tuan-nhuom-vang-ao-gilet-543371/