Nuôi dưỡng tình yêu kiểu công nhân

Bên cạnh tình yêu thương chân thành thì sự thấu hiểu, sẻ chia, cố gắng trong công việc, cuộc sống chính là liều thuốc tinh thần giúp công nhân lao động (CNLĐ) nuôi dưỡng tình yêu. Đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng đều là công nhân thì tinh thần trách nhiệm, sự chung sức đồng lòng càng được nhân lên gấp bội để có thể giữ mãi ngọn lửa tình yêu và sự ấm êm hạnh phúc gia đình.

Khát khao một mái ấm

Thực tế cho thấy, một số CNLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất còn ngại yêu vì lý do gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, có những người đã bước sang “tuổi băm” rồi mà vẫn “giường đơn gối chiếc” nhưng ẩn sâu trong họ vẫn khát khao một mái ấm dù là nhỏ bé, giản đơn.

Cuộc sống gia đình tuy có không ít khó khăn nhưng ngập tràn hạnh phúc.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thịnh (quê Lào Cai) cho biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh nộp hồ sơ xin làm công nhân tại một công ty chuyên sản xuất bao bì trong KCN Phú Nghĩa. Từ khi bắt đầu làm việc tại công ty, anh luôn cố gắng và dành nhiều thời gian nhất có thể cho công việc và thường xuyên tăng ca với mục đích tích cóp một khoản tiền để sau này có tiền trang trải khi lập gia đình và có chút vốn để lập nghiệp riêng.

“Lương công nhân, vừa tăng ca làm việc, vừa chi tiêu tiết kiệm nên tôi cũng dành dụm được một ít. Nhiều lúc tôi cũng mong muốn tìm được người thương để về chung một nhà, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong công việc, cuộc sống để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc riêng. Đã 30 tuổi nhưng vẫn ngày đi làm, tối về nằm không, những ngày lễ, Tết về quê, người thân hỏi han tình hình công việc rồi lại kèm thêm câu “bao giờ lấy vợ?” Hay “năm nay có cho mọi người ăn cỗ không?” Khiến mình lại cảm thấy chạnh lòng.” – anh Thịnh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, một số CNLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất còn ngại yêu vì lý do gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, có những người đã bước sang “tuổi băm” rồi mà vẫn “giường đơn gối chiếc” nhưng ẩn sâu trong họ vẫn khát khao một mái ấm dù là nhỏ bé, giản đơn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thịnh (quê Lào Cai) cho biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh nộp hồ sơ xin làm công nhân tại một công ty chuyên sản xuất bao bì trong KCN Phú Nghĩa. Từ khi bắt đầu làm việc tại công ty, anh luôn cố gắng và dành nhiều thời gian nhất có thể cho công việc và thường xuyên tăng ca với mục đích tích cóp một khoản tiền để sau này có tiền trang trải khi lập gia đình và có chút vốn để lập nghiệp riêng. Theo anh Thịnh, lương công nhân, vừa tăng ca làm việc, vừa chi tiêu tiết kiệm nên tôi cũng dành dụm được một ít.

Nhiều lúc tôi cũng mong muốn tìm được người thương để về chung một nhà, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong công việc, cuộc sống để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc riêng. Đã 30 tuổi nhưng vẫn ngày đi làm, tối về nằm không, những ngày lễ, Tết về quê, người thân hỏi han tình hình công việc rồi lại kèm thêm câu “bao giờ lấy vợ?” hay “năm nay có cho mọi người ăn cỗ không?” khiến mình lại cảm thấy chạnh lòng.

May mắn hơn nhiều CNLĐ khác, chị Nguyễn Thị Linh (27 tuổi, quê Thái Bình) đang làm việc tại công ty Hoya (KCN Thăng Long) đã tìm được người thương của mình, chị cho biết, cả hai đang cố gắng làm việc để tích lũy ít vốn liếng rồi tổ chức đám cưới.

“Tôi và anh quen nhau qua một người bạn, có cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên nên cả hai thường xuyên nói chuyện, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong công việc, cuộc sống. Qua những cuộc nói chuyện, chúng tôi hiểu nhau hơn và cái cảm giác sống không thể thiếu nhau nó lớn dần lên. Mang tiếng là người yêu mà lại còn cùng làm trong một khu công nghiệp nhưng thực sự chỉ có cuối tuần chúng tôi mới gặp nhau, nếu một trong hai bận công việc hay phải làm tăng ca thì có khi tháng chỉ gặp nhau một, hai lần.

