Nước Pháp thay đổi chiến lược sử dụng năng lượng

Đêm 30-6-2020, Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, vùng Alsace, miền Tây nước Pháp, bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 1977, có hai lò phản ứng, đóng cửa nốt lò hạt nhân số 2. Từng là nhà máy điện hạt nhân có tuổi đời lâu nhất nước Pháp trong số những nhà máy còn hoạt động, sau 43 năm tồn tại, Fessenheim đã chính thức ngắt khỏi lưới điện quốc gia.

Việc đóng cửa nhà máy Fessenheim nằm trong kế hoạch của Chính phủ Pháp giảm nguồn năng lượng hạt nhân, tăng nguồn năng lượng tái tạo, vừa đảm bảo nhu cầu điện, vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, cho dù hiện giờ với 58 lò phản ứng hạt nhân, điện nguyên tử đang chiếm tới 70% tổng sản lượng điện của cả nước.

Đến năm 2060, Pháp sẽ chấm dứt hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân

Việc đóng cửa nhà máy Fessenheim vốn là mục tiêu chính của các nhà hoạt động xã hội, vận động chống hạt nhân, sau cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim.

Giới chuyên gia cho rằng các tiêu chuẩn về xây dựng và mức độ an toàn tại nhà máy Fessenheim kém xa so với nhà máy hạt nhân ở Fukushima, bên cạnh đó các rủi ro về hoạt động địa chấn và lũ lụt ở khu vực Alsace cũng thường bị xem nhẹ. Lời cam kết đóng cửa Nhà máy Fessenheim đã được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ vài tháng sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron mới “bật đèn xanh” cho hành động này.

Sau khi nhà máy này đóng cửa, Pháp vẫn sẽ còn lại 56 lò phản ứng nước nặng tại 18 nhà máy điện hạt nhân - chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về số lò phản ứng (98 lò), theo đó đảm bảo được 70% nhu cầu điện năng trong nước.

Đầu năm nay, Chính phủ Pháp thông báo mục tiêu tới năm 2035 sẽ đóng cửa thêm 12 lò phản ứng gần đạt ngưỡng hoặc đã vượt quá giới hạn 40 năm hoạt động. Dự kiến ở thời điểm này, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 50% trong tổng nguồn năng lượng tiêu thụ ở Pháp.

Sau thời hạn nói trên, phần lớn các nhà máy điện hạt nhân, tất cả đều được xây dựng trong những năm 1970-1980, cũng sẽ dần dần phải ngừng hoạt động. Đến năm 2060, sẽ không còn nhà máy điện hạt nhân nào vận hành nữa.

Một cách trực tiếp hay gián tiếp, ngành điện hạt nhân hiện nay mang lại công ăn việc làm cho hơn 220.000 người tại Pháp. Thế nhưng, tương lai của điện nguyên tử không được đảm bảo, bởi vì nước Pháp đang phải quyết định có xây các nhà máy điện hạt nhân nữa hay không.

Lò phản ứng đầu tiên của nhà máy Fessenheim đã bị ngắt kết nối vào 2 giờ sáng ngày 22-2-2020.

Hiện giờ, một lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, lò phản ứng nước áp lực kiểu châu Âu EPR nổi tiếng, đang được xây dựng tại Flamanville, miền Bắc nước Pháp, nhưng tiến độ bị chậm tới hơn 10 năm. Lẽ ra nhà máy điện hạt nhân này phải hòa vào mạng lưới điện vào năm 2012, nhưng cuối cùng lại không thể được đưa vào hoạt động trước năm 2022. Điều này đã khiến chi phí tăng mạnh, hiện đã lên tới hơn 12 tỉ euro, thay vì 3,5 tỉ euro như dự trù ban đầu. Hiện nay, chính phủ muốn chờ đến năm 2023 để xem liệu công nghệ này vận hành có tốt hay thì mới cho xây thêm 6 lò phản ứng mới. Điều này có nghĩa là phải sang đến nhiệm kỳ tổng thống mới thì quyết định này mới được đưa ra.

