Nước trời và lỗi người

Những ngày qua, nguồn nước máy từ sông Đà bị nhiễm dầu đã làm nôn náo, đảo lộn nhịp sống hằng ngày của hàng trăm ngàn hộ dân ở một số khu vực Hà Nội.

Nhìn cảnh những hàng dài người xếp hàng chờ đợi lấy nước từ các xe téc chở đến cứu cấp mà không diễn ra cảnh lộn xộn, tranh cướp mới thấy người dân bình tĩnh, kiên nhẫn thế nào. Nghe bà con trần tình: Nhịn gì thì nhịn chứ không nhịn được nước; hay: Vàng còn để được nhưng nước thì không dù chút nước lúc này quý hơn vàng, lại càng thấy vừa mến thương, vừa cảm phục trước tâm tính người dân đã quen chịu đựng khó khăn. Nhưng cảnh trạng này phải được chấm dứt ngay, sớm phút nào mừng chút nấy và không thể để tái diễn.

Nước từ trời nhưng lỗi từ con người. Người ta đã tìm được ngay thủ phạm trực tiếp là một kẻ nào đó đã xả trộm dầu thải ngay khe núi đầu nguồn suối chảy vào hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà. Nhưng những thủ phạm khác hay những cơ quan, những người thiếu trách nhiệm là ai và quan trọng hơn nữa là vì sao, cách quản lý nào, sơ hở nào đã để xảy ra sự cố này? Vì sao nữa những phản ứng của hệ thống trách nhiệm liên quan đến cuộc sống của người dân lại diễn ra chậm chạp và có phần thụ động đến thế? Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng, mọi sự chắc chắn sẽ sớm sáng tỏ, song sự cố chưa từng có này một lần nữa giúp cho chúng ta mở rộng thêm tầm nhìn về sự chủ động và quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp giữ gìn, bảo vệ nguồn nước và môi trường nói chung. Trước tốc độ và cường độ công nghiệp hóa, mở mang kinh doanh đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, môi trường nói chung và chất lượng nguồn nước, không khí nói riêng cũng đang và sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Khỏi cần nói thêm về sự tối thiết của nước và không khí bởi đó là cội nguồn sự sống muôn loài trong đó có con người. Với riêng đất nước ta, từ đất và nước trong thiên nhiên đã làm nên đất nước của con người. Ngàn xưa đến nay, những cộng đồng từ làng xã đến cả tầm mức quốc gia, dân ta đã có tục thờ cúng cầu mưa từ trời, từ giàng để mong mưa thuận gió hòa, mở hội xuống đồng, rước nước đón mưa, đón nước từ đầu nguồn về. Ngàn xưa người dân sinh sống, sản xuất dựa vào, phụ thuộc và trông đợi vào sự ban phát của thiên nhiên. Sau quá trình ngàn năm, từng chặng dài chống chọi, chinh phục, khắc chế thiên tai bão lụt, ngày nay chúng ta đã có những công trình, những giải pháp để bảo đảm an toàn trước bão lụt và lợi dụng nguồn nước, sức nước đưa lại lợi ích chưa từng có cho cuộc sống con người. Vậy nhưng những hồ đập, những hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước sạch gần như hoàn bị với tốn kém vô vàn đó lúc này lại bộc lộ những chỗ yếu, những kẽ hở do chính con người tạo ra và chính con người vô ý hay cố tình xâm phạm để xảy ra những sự cố cho chính mình và thiên nhiên.

Vì sao đã tính đến nhưng bài toán tác động môi trường đã không đưa việc kiểm soát chặt chẽ trước và trong quá trình vận hành các cơ sở, công trình công nghiệp, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và cả sinh hoạt của con người đô thị, nông thôn vào thực thi hiệu quả? Đó là căn nguyên của sự ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai. Vẫn biết chẳng thể một lúc có thể làm được tất cả song từng việc, từng khâu, từng công đoạn là rất có thể. Vì sao việc không công khai, không báo cáo kịp thời về các nguy cơ, ẩn họa của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thể khắc phục cơ bản và chấm dứt? Vì sao khu vực cấp nước sông Đà không có được các cơ chế kiểm soát, ngăn chặn hữu hiệu? Và đã có hay không các phương án xử lý tình huống để rồi khi sự cố nước nhiễm dầu diễn ra đã bị động, lúng túng?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát, kiểm tra toàn bộ các hệ thống cấp nước cần được khẩn trương, nghiêm cách thực hiện. Đó là vì cuộc sống nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đó cũng là cơ hội để hoàn thiện các cơ chế trách nhiệm của bộ máy công quyền.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nuoc-troi-va-loi-nguoi-597579