Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải: Trách nhiệm doanh nghiệp

Doanh nghiệp nước sạch sông Đà là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm về việc nước nhiễm dầu thải trong những ngày qua.

Ngày 22/10/2019, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, việc xử lý thông tin nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải trong những ngày qua có lỗ hổng nên dẫn tới việc phản ứng chậm của cơ quan chức năng TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy trình ứng phó cụ thể về sự cố nước sinh hoạt nên khi xảy ra vụ việc, các đơn vị bối rối, không biết con số nào đáng tin.

Theo ông Hải, hệ thống quan trắc nước sạch ở Hà Nội đang rất thiếu. Diện tích lấy nước mặt rộng lớn nên nếu huy động lực lượng bảo vệ nguồn nước thì vẫn có thể xảy ra mất an ninh, an toàn; vì vậy phải có hệ thống quan trắc, phát hiện ô nhiễm ở nhiều công đoạn, từ nguồn nước đến nhà máy xử lý và khi phân phối cho người dân.

Dầu thải chảy vào nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà trong những ngày qua.

Dầu thải chảy vào nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà trong những ngày qua.

"Không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra ô nhiễm, đến lúc phát hiện thì lại xử lý lúng túng, như trường hợp vị lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là phát hiện đổ dầu thài đầu nguồn rồi nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không", Bí thư Hà Nội nói.

Trong sự việc này, ông Hải chỉ rõ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban lãnh đạo nhà máy nước sạch sông Đà khi để xảy ra sự cố nguồn nước nhiễm dầu thải và vẫn cung cấp cho người dân.

Trong thời gian tới, nếu đơn vị nào tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt không đạt chuẩn, không an toàn thì cơ quan chức năng TP. Hà Nội có quyền cắt hợp đồng, không cho cung cấp nước.

"Chính quyền sẽ thay thế đơn vị cung cấp nước khác để buộc các công ty phải thực hiện đúng quy định, chứ không thể thích làm gì thì làm", ông Hải nói.

Cũng bên hành lang Quốc hội ngày 22/10/2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sự việc nguồn nước nhiễm dầu thải của nhà máy nước sạch sông Đà là hy hữu, thể hiện sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước cho người dân.

Ông Hà thừa nhận, thái độ bức xúc, lo lắng của người dân phải dùng nước nhiễm dầu thải từ nhà máy nước sạch sông Đà cũng chính là cảm xúc của ông trong thời gian qua.

"Tôi cũng sử dụng nguồn nước đó và mất 3 ngày dùng nước bẩn. Có lẽ không cần bàn cãi bởi rõ ràng chúng ta không đưa ra được các giải pháp đúng đắn và kịp thời.

Doanh nghiệp đã không chú ý đến sức khỏe người dân và không lường hết các vấn đề có thể gây tác hại cho mọi người. Như vậy là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết" - ông Hà nói.

ĐBQH Y Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đắk Lắk cho rằng, việc đổ trộm dầu thải ra môi trường khiến nguồn nước nhà máy sông Đà bị ô nhiễm là việc làm có chủ ý, không phải là ngẫu nhiên, vô ý hủy lượng dầu nhớt này. Bởi khi dầu thải, là có sự chủ động từ khi đi mua, tập kết, thuê phương tiện thực hiện nhiệm vụ đó.

"Công ty cấp nước cho Thủ đô mà quản lý, kiểm tra, ngăn chặn sự việc hết sức chậm chạp. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, họ mới triển khai, rất chậm chạp.

Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản lý, như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu anh phát hiện sớm, ngăn chặn sớm thì chắc chắn không thể để xảy ra việc hàng triệu người thủ đô dùng nước không an toàn" - vị ĐBQH bày tỏ.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nuoc-sach-song-da-nhiem-dau-thai-trach-nhiem-doanh-nghiep-3389995/