Nuôi dưỡng tình yêu văn chương từ cơ sở

Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân Quý Mão 2023 giữa lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với các nhà văn tiêu biểu sáng tác về bộ đội, có một đề xuất đáng chú ý, đó là: Để tiếp tục xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng tác phẩm viết về người lính, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cần chỉ đạo đẩy mạnh phong trào viết văn ở cơ sở; phát hiện, bồi dưỡng các nhà văn trẻ trong Quân đội.

Đề xuất này được đưa ra trước lo ngại thế hệ các nhà văn trưởng thành trong chiến tranh tuổi đã cao; lớp nhà văn kế cận chưa dành nhiều thời gian, công sức sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, lại thiếu trải nghiệm thực tế đời sống quân ngũ, nên khó có thể sáng tạo ra tác phẩm hay.

Nụ cười chiến sĩ hải quân. Ảnh: QUỐC THÁI

Trước đây, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhiều cây bút tài năng xung phong nhập ngũ, hình thành một lớp nhà văn khoác áo lính tên tuổi lừng lẫy. Nhiều người ví những bài thơ, trang văn của các nhà văn Quân đội có sức mạnh tựa như một binh đoàn. Bộ đội sau những giờ phút huấn luyện, chiến đấu gian khổ đọc những tác phẩm viết về cuộc sống của mình, cảm thấy được động viên kịp thời; bồi đắp, làm giàu thêm tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước. Công chúng đọc các tác phẩm về bộ đội thêm cảm phục những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xúc động trước những hy sinh, mất mát của người lính để cùng thấu hiểu và sát cánh với Quân đội.

Trong thời chiến, không ít nhà văn xuất thân từ binh nhất, binh nhì, vì yêu môi trường quân ngũ, yêu màu xanh áo lính mà đã cầm bút viết và tự gửi tác phẩm về các cơ quan báo chí, xuất bản. Những trang viết đầu đời non vụng về kỹ thuật văn chương nhưng lấp lánh tình tiết chân thật, xúc động về tình đồng đội, tinh thần, ý chí vượt qua gian khó của người lính. Các nhà văn, biên tập viên thành danh với “con mắt xanh” đã phát hiện những “viên ngọc thô”, bỏ công sức sửa chữa, liên lạc động viên. Thông qua các trại sáng tác, tập huấn, những cây bút “măng non” dần trưởng thành trong từng tác phẩm.

Khi chiến tranh đã lùi xa, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính theo lẽ tự nhiên không còn là đề tài và nhân vật trung tâm. Đó là lý do càng cần phải quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đội ngũ nhà văn viết về bộ đội và phong trào viết văn ở cơ sở. Tài năng văn chương hiếm có khó tìm, thực sự đây là công việc “đãi cát tìm vàng” nên càng phải duy trì thường xuyên. Một cách làm sáng tạo là Phong trào “Chiến sĩ biên phòng viết” được các đơn vị Bộ đội Biên phòng duy trì bền bỉ hơn 10 năm qua. Từ phong trào này đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ thêm đam mê, tâm huyết, nâng cao chất lượng sáng tác, gây dựng được tên tuổi trên văn đàn.

Thời gian qua, một số đơn vị Quân đội cũng tổ chức cuộc thi viết nhưng không tiến hành thường xuyên, chỉ diễn ra nhân kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đơn vị, mục đích là để có thêm tác phẩm tuyên truyền chứ chưa thực sự chú trọng phát triển phong trào viết có chiều sâu và sức lan tỏa.

Bên cạnh mục tiêu tìm kiếm tài năng văn chương, phong trào sáng tác văn học-nghệ thuật ở đơn vị cơ sở cần hướng đến trở thành hoạt động chính trị-văn hóa có ý nghĩa tích cực, góp phần bồi đắp tình cảm, tư tưởng lành mạnh, phát huy khả năng sáng tạo, qua đó giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nuoi-duong-tinh-yeu-van-chuong-tu-co-so-721353