Trung bình mỗi năm, nhà máy Fessenheim sản xuất 11 tỉ kwh điện, tương đương 70% nhu cầu điện của cả vùng Alsace với hơn 2 triệu dân. Đối với phe ủng hộ điện nguyên tử, theo kết luận hồi năm 2015 của Cơ quan An ninh Năng lượng của Pháp, nhà máy điện hạt nhân Fessenheim vẫn an toàn và còn có thể hoạt động thêm nhiều năm nữa.

Việc đóng cửa sớm lò hạt nhân số 2 của nhà máy điện Fessenhaim có thể đẩy một phần nước Pháp vào cảnh thiếu điện, nhất là trong những ngày hè nóng nực, hoặc mùa đông giá rét, khi nhu cầu điều hòa nhiệt độ làm mát hay sưởi ấm tăng mạnh, dẫn đến việc nước Pháp phải nhập khẩu điện từ các nước khác ở châu Âu, chẳng hạn Đức, Ba Lan… vốn thường được sản xuất từ các nhà máy điện than, mà sản xuất điện than thì gây ô nhiễm nhiều hơn sản xuất điện nguyên tử.

Vì thế, họ cho rằng nếu vì mục tiêu bảo vệ môi trường mà quyết định đóng cửa nhà máy, thì đây chỉ là một biện pháp kiểu "nửa vời", thậm chí là gây phản tác dụng, càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng Trái đất nóng dần lên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trấn an là sản lượng điện của Pháp rất cao, thậm chí là dư thừa điện, và các phương thức sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng đang phát triển mạnh, có thể bù đắp cho lượng điện của nhà máy Fessenheim.

Trên thực tế, vùng Grand Est, miền Tây nước Pháp, đứng thứ ba nước Pháp về các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo. Nước Pháp cũng đã có kế hoạch từ nay đến năm 2024, hoặc muộn nhất là năm 2026, sẽ cho đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển năng lượng sạch.

Thiệt hại kinh tế trước mắt

Trong khi các tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái, người dân sống ở miền Tây nước Pháp, cũng như phía bên kia biên giới, ở các nước láng giềng Đức và Thụy Sĩ, cảm thấy nhẽ nhõm vì việc nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ngưng hoạt động sẽ làm giảm nguy cơ tai nạn hạt nhân, nhiều người tổ chức ăn mừng sự kiện Fessenheim đóng cửa, thì cả chính quyền và người dân thị trấn Fessenheim, nơi có tới 2.000 người lao động làm việc cho nhà máy, lại thấy bức xúc, lo ngại cho tương lai của địa phương, nhất là về "một thảm họa kinh tế".

Ông Claude Brender, Thị trưởng thành phố Fessenheim nói: "Cần phân biệt rõ hai chuyện. Thực tế là có một hệ quả ngay tức khắc là chúng tôi mất một nguồn thuế, chúng tôi mất một nguồn thu cho địa phương. Sau đó phải tính đến chuyện phải tạo ra 2.000 việc làm để bù cho những công việc đã mất quá sớm (tức là so với dự tính ban đầu).

Việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Không có phép màu lạ kỳ nào có thể tạo ra công ăn việc làm cho 2.000 người lao động trong vùng chúng tôi ngay ngày mai, tạo ra ngay 1.000, thậm chí là 500 chỗ làm thôi cũng là điều không thể xảy ra ngay".

Sẽ mất hàng chục năm để hoàn tất tháo dỡ Nhà máy Điện hạt nhân Fessenheim.

Mỗi năm, Nhà máy điện Fessenheim đóng góp 14 triệu euro thuế cho địa phương. Dù là công trường khổng lồ để tháo dỡ nhà máy trong tương lai cũng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhưng có lẽ sẽ không thể bù đắp cho 2.000 việc làm đã mất do nhà máy đóng cửa. Trong khi đó, chính quyền vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng của chính phủ về việc hỗ trợ cho địa phương. Vì thế, đối với Thị trưởng Brender, ngày 30-6 là "một ngày buồn của Fessenheim", "một ngày buồn của vùng Alsace".

