Nuôi lợn rừng không khó, thịt săn chắc, giá bán cao

So với lợn trắng truyền thống, nuôi lợn rừng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần. Thức ăn dành cho lợn rừng rất đơn giản, dễ tìm…

 Mô hình chăn nuôi lợn rừng đã và đang phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), những năm gần đây đã có nhiều hộ giàu lên nhờ loài động vật hoang dã này. Ảnh: Mai Chiến.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng đã và đang phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), những năm gần đây đã có nhiều hộ giàu lên nhờ loài động vật hoang dã này. Ảnh: Mai Chiến.

Với gần 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng, bà Nguyễn Thị Soi (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu) cho hay, lợn rừng sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Năm 2019, đàn lợn rừng của gia đình bà sống khỏe giữa “bão” dịch. Con nào, con nấy ăn tốt, ngủ ngon, không có biểu hiện ốm, bỏ ăn… Ảnh: Mai Chiến.

Thời điểm này, gia đình bà đang chăn nuôi trên 50 con lợn rừng. Gồm lợn bố mẹ, lợn choai và lợn giống. Ngoài cung cấp lợn thương phẩm, gia đình bà còn cung cấp lợn giống cho những ai có nhu cầu nuôi. Ảnh: Mai Chiến.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng, bà Soi bảo, trước hết chuồng trại phải thoáng mát, sạch sẽ. Hàng tuần phải phun thuốc khử trùng trong và ngoài trang trại. Ngoài việc nuôi nhốt trong chuồng, mỗi ngày phải cho lợn ra sân chơi, tắm nắng và đi dạo ít nhất 1 lần. Ảnh: Mai Chiến.

Bên cạnh đó, nguồn thức ăn phải đủ chất, đủ dinh dưỡng. Theo bà, nguồn thức ăn dành cho lợn rừng rất đơn giản và dễ tìm như cây chuối, rau, củ, quả… Nhờ đó, chất lượng thịt ngon hơn nhiều so với lợn trắng truyền thống. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện nay, gia đình bà đang liên kết với một số hộ chăn nuôi khác để chăn nuôi có hiệu quả và bền vững hơn. Mọi người hỗ trợ nhau về mặt kĩ thuật, đầu ra… “Thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm và lợn giống của gia đình chủ yếu là trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam…”, bà Soi nói. Ảnh: Mai Chiến.

Chỉ tay vào đàn lợn bố mẹ, bà Soi cho biết thêm, lợn mẹ đẻ 2 lứa/năm. Mỗi lứa từ 8 - 10 con và mẹ chăm con rất tốt. Lợn con sau gần 20 ngày bú mẹ là có thể ăn được cám. Khi nào đủ 1 tháng 10 ngày thì tách lợn mẹ ra chuồng khác, để lợn con tự lập.

Lúc này, cho lợn con tập ăn chuối, rau, củ, quả; giảm dần lượng cám. Sau 8 tháng (tính từ lúc sinh ra đến lúc xuất bán), lợn nặng khoảng 20 - 30kg/con, cho chất lượng thịt thơm ngon và có thể xuất bán.

Về lợn mẹ, sau 5 - 7 ngày tách khỏi lợn con là có thể đưa đi phối giống. Việc phối giống cho lợn rừng rất đơn giản, không cần con người can thiệp. Về lợn đực, khoảng 6 - 7 năm nên thay một lần, để cải thiện con giống.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nuoi-lon-rung-khong-kho-thit-san-chac-gia-ban-cao-d265009.html