Nuôi hà treo dây ở Hoàng Tân

TX Quảng Yên có đặc điểm địa hình và đất đai của một vùng đồng bằng cửa sông ven biển, có tiềm năng lớn về phát triển nông – ngư nghiệp với hàng nghìn ha đất bãi triều để nuôi trồng thủy sản. Nơi đây, người dân đã sáng tạo ra một mô hình nuôi trồng thủy sản độc đáo: Nghề nuôi hà treo dây ở vùng cửa sông. Đây cũng là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Quảng Yên.

Thời điểm thích hợp để ương giống hà là cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch.

Thời điểm thích hợp để ương giống hà là cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch.

Nghề nuôi hà treo dây phát triển nhất ở xã Hoàng Tân. Hiện nay toàn xã có tới hàng nghìn bè hàu, hà lớn nhỏ. Hơn 10 năm qua, nhiều hộ gia đình ở xã đảo Hoàng Tân đã phát triển kinh tế, làm giàu nhờ nuôi hàu, hà.

Trước đây, việc nuôi hà còn mang tính manh mún, chủ yếu là cách nuôi trên cành sú vẹt, vừa không hiệu quả lại ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của vùng rừng ngập mặn. Từ năm 2011, một số hộ dân đã nuôi thử bằng cách đóng cọc xuống bãi triều, sau đó buộc nối các cọc với nhau thành giàn và đem dây xiên hà treo lên.

Anh Trương Văn Kết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tân cho biết: Từ một vài hộ nuôi thử nghiệm, đến nay, xã đã có gần 1.000 hộ nuôi hà treo dây, quy mô trên 4.000ha mặt nước. Nuôi hà theo hình thức này, hà có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao từ 80-95%, cho thu hoạch khoảng gần 5.000 tấn/năm.

Làm nghề nuôi hàu, hà treo dây không quá cực nhọc nhưng cần có kinh nghiệm. Quy trình nuôi rất đơn giản, chỉ cần tận dụng vỏ hà đã khai thác rồi, đem phơi qua nắng, rồi đục một lỗ ở trên vỏ để xiên vào dây và đem đi thả. Tùy thuộc vào việc lấy giống từ tự nhiên hay từ các nguồn giống nhập khẩu mà người nuôi sẽ tạo ra những dây vỏ hà giá thể với mật độ phù hợp.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bổng ở thôn 5, xã Hoàng Tân đã gắn bó với nghề nuôi hà treo dây hơn chục năm nay. Cũng như nhiều gia đình khác ở đây, thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch là lúc gia đình ông cùng các hộ dân bắt đầu ương giống hà. Buổi sáng, khi nước cạn, người dân tranh thủ buộc các xiên vỏ hà lên giàn, đợi khi thủy triều lên, các xiên vỏ hà này sẽ trở thành giá thể cho hà giống trong tự nhiên bám vào.

Sau khoảng 2-3 tháng ương giống, con hà giống đã lớn bằng đầu ngón tay thì người dân bắt đầu tách từng dây hà ra treo để tạo điều kiện cho hà phát triển. Mỗi dây hà có khoảng 5-6 con, treo cách nhau khoảng 10-15cm. Khi nước thủy triều lên ngập các cọc treo, các ấu trùng của hà theo dòng thủy triều bám vào vỏ hà rồi tự sinh trưởng và phát triển. Hà sẽ ăn các chất phù du, tảo trong nước để lớn lên. Vì vậy nuôi hàu, hà không tốn nhiều chi phí mua thức ăn, chăm sóc như các loại thủy sản khác.

Tuy nhiên, ông Bổng cũng chia sẻ nghề này chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết và độ mặn của nước nên tính rủi ro khá cao. Có khi cả vụ hà mất trắng nếu nguồn nước bị ô nhiễm, hà bị bệnh chết. Mặt khác, nếu nuôi với mật độ quá dày đặc có thể khiến con hà lâu béo hơn, thời gian thu hoạch kéo dài thêm vài tháng dẫn đến tỷ lệ hà bị chết có thể sẽ cao hơn.

Mô hình nuôi hà đại dương trên bè.

Thời điểm chuyển từ hè sang thu gặp thời tiết se lạnh là lúc hà treo dây phát triển nhanh nhất. Người nuôi hà phải tính toán con nước thủy triều để di chuyển kéo các bè đến vùng nuôi có nhiều tảo làm thức ăn cho chúng. Thường thì tầm tháng 11 âm lịch là bắt đầu thu hoạch được.

So với khai thác tự nhiên, mô hình hà treo dây đem lại hiệu quả gấp 10 lần, trong khi chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, thu hoạch dễ dàng. Hà ở Hoàng Tân có chất lượng tốt hơn, vì hợp đất, nước và thổ nhưỡng nên con hà béo, có độ đậm hơn so với hà nuôi ở các địa phương khác.

Nghề nuôi hàu, hà không chỉ mang lại những giá trị lớn về kinh tế mà còn có lợi ích trong bảo vệ môi trường. Hàu, hà có thể làm sạch nước thông qua quá trình thở của mình, đồng thời chúng cũng ăn những vi sinh và sinh vật phù du làm cho nước biển sạch hơn.

Từ khi có nghề nuôi hà treo dây, cuộc sống của người dân xã đảo dần thay da đổi thịt. Hoàng Tân trở thành nơi cung cấp hàu, hà và các loài thủy hải sản với số lượng lớn của tỉnh, nổi tiếng với các sản phẩm hàu, hà tươi ngon, béo ngậy. Đây cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương Quảng Yên trong việc thực hiện chương trình OCOP mỗi xã, phường một sản phẩm.

Và nhắc đến Hoàng Tân, người ta sẽ nhớ ngay đến nghề nuôi hà treo dây - một nghề gắn bó với cuộc sống của người dân ven biển, sống dựa vào biển, góp phần bảo vệ môi trường biển và nhận lại những quà tặng quý giá từ biển cả.

Xuân Hòa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/nuoi-ha-treo-day-o-hoang-tan-2528527/