Sẽ mất hàng chục năm mới hoàn tất việc tháo dỡ

Dù có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, có người phản đối, nhưng quyết định ngưng hoạt động của nhà máy điện nguyên tử Fessenheim là không thể đảo ngược. Giờ đây, điều công luận đặc biệt quan tâm là công tác tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân sẽ diễn ra thế nào, có đảm bảo an toàn hay không, nước Pháp đã có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này hay chưa?

Bà Valérie Faudon, đại diện Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN), cho biết Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim theo công nghệ được gọi là lò phản ứng nước áp lực. Đây là công nghệ sản xuất điện nguyên tử phổ thông nhất trên thế giới. Nước Pháp có giấy phép sử dụng công nghệ này của công ty Mỹ Westinghouse từ những năm 1970.

Như vậy có nghĩa là tại Mỹ có rất nhiều lò phản ứng theo công nghệ nước áp lực, và một số lò đã được tháo dỡ hoàn toàn. "Vì thế, có thể nói là chúng ta biết cách tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân nước áp lực. Điều này không có nghĩa là không cần có nỗ lực nào khác để tối ưu hóa công việc tháo dỡ lò, nhưng tôi muốn nói là chúng ta biết cách tháo dỡ lò phản ứng theo công nghệ này".

Trong ngành điện hạt nhân, việc tháo dỡ nhà máy điện nguyên tử phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với quá trình xây dựng. "Chắc chắn là sẽ phải đợi 5 năm để có thể có một lệnh tháo dỡ và đến lúc đó thì công tác tháo dỡ thực thụ mới được bắt đầu.

Trong 5 năm đó, người ta sẽ rút các thanh nhiên liệu khỏi nhà máy điện hạt nhân và sẽ dần dần đưa các thanh nhiên liệu này đến một nhà máy tái chế ở Le Hague, vùng Normandie.

Người ta sẽ để cho các thanh nhiên liệu nguội đi trong bồn chứa nước trong nhiều năm và sau đó nó sẽ được đưa vào dây chuyền tái chế nhiên liệu hạt nhân ở Pháp. Chỉ có rất ít người biết rằng 10% sản lượng điện hạt nhân của chúng ta được sản xuất với các vật liệu hạt nhân tái chế. Chúng tôi có những xe tải chuyên dụng và những thùng chuyên dụng để chở nhiên liệu hạt nhân được tháo dỡ đến vùng Normandi", bà Valérie Faudon giải thích.

Chi phí tháo dỡ lò hạt nhân cũng không hề nhỏ, khoảng 350-500 triệu euro/lò và thời gian sẽ là hàng chục năm. Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Pháp, công tác tháo dỡ nhà máy Fessenheim sẽ thải ra 380.000 tấn phế liệu. Còn đối với đại diện Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN), một trong những thách thức lớn trong tương lai tại Pháp là công tác tái chế, tái sử dụng vật liệu hạt nhân đã được tẩy xạ.

Công việc sẽ kéo dài 15 năm, đó là theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi tháo dỡ và di dời các thanh nhiên liệu ra khỏi nhà máy và dọn dẹp, tẩy xạ lò phản ứng, thì có nghĩa là 99% phóng xạ ở nhà máy đã được loại trừ. Hoàn tất công việc nói trên và tẩy xạ các khu vực của nhà máy vốn có tiếp xúc với các thanh nhiên liệu, tức là bể chứa các thanh nhiên liệu, giai đoạn mà chúng tôi gọi là chu trình đầu, thì sẽ thu hồi được nước, bê tông và thép có tính phóng xạ rất yếu.

"Dù chúng được xếp loại là phế liệu hạt nhân, nhưng độ phóng xạ thì rất thấp. Và một trong những thách thức được đặt ra là làm thế nào để bắt đầu tái chế các vật liệu này, nhất là thép. Ở Đức, người ta tái chế các loại thép có tính phóng xạ rất thấp này.

Thực ra thì chúng không còn nhiễm xạ nữa. Theo tôi, một trong những thách thức trong những năm tới đây là chúng ta phải có một quy chế hiện đại cho phép khai thác giá trị của những loại phế liệu nói trên", bà Valérie Faudon nói.

Ngọc Trang (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nuoc-phap-thay-doi-chien-luoc-su-dung-nang-luong-603892/