Nuôi dưỡng tình yêu di sản cho lớp trẻ

Xứ Thanh - mảnh đất 'địa linh nhân kiệt', với một kho tàng di sản văn hóa đậm đặc và giàu giá trị. Bởi vậy, việc quan tâm giáo dục tình yêu di sản cho lớp trẻ đã, đang được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc làm bổ ích, thiết thực.

Học sinh đến tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Học sinh đến tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Để nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ mà đối tượng trung tâm là học sinh. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Như Thanh đã tích cực đưa các nội dung giáo dục di sản văn hóa vào trường học thông qua việc lồng ghép vào các môn học như tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... với nhiều hình thức giảng dạy phong phú, đa dạng; đồng thời, tận dụng nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh gần gũi, dễ hiểu với học sinh để tổ chức cho các em đi tham quan, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích, như: Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến Hải Vân, đền Đức Ông Khe Rồng, Phủ Na, đền thờ Bạch Y công chúa... Ông Trịnh Minh Lâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh, cho biết: Hàng năm, ngành giáo dục huyện đều xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; chủ động liên kết với ban quản lý các di tích lịch sử, văn hóa để đưa học sinh đến tham quan, học tập; chỉ đạo các trường có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép trong các tiết dạy với các nội dung liên quan đến di sản, di tích lịch sử. Kết thúc mỗi chuyến đi, các em có thể trình bày kết quả bằng nhiều phương thức đa dạng như thuyết trình, làm báo tường, hay sân khấu học đường...

Là một trong những trường làm tốt công tác giáo dục di sản cho học sinh, thầy giáo Đỗ Xuân Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nhuận (Như Thanh) cho rằng: Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại. Bởi vậy, nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương, nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, tổ chức giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, những nhân chứng lịch sử... Để từ đó, các em có cơ hội tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản một cách trực quan, sinh động, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử của quê hương.

Em Lê Hùng Phong, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Phú Nhuận, chia sẻ: Trong các tiết học về địa lý, lịch sử, em và các bạn vẫn thường được nghe thầy cô kể chuyện, giới thiệu về các địa danh và mốc son lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho chúng em tham gia các buổi ngoại khóa thực tế tại các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Từ đó, chúng em có thêm nhiều kiến thức về lịch sử của địa phương, càng thấy thêm tự hào và quyết tâm sẽ cố gắng học tập tốt để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Cùng với ngành giáo dục và đào tạo thì những năm qua các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc giáo dục di sản cho đoàn viên, thanh niên bằng những việc làm bổ ích, thiết thực, như: tích cực tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia hành trình về nguồn đến với các “địa chỉ đỏ”; tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tổ chức dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7); thăm hỏi, động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình chính sách tại địa phương...

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng đang là điểm đến “hấp dẫn” thu hút khá đông học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, tại đây đã thu hút khoảng 1.800 học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đều chủ động phối hợp với ngành giáo dục trong tỉnh tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm chuyên đề quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho các em học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Để dễ hình dung, ngoài việc thuyết minh trực tiếp, bảo tàng đã bổ sung hoạt động xem phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề cho các em học sinh tại các trường trên địa bàn tỉnh (nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa).

Có thể thấy rằng, thông qua những hoạt động giáo dục di sản thiết thực, bổ ích của các cấp, ngành đã giúp các em học sinh hiểu thêm về giá trị lịch sử, vẻ đẹp của di sản, từ đó khơi dậy ý thức gìn giữ bảo vệ di sản ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các chương trình học cho học sinh; đồng thời, chú trọng xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, là đổi mới các chương trình tham quan nhằm thu hút, hấp dẫn lứa tuổi học sinh đến di tích, bảo tàng, như: tổ chức trò chơi, câu đố hấp dẫn, thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa phù hợp với từng lứa tuổi.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/nuoi-duong-tinh-yeu-di-san-cho-lop-tre/26603.htm