Nước thích 'cờ tây' giờ tẩy chay thịt chó

Người Hàn Quốc rất thích món 'cờ tây' nhưng giờ đây, một bộ phận giới trẻ nước này đã bắt đầu nói không với sở thích này vì họ xem chó là thú cưng, là bạn.

Mới đây, một tòa án ở Hàn Quốc(HQ) tuyên phạt một chủ trại nuôi chó lấy thịt vì cho rằng việc giết mổ chó nhằm mục đích lấy thịt được coi là bất hợp pháp. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp ở quốc gia Đông Á này. Nó cũng mở ra một trang mới cho việc cấm ăn thịt chó hoàn toàn ở quốc gia này.

Dự luật về cấm nuôi chó giết thịt

Tuy nhiên, phán quyết nói trên chỉ mới dừng lại ở việc giết mổ chứ chưa hề đề cập đến việc tiêu thụ thịt chó ở các quán ăn, hay nhắm vào những thực khách xem thịt chó là món ăn khoái khẩu.

Được biết phán quyết này của tòa án HQ thực chất đã có hiệu lực từ tháng 4-2018 nhưng chỉ mới được biết đến rộng rãi vào hồi tháng 6 vừa qua sau khi những nội dung chi tiết của bản phán quyết được công bố.

Cụ thể, trong phán quyết, nội dung lệnh cấm phản ánh nguyện vọng của một tổ chức hoạt động vì quyền lợi của động vật có tên “Coexistence of Animal Rights on Earth” (gọi tắt là CARE). Trước đó, tổ chức này đã đệ đơn kiện một chủ trang trại nuôi chó ở Bucheon, HQ với cáo buộc trang trại này đã “giết mổ động vật mà không có mục đích hợp pháp”.

Cũng theo thẩm phán vụ kiện này, người chủ kia cũng bị buộc tội không xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh cho việc nuôi chó. Mức án phạt được đưa ra là 3 triệu won (tương đương hơn 60 triệu đồng). “Điều quan trọng, đây là phán quyết đầu tiên từ một tòa án ở HQ cho rằng việc giết hại chó chính thức được coi là bất hợp pháp” - Kim Kyung-eun, luật sư hỗ trợ pháp lý cho tổ chức CARE, nói với tờ Guardian.

Từ khi tòa án HQ ra quyết định xử phạt chủ trang trại nuôi chó ở Bucheon, đã có một làn sóng dư luận phản đối gay gắt phán quyết của tòa án và cho rằng phán quyết này đe dọa kế sinh nhai của họ.

Theo tờ Daily Mail, đã có nhiều chủ trang trại chó gửi khiếu nại lên chính phủ nhằm hợp pháp hóa việc tiêu thụ thịt chó thay vì cấm đoán. Đồng thời, họ đòi hỏi phải có biện pháp cấp giấy phép cho những lò mổ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để họ đường đường chính chính làm ăn, kinh doanh.

Cho Hwan-ro, đại diện cho hiệp hội các chủ trang trại nuôi chó, nói: “Kể cả trâu, bò, lợn, gà lẫn vịt đều có thể nuôi để lấy thịt và đều có thể tiêu thụ được. Vậy vì sao riêng chó lại không được cơ chứ? Chó nuôi để thịt và chó làm thú cưng phải được tách bạch. chúng là các giống khác nhau, nuôi dưỡng khác nhau và lớn lên cho các mục đích khác nhau”.

Vào cuối tháng 6, một chính khách của đảng Dân chủ cầm quyền của HQ cũng đã trình lên Quốc hội nước này dự thảo một đạo luật mới. Dự luật này ghi rõ cấm và đóng cửa tất cả 17.000 trang trại nuôi chó đang hoạt động trên khắp lãnh thổ HQ nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ chó như hiện nay.

Một nhóm người biểu tình tự nhốt mình trong cũi sắt để đấu tranh đòi ban hành lệnh cấm giết thịt chó. Ảnh: AP

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bế chú chó Tori mà ông giải cứu từ một trung tâm giết mổ. Ảnh: AP

Cấm bán thịt chó vì thế vận hội mùa đông

Vào cuối năm 2017, nhiều nhà hoạt động bảo vệ động vật đã phát động chiến dịch kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông ở PyeongChang nếu HQ không ngừng hoạt động nuôi, giết chó để lấy thịt cũng như buôn bán thịt chó. Ngoài ra, ngay chính trên đất nước HQ cũng đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra nhằm yêu cầu chấm dứt tình trạng này.

Để tránh sự chú ý của dư luận quốc tế về tình trạng đối xử tàn tệ với loài chó, chính phủ HQ đã buộc đóng cửa nhiều chợ buôn bán thịt chó ngay trước thềm Olympic 2018. Các nhà hàng xung quanh PyeongChang cũng được trả tiền để dỡ bỏ biển quảng cáo thịt chó và loại bỏ các món ăn chế biến từ chó ra khỏi thực đơn trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội.