Thế nhưng lúc nào tình cảm cũng dạt dào, bởi cả hai đã quá yêu và tin tưởng nhau, đồng thời vì cùng là công nhân nên chúng tôi đều hiểu tính chất công việc do đó cũng có sự thông cảm và chia sẻ lẫn nhau. Ít gặp nhau là thế nhưng bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào trong ngày chúng tôi cũng đều dành để nói chuyện với nhau qua Facebook, Zalo… vừa có thể nhìn thấy hình ảnh lại nghe được giọng nói của nhau nên chúng tôi cũng cảm thấy rất ấm lòng.

Đó chính là cách chúng tôi nuôi dưỡng tình yêu của mình.Hiện cả hai bên đều đã công khai mối quan hệ với gia đình và đang cố gắng làm lụng, tiết kiệm để tổ chức đám cưới và xây dựng một mái ấm hạnh phúc” – chị Linh hồ hởi chia sẻ.

Cùng nhau vượt giông bão cuộc đời

“Cuộc sống gia đình không như mơ” có lẽ là câu nói mà chúng tôi nghe được nhiều nhất từ những chia sẻ của các cặp vợ chồng là công nhân. Nhưng phía sau câu nói đó không phải là sự chán nản, bỏ cuộc hay chia ly mà là những nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng để khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và giữ vững sự yên ấm, hạnh phúc của gia đình.

Nên duyên vợ chồng với nhau được hơn một năm, hai vợ chồng anh Vũ Văn Nam, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh đã có được con nhỏ kháu khỉnh, mạnh khỏe.

Chia sẻ về quãng thời gian từ sau khi kết hôn, anh Nam cho biết: “Từ khi về chung sống với nhau, do làm khác công ty nên thời gian biểu của vợ chồng nhiều khi cũng lệch nhau nhưng cả hai đều luôn cùng nhau chia sẻ mọi công việc trong gia đình. Được gần 1 năm thì vợ tôi sinh cháu, lúc đó cuộc sống bắt đầu khó khăn, từ chỗ hai người đều làm ra kinh tế, giờ giảm xuống còn một, tổng thu nhập cũng giảm đi một nửa.

Trong khi, có con, phí chi tiêu của gia đình cũng tăng lên đáng kể, chưa kể toàn bộ số tiền dành dụm được của hai vợ chồng đều đã sử dụng để lo cho ca mổ sinh. Cũng từ lúc đó, tôi đã chủ động hạn chế những buổi gặp gỡ bạn bè, đăng ký làm tăng ca kể cả những ngày nghỉ nếu như công ty có nhiều đơn hàng với mong muốn tăng thu nhập để lo cho gia đình.

Thú thực, nhiều khi mệt mỏi cộng thêm áp lực công việc, kinh tế thiếu thốn khiến cho tình cảm vợ chồng cũng có lúc sóng gió. Nhưng rồi, mỗi khi đi làm tăng ca về, thấy cơm canh đã dọn sẵn, vợ và con đang say trong giấc ngủ ngon khiến tôi lại cảm thấy ấm lòng, thấy yêu, thương vợ hơn và tự hứa với bản thân cần phải cố gắng hơn nữa để lo cho gia đình.”

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống gia đình, chị Trần Thị Hạnh (quê Nghệ An) công nhân đang làm việc tại công ty Jtec (KCN Thăng Long) cũng cho biết: “Đúng là cuộc sống gia đình không như mơ, trước khi lấy nhau, vợ chồng tôi cũng đã tính trước là khi về chung sống sẽ chi tiêu như thế nào, dành dụm ra làm sao.

Khi mới cưới thì mọi thứ đều diễn ra như dự tính nhưng từ khi có con thì kế hoạch mà vợ chồng đã vạch ra bị đổ bể hoàn toàn.Vì không đón được ông bà ở quê ra trông cháu nên hai vợ chồng đã quyết định gửi con đi nhà trẻ. Chính vì thế mà chồng tôi đã phải xin nghỉ làm ở công ty và đi làm công việc tự do để có thể sắp xếp thời gian đưa đón con đi học. Tổng thu nhập của hai vợ chồng giảm, mức chi tiêu thì tăng, chưa kể những lúc nhà có người ốm đau thì lại phải vay mượn để trang trải cuộc sống”.

“Biết là cuộc sống khó khăn nhưng được cái vợ chồng tôi luôn lạc quan, luôn bảo nhau cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Do đó, suốt những năm chung sống với nhau, vợ chồng tôi rất ít khi to tiếng. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân thì vợ chồng tôi cũng may mắn được sống trong một xóm trọ mà mọi người luôn quan tâm, sống tình cảm và sẵn sàng chia sẻ với nhau. Những lúc khó khăn, chỉ cần mở lời là mọi người dù ít dù nhiều thì cũng sẵn sàng giúp đỡ. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi có niềm tin vào cuộc sống và luôn cố gắng làm việc để có cuộc sống ổn định, con cái được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn.” – chị Hạnh chia sẻ.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nuoi-duong-tinh-yeu-kieu-cong-nhan-76858.html