Nuôi nhốt động vật hoang dã: Thú vui vô cảm

Hành vi nuôi nhốt các loài động vật trong danh mục động vật nguy cấp, cần được bảo vệ (thuộc nhóm IB) và cấm sử dụng cho mục đích thương mại (kể cả làm thú cảnh) chính là tiếp tay cho nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Vô tư nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép

Khi đời sống ngày một nâng cao, nhu cầu nuôi thú cảnh cũng gia tăng. Do thiếu hiểu biết và chủ quan, hiện nay, nhiều người đã mua cả động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có khỉ, tê tê… về làm cảnh.

Theo Cổng Thông tin điện tử thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, phòng Cảnh sát môi trường CATP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều trường hợp người dân tự ý nuôi nhốt các loài động vật hoang dã làm thú cảnh như culi, khỉ, vượn tay dài, rái cá… trong nhà hoặc tại nơi làm việc. Vào 15h00' ngày 25/6/2018, Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 1 phát hiện ông Phương Thanh Tùng đang nuôi nhốt trái phép 01 cá thể vượn tại địa chỉ số 115 - 117 đường Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1. Qua kiểm tra, lực lượng Công an xác định cá thể vượn này là loài vượn đen má hung (Nomascus gabriellae) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Tại buổi kiểm tra, ông Tùng cho biết đã nhặt được cá thể vượn và không biết hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Ngày 26/6/2018, Phòng Cảnh sát môi trường đã bàn giao cá thể vượn trên cho các chuyên viên của Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp thuộc Công viên quốc gia Cát Tiên để nuôi dưỡng, phục hồi bản tính tự nhiên trước khi thả về rừng.

Báo Lao động ghi nhận một thực trạng đáng buồn đang xảy ra ở miền núi rẻo cao huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị). Nhiều hộ dân ở đây đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trong những chiếc lồng, cũi sắt để làm cảnh. Những chú khỉ gầy gò, ốm yếu, ánh mắt hoang dại và trở nên hung dữ khi gặp con người. Thậm chí, một số loài vật trong Sách đỏ Việt Nam cũng bị nhốt, xích chân giữa những chiếc lồng, cũi sắt chật hẹp, bẩn thỉu. Hành động này đã “đánh cắp” sự tự do của các loài động vật và phá vỡ sự cân bằng của môi trường tự nhiên.

Theo CAND, cuối tháng 4 năm 2018, cảnh sát môi trường và Chi cục Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu đã kiểm tra, tịch thu một cá thể rùa Vích nặng 4 kg bị nuôi nhốt ở một nhà hàng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là loài rùa Vích quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng. Cá thể rùa sau đó được thả về biển.

Rùa Vich bị nuôi nhốt tại một nhà hàng (Ảnh: CAND)

Nuôi ĐVHD luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên là nguy hiểm cho chính người nuôi vì ĐVHD khi bị nuôi nhốt sẽ trở nên hung dữ bất thường. Từng xảy ra nhiều trường hợp khỉ do bị nuôi nhốt lâu ngày, trở nên kích động đã tấn công con người. Việc bị khỉ cắn cũng giống như bị chó cắn, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì ít chủ nuôi chịu tiêm ngừa cho khỉ. Không chỉ có khỉ, các cá thể ĐVHD nói chung còn có thể lây truyền các bệnh dịch nguy hiểm cho người (bệnh dại, ký sinh trùng, chất độc…)

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, mới đây, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận bé gái N.P.N.K (14 tháng tuổi, Bình Chánh) bị thương nặng ở vùng đầu do bị khỉ nhà hàng xóm xổng chuồng, tấn công. Sự việc đau lòng này là một hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng khi thản nhiên cướp đi quyền tự do của ĐVHD.

Bỏ ngỏ việc quản lý

Việc xin cấp phép nuôi động vật hoang dã thông thường được quy định tại Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT. Theo đó thủ tục xin cấp phép nuôi sinh sản được quy định như sau:

Cơ quan cấp phép: Cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh, nơi không có cơ quan kiểm lâm thì thẩm quyền thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian cấp phép: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký trại nuôi sinh sản động vật thông thường

Khi khai thác động vật nuôi bạn cần liên hệ với cơ quan kiểm lâm sở tại để xác nhận bản kê động vật được nuôi.

Thực tế cho thấy, đa số các hộ gia đình nuôi nhốt động vật hoang dã đều không có bất kỳ loại giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc của con thú và đăng ký nuôi dưỡng, chăm sóc. Thậm chí, họ cũng không biết các bước làm thủ tục đăng ký như thế nào, ở đâu, có vi phạm pháp luật không… Anh Nguyễn Sĩ V, một người nuôi hai chú khỉ mặt đỏ cho hay: “Mấy năm trước, mình đi làm ăn bên Lào, thấy hai con khỉ này đẹp quá mà nên mua về nuôi. Mình thích thì nuôi thế thôi chứ không đăng ký giấy tờ gì cả. Có biết pháp luật cấm nuôi đâu. Mình nuôi nó được hơn 5 năm rồi mà có thấy ai tới hỏi giấy tờ gì đâu”.

Hành vi nuôi nhốt các loài động vật trong danh mục động vật nguy cấp, cần được bảo vệ (thuộc nhóm IB) và cấm sử dụng cho mục đích thương mại (kể cả làm thú cảnh) được xem là đang tiếp tay cho nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng là “mắt xích” trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia. Nhiều công dân Việt Nam bị bắt giữ trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại tội phạm này.

Cá thể cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus) bị nuôi nhốt trái phép tại một quán cafe trên đường Hà Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng (Ảnh: infornet)

Bởi vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các cơ quan chức năng phải tuyên truyền sâu rộng hơn để người dân hiểu luật, nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Khi phát hiện cá nhân hoặc cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép cần thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát môi trường. Bảo vệ động vật hoang dã là hành động cấp thiết nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và môi trường sống.

Từ ngày 01/01/2018, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) bắt đầu có hiệu lực sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể, củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài động vật hoang dã. Theo Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) của BLHS 2015, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm… có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; phạt tiền đến 15 tỉ đồng; pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Danh mục mới về các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Cẩm Thi (tổng hợp)

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/nuoi-nhot-dong-vat-hoang-da-thu-vui-vo-cam-50250.html