“Chúng tôi nhận thức được mối quan tâm của cộng đồng quốc tế xoay quanh việc tiêu thụ thịt chó ở HQ. Đây là một vấn đề mà chính phủ cần giải quyết. Chúng tôi hy vọng vấn đề này sẽ không gây ảnh hưởng tới việc tổ chức hoặc danh tiếng của sự kiện, của tỉnh chủ nhà tổ chức. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tỉnh chủ nhà và chính phủ về vấn đề này nếu cần. Ngoài ra, cũng nói thêm, thịt chó sẽ không được phục vụ tại bất kỳ địa điểm nào có tổ chức thế vận hội” - đại diện Ủy ban Tổ chức Olympic 2018 phát biểu với tờ USA Today.

Tuy nhiên, khi thế vận hội diễn ra hồi đầu năm 2018, bất chấp việc vận động của chính quyền cùng sức ép từ các tổ chức bảo vệ động vật, nhiều nhà hàng bán thịt chó tại PyeongChang vẫn tiếp tục mở cửa kinh doanh. “Chúng tôi nhận được nhiều đơn từ khiếu nại từ các cửa hàng kinh doanh thịt chó phàn nàn về việc họ bị ảnh hưởng. Một số nhà hàng đã chuyển sang bán thịt heo nhưng doanh số sụt giảm khiến họ buộc phải quay lại kinh doanh thịt chó như cũ” - ông Lee Yong-bae, một quan chức địa phương, cho hay.

Được biết một con chó trưởng thành ở HQ thường được bán với giá 20 vạn won, tương đương 4 triệu đồng. Vì giá bán chó khá cao nên việc chuyển đổi kinh doanh sang ngành khác không đưa lại lợi nhuận tương đương, khiến các trại nuôi chó hay nhà hàng vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

Từ truyền thống “cờ tây” đến tinh thần nhân hậu

Như một số nước châu Á, thịt chó là một món “quốc hồn quốc túy” của HQ. Theo thống kê, có khoảng 17.000 trang trại nuôi chó lấy thịt trên toàn HQ. Việc nuôi nhốt, giết mổ và buôn bán thịt chó ở HQ dù gặp nhiều chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ động vật phương Tây nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào.

Tại HQ, thịt chó được coi là món ăn có sức mạnh thần diệu, giúp tăng cường sức khỏe và… tăng khả năng sinh lý. Dựa trên số liệu thu thập bởi Viện Bảo vệ quyền lợi của động vật có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ), người dân HQ hằng năm đưa vào lò mổ khoảng 2 triệu chú chó, tương đương với 100.000 tấn thịt chó chỉ để phục vụ nhu cầu thưởng thức của thực khách.

Được biết gần một nửa số người dân HQ hiện nay đều nghĩ rằng tập quán ăn thịt chó đã có tuổi đời hàng trăm năm nên việc thay đổi không phải là một sớm một chiều. Ngoài ra, không chỉ thế hệ người lớn tuổi mới coi thịt chó là món ăn khoái khẩu mà một bộ phận không nhỏ giới trẻ HQ vẫn cho rằng đây là món ăn truyền thống và cần được duy trì.

Tuy nhiên, một số giới trẻ HQ dần chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây đang nghiêng về phía từ chối và nói không với việc ăn thịt chó. Theo họ, chó là người bạn và cần được đối xử như một loài thú cưng chứ không phải là một loại thực phẩm.

Hồi tháng 7-2017, Tổng thống HQ Moon Jae-in đã nhận nuôi một chú chó được giải cứu từ trang trại nuôi chó làm thịt. Chú chó Tori này được ông mang về nuôi ở Nhà Xanh và được tổng thống xem như một người bạn. Đây được xem là một hành động mang tính biểu tượng với hy vọng dần thay đổi truyền thống ăn thịt chó của người dân ở quốc gia này.

Nơi cấm thịt chó đầu tiên của châu Á

Viện Lập pháp Đài Loan ngày 11-4-2017 đã thông qua đạo luật bảo vệ động vật (sửa đổi), trong đó cấm mọi hành vi giết mổ, buôn bán và ăn thịt chó, mèo. Đây là nơi đầu tiên của châu Á đưa việc cấm ăn thịt chó, mèo trở thành một đạo luật chính thức.

Theo đạo luật này, những người giết mổ hoặc ngược đãi động vật có thể bị phạt tù đến hai năm cùng số tiền phạt lên đến 2 triệu đài tệ (1,48 tỉ đồng). Luật này cũng cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo cũng như mọi loại thực phẩm được làm từ thịt và các bộ phận của chúng. Người vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên đến 250.000 đài tệ (185 triệu đồng), đồng thời sẽ bị công khai tên tuổi và hình ảnh.

Việc ăn thịt chó từng hiện hữu ở Đài Loan từ những thập niên trước. Tuy nhiên, hiện tượng này không còn phổ biến tại hòn đảo này. Bởi vậy, việc ban hành đạo luật cấm được đa phần người dân ủng hộ.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/nuoc-thich-co-tay-gio-tay-chay-thit-cho-792196.html