Nuôi đuông dừa: Không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi

Tỉnh Bến Tre lần đầu tiên xử phạt 6 triệu đồng với một chủ quán nhậu vì bán món đuông dừa 'món nhậu' đã bị cấm nuôi, bán và trao đổi.

 “Món nhậu” đuông dừa đã bị cấm lưu hành

“Món nhậu” đuông dừa đã bị cấm lưu hành

Phạt lần đầu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở này vừa xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế Hiền, Chủ vườn ẩm thực Mai An Tiêm (TP Bến Tre) sau khi lực lượng kiểm tra liên ngành qua kiểm tra một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn, phát hiện nơi này có hành vi bán đuông dừa- một “món nhậu” đã bị cấm lưu hành.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, đây là lần đầu tiên đoàn kiểm tra phát hiện trường hợp bán đuông dừa bán cho thực khách sau khi có lệnh cấm.

Theo điều tra, đuông dừa tại Bến Tre có giá bán tại nhà hàng dao động từ 10.000-20.000 đồng/con. “Món nhậu” này được đánh giá chỉ dành cho thực khách đại gia, bởi trung bình một đĩa đuông dừa có giá hàng triệu đồng. Tuy nhiên, “món nhậu” vào hàng đặc sản này đã bị cấm lưu hành. Ấy vậy mà vẫn còn những trường hợp vi phạm như vườn ẩm thực Mai An Tiêm kể trên.

Thực ra, lệnh cấm buôn bán “món nhậu” này đã có từ tháng 8/2015. UBND tỉnh Bến Tre đã có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra và xử lý chặt chẽ đối với những đối tượng có hành vi nhân, nuôi và phát tán đuông dừa trên địa bàn.

Bởi theo đại diện Hiệp hội Dừa Bến Tre, đuông dừa là một trong những sinh vật gây hại trực tiếp đối với cây dừa, là loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất cho cây dừa và khó phát hiện.

Cơ chế phá hoại của loài côn trùng này là đẻ trứng lên cây dừa. Sau đó trứng này phát triển thành con đuông đục khoét và ăn hết chất sinh trưởng trong cây dừa (cổ hũ dừa) khiến cây dừa “kiệt sức” và tán úa rồi chết.

Quyết không đánh đổi

Đuông dừa tại Bến Tre có hai loại là đuông dừa tự nhiên và đuông dừa nuôi “công nghiệp”. Đuông dừa tự nhiên khá khan hiếm, thi thoảng người dân mới bắt được. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều đối tượng kinh doanh đã chuyển sang nuôi lén lút nuôi đuông dừa “công nghiệp”.

Không ít hộ dân ở các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Lương Hòa, Chợ Lách…nuôi đuông dừa để bán cho các nhà hàng với giá là 5.000 đồng/con. Đến khi bị tỉnh Bến Tre cấm thì nhiều hộ kinh doanh loại “đặc sản” này chuyển qua địa phương khác nuôi “chui”.

Hành vi này đã gián tiếp tạo điều kiện phát tán loài côn trùng có nguy cơ gây hại đến diện tích vườn dừa tỉnh Bến Tre.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, việc nuôi đuông dừa được đánh giá là “lợi bất cập hại”. Vào thời điểm rộ lên phong trào nuôi đuông dừa, nhiều hộ dân trồng dừa ở Bến Tre mất gần 50% thu nhập bởi diện tích dừa bị đuông dừa đục phá nghiêm trọng không còn cách cứu chữa phải chặt bỏ cả cây.

Bởi vậy, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài của cây dừa. Cây dừa có thể đem lại lợi ích kinh tế lâu dài hàng chục năm, từ toàn bộ các bộ phận như quả, lá, thân dừa.

Thiết nghĩ, nếu chỉ trồng dừa nuôi con đuông thì xứ dừa đâu có còn những rừng dừa xanh ngát và những sản phẩm từ dừa- biểu tượng điển hình của du lịch bến tre.

Hơn nữa, Bến Tre lại là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất của cả nước với trên 67.000 ha. Đóng góp 20% vào kinh tế của Tỉnh. Các sản phẩm từ dừa đều phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ trong nước và có mặt rộng khắp trên thị trường thế giới, với trên 40 quốc gia và khu vực: Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Ai Cập, Pháp, Nga, Nhật, Italia, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ha Lan, UAE, Pakistan, Uruguay… Việc phát triển cây dừa về lâu dài chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn việc thu hoạch đuông đùa từ khi còn non

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/nuoi-duong-dua-khong-vi-loi-ich-truoc-mat-ma-danh-doi-166052.html