Nước rút thu nợ cuối năm, Sacombank đấu giá tài sản gần 10.000 tỷ đồng tại KCN Đức Hòa III

Sacombank đấu giá hàng loạt quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích đấu giá lên đến gần 923 ha, tổng giá khởi điểm hơn gần 10.000 tỷ đồng. Nếu thành công, rất có thể Sacombank sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm nay.

Loạt nợ xấu của nhiều doanh nghiệp có chung 1 ông chủ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) thông báo về việc tổ chức bán đấu giá tài sản hàng loạt tài sản tại xã Mỹ Hạnh Bắc và xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Đây đều là quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích đấu giá lên đến gần 923 ha, tổng giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An.

Cụ thể gồm tài sản thứ nhất là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích 3.722.303 m2.

Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của CTCP Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm là hơn 4.000 tỷ đồng.

Tài sản đấu giá thứ hai là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích 2.749.134 m2.

Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, CTCP Long “V”, CTCP Phát triển Long Đức – ILD và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây. Giá khởi điểm là gần 3.132 tỷ đồng.

Tài sản thứ ba là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích hơn 2.753.730 m2.

Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Đức Hòa III – Resco và một phần của CTCP Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm gần 2.855 tỷ đồng.

Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 18/12 tại Hội sở của Sacombank.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An (SLICO) thành lập vào tháng 4/2003, hiện do ông Ngô Trí Dũng làm đại diện luật. Công ty vẫn đang hoạt động; có ngành nghề kinh doanh địa ốc, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; cho thuê: nhà kho bãi, văn phòng, nhà xưởng.Tại KCN Đức Hòa III, vào đầu năm 2002, trong khi hai KCN Đức Hòa 1 và 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì UBND tỉnh Long An cho mở thêm KCN Đức Hòa 3, theo đưa tin của báo CA TPHCM.

Theo chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Long An vào năm 2002, SLICO được phép đầu tư vào hạ tầng KCN Đức Hòa III với diện tích 185,4 ha tại xã Đức Lập Hạ (gọi tắt là KCN Slico).

CTCP Đầu tư AMIC được thành lập tháng 3/2005, cũng do ông Ngô Trí Dũng làm chủ và đại diện pháp luật và ngành nghề kinh doanh với SLICO. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Song Tân - Đức Hòa III với diện tích 316 ha.

Tương tự, CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An thành lập tháng 12/2009 , CTCP Long "V" thành lập vào 7/2004 và đều do ông Ngô Trí Dũng làm chủ và đại diện theo pháp luật, với ngành nghề kinh doanh là Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Tại KCN Đức Hòa III, mỗi doanh nghiệp này được cấp phép đầu tư diện tích đất 100 ha.

CTCP Đầu tư Phát triển Long Đức – ILD thành lập vào tháng 5/2005 do ông Phạm Tiến Trân làm chủ sở hữu và giám đốc, ngành nghề chính là Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định thành lập KCN Đức Hòa III-Long Đức tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Diện tích khu công nghiệp là 175,27 ha, do Long Đức-ILD làm chủ đầu tư.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây thành lập vào tháng 11/2007 do ông Trần Trọng Hòa làm chủ với ngành nghề kinh doanh chính là Kinh doanh kho bãi; Kinh doanh bất động sản. Được biết, KCN Đức Hòa 3 - Mười Đây có tổng diện tích 137 ha, nằm tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa. Năm 2010, UBND tỉnh Long An giao đất cho CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây đợt 2 để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đức Hòa 3 - Mười Đây. Diện tích đất được giao là hơn 20.700 m2

CTCP Đầu tư Đức Hòa III – Resco thành lập tháng 8/2014, thuộc sở hữu của Giám đốc Ngô Thanh Quốc. Trụ sở tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với ngành nghề kinh doanh cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê kho tàng, bến bãi.

Kế hoạch xử lý hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay sẽ đạt được?

Tính đến tháng 8, Sacombank đã thu hồi được 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu 2017 của Sacombank là xử lý 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu lượng nợ xấu đấu giá lần này thành công thì rất có thể Sacombank sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm nay.

Trao đổi với chúng tôi trước đó, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết, sau khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ông Trầm Bê có nhận trách nhiệm xử lý các khoản vay với số nợ gốc là 35.400 tỷ đồng và giá trị tài sản bảo đảm là 43.000 tỷ đồng; trong đó 33.000 tỷ đồng là bất động sản và 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu.

Chi tiết về 33.000 tỷ đồng tài sản bảo đảm bất động sản, ông Minh cho hay là các dự án lớn ở khu vực trung tâm như quận 1, 3, 5, 9, Thủ Đức, các tỉnh như Long An, Cần Thơ có khả năng thu hồi cao. Cụ thể như các Khu Đô thị và Công Nghiệp Bình Chánh TP HCM; Khu Công nghiệp Đức Hòa Long An; Khu Đô thị Bình Trưng, quận 2, TP HCM,...

Cùng với khoản nợ tài sản bảo đảm là cổ phiếu, ông Minh khẳng định "Khả năng thu hồi các khoản nợ này là là 100%, bởi các khách hàng vay đều đang rất có thiện chí hợp tác và tất cả các khoản vay đều có tài sản bảo đảm là bất động sản và cổ phiếu STB của Sacombank".

Lý do phát sinh nợ xấu ở các khoản vay này là phần lớn được sử dụng vào đầu tư bất động sản, về cơ bản không có sai phạm trong quá trình cho vay. Thời điểm năm 2010 – 2015, bất động sản đóng băng dẫn đến phát sinh nợ xấu.

Theo Tiến Vũ - Vietnambiz

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nuoc-rut-thu-no-cuoi-nam-sacombank-dau-gia-tai-san-gan-10-000-ty-dong-tai-kcn-duc-hoa-iii-20171217013616920p4c149.news