Nước rút giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách

Thời điểm kết thúc năm đã cận kề, song số giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 10 tháng năm 2018 mới đạt hơn 224.800 tỷ đồng, đạt 56,24% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 57,82% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong nước cao hơn khoảng 3% nhưng tỷ lệ chung lại đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2017.

Một số dự án đang tạm dừng thực hiện để điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ trương đầu tư, đánh giá lại hiệu quả. Ảnh: H.Vân.

Nhiều đơn vị “giẫm chân tại chỗ”

Nhìn vào vốn trong nước, số thanh toán 10 tháng là hơn 205.651 tỷ đồng, đạt 61,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) là hơn 14.196 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là hơn 6.233 tỷ đồng.

Có 2 bộ, ngành Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 85% kế hoạch. 6 địa phương gồm: Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Phước, trong đó tỉnh Nam Định đã giải ngân đạt trên 90% kế hoạch.

Ngược lại, có 32/56 bộ, ngành Trung ương và 46/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 10 tháng đầu năm 2018 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dưới 60% kế hoạch năm). Trong đó, còn 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; 5 bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá; Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam; Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao. Các đơn vị này vẫn “giẫm chân tại chỗ” trong báo cáo giải ngân của Bộ Tài chính trong nhiều tháng qua.

Vốn TPCP đến thời điểm này giải ngân thấp, mới đạt hơn 32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính cho rằng, việc giao kế hoạch vốn TPCP chưa sát với khả năng giải ngân của các bộ, ngành, địa phương. Tổng kế hoạch vốn TPCP giao cho các bộ, ngành Trung ương là 17.047 tỷ đồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế). Tuy nhiên, do các dự án đều là dự án khởi công mới nên hiện nay hầu hết các dự án vẫn trong quá trình triển khai, hoặc vừa mới hoàn thiện công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Việc lựa chọn đơn vị thi công xây lắp và giải ngân chủ yếu được thực hiện từ quý IV/2018 nên khả năng các bộ sẽ không giải ngân hết số vốn đã được giao trong năm 2018.

Riêng đối với 2 bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh 1.267,544 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP 2018 của 2 bộ này cho các dự án thuộc các địa phương có nhu cầu.

Tại các địa phương, nhiều dự án khởi công mới đã giao hết trong kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 trong năm 2017 và 2018. Cụ thể: 38/49 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 2/5 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi, 2/6 dự án thuộc lĩnh vực y tế và 37/46 địa phương cho lĩnh vực kiên cố hóa trường lớp học với tổng số vốn là hơn 48.712 tỷ đồng (chiếm 86% tổng kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020).

Qua việc triển khai của các đơn vị cho thấy, một số bộ, ngành, địa phương, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch; chậm hoàn thiện trong công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công...

Vướng cơ chế

Đối với vốn ngoài nước, số thanh toán đến hết tháng 10/2018 là 19.149 tỷ đồng, đạt 31,77% kế hoạch Quốc hội giao; đạt 34,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân vướng mắc được Bộ Tài chính nêu ra là về mặt cơ chế. Cụ thể: Một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận/hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền vẫn đang làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định, như: Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên; Dự án Cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn; Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái…; Dự án Xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho đường ô tô cao tốc TPHCM - Trung Lương. Một số dự án khác đang tạm dừng thực hiện để điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ trương đầu tư, đánh giá lại hiệu quả như: Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Một số dự án bị vướng mắc do giao kế hoạch vốn chưa phù hợp. Ví dụ, Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đăng ký kế hoạch vốn lớn, không phù hợp với tiến độ triển khai dự án; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1 (phần thực hiện dự án) phải phân kỳ lại đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư, hiện chưa hoàn thành các thủ tục trong nước, chưa thể thực hiện nhưng vẫn được giao kế hoạch vốn; Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông không có vốn xây dựng cơ bản nhưng vẫn được giao kế hoạch vốn…

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn nước ngoài chậm còn do vướng mắc không hài hòa giữa thủ tục giao kế hoạch vốn và thủ tục gia hạn giải ngân của hiệp định vay. Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, vốn nước ngoài không được kéo dài thời gian thanh toán 1 năm như vốn trong nước. Theo đó, việc giải ngân vốn nước ngoài bị khống chế bởi dự toán năm và thời hạn giải ngân theo hiệp định vay. Để được kéo dài dự toán năm hoặc giao bổ sung kế hoạch vốn năm sau, dự án phải thực hiện nhiều thủ tục. Sau khi hoàn thành thủ tục kéo dài thời hạn thanh toán thì dự án lại hết hạn giải ngân theo hiệp định vay…

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành, địa phương để báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Trên cơ sở các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã nêu và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát kế hoạch vốn năm 2018 để điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án giải ngân chậm và dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, khẩn trương rà soát các khối lượng đã thực hiện để hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán gửi ngay ra Kho bạc Nhà nước (KBNN) để thanh toán theo quy định. Đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, đề nghị các bộ, ngành, địa phương yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương gửi KBNN để làm cơ sở thanh toán dứt điểm cho nhà thầu theo quy định hiện hành.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nuoc-rut-giai-ngan-von-dau-tu-tu-ngan-sach.aspx