Cựu chiến binh nuôi rắn, lấy trứng phải bịt mắt hoặc đeo kính

Bước chân vào khu hầm nuôi rắn hổ mang bành của gia đình cựu chiến binh Đào Tiến Phong, thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) nhiều người không khỏi ớn lạnh bởi tiếng phì phì phát ra từ miệng những con rắn độc 'khổng lồ, dài ngoẵng'. Ấy thế mà ông Phong đã 'làm bạn' với đàn rắn độc này hơn 10 năm và cũng nhờ nuôi loài mãng xà cực độc này mà giờ ông thành triệu phú.

Năm 1990, xuất ngũ trở về địa phương, bên cạnh việc tham gia công tác xã hội, cựu chiến binh Đào Tiến Phong phải lăn lộn đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, thấy một số hộ dân trong xã giàu lên nhờ nghề nuôi rắn, ông Phong quyết định vay tiền anh em, họ hàng đầu tư 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi thử nghiệm hơn 10 con rắn hổ mang bành.

Mô hình nuôi rắn hổ mang bành đã giúp ông Phong thu lãi 150 – 200 triệu đồng mỗi năm

Sau 2 lứa nuôi, mặc dù đã chịu khó tìm đến những gia đình nuôi rắn đi trước để học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hiệu quả mô hình đem lại không như mong muốn. Lúc đó, nhiều người thân đã khuyên ông từ bỏ đàn rắn độc để chuyển hướng làm ăn mới, nhưng với bản chất người lính cụ Hồ, không chịu đầu hàng trước khó khăn, ông Phong đã mạnh dạn đầu tư thêm tiền, mở rộng chuồng trại chăn nuôi rắn độc theo hình thức kết hợp giữa nuôi rắn thịt và rắn giống. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông Phong đã có một mô hình nuôi rắn hổ mang bành với quy mô hơn 200 con, cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang bành, ông Phong cho biết, nuôi rắn độc lãi nhất là ở vụ trứng rắn vào tháng 6 hằng năm. Thông thường, mỗi buồng trứng rắn cho từ 20 - 30 quả/vụ và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng, với giá bán khoảng 50.000 đồng/quả, có thể thu về từ 1 - 2 triệu tiền trứng rắn/con. Đối với rắn thịt, hiện giá bán dao động ở mức 600 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi từ 200 - 300 nghìn đồng/con.

Tuy nhiên, theo ông Phong, rắn hổ mang bành thường hay bị mắc bệnh viêm phổi. Để rắn phát triển khỏe mạnh, khi nuôi cần chú ý dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng và cho uống thuốc phòng bệnh. Đây là loại rắn độc nên trong quá trình nuôi phải rất thận trọng, khi dọn chuồng, lấy trứng cần phải đeo găng tay dày và dài, đeo kính hoặc bịt kín mắt để tránh rắn phát hiện ra mắt của mình và tấn công.

Từ mô hình nuôi rắn hổ mang bành thương phẩm, gia đình ông Phong đã có cuộc sống ổn định, con cái được học hành, có công ăn việc làm tử tế. Đặc biệt, những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông phát triển tốt, cho lợi nhuận cao, nhiều nông dân trong thôn, xã đã tới tham quan, học tập và đều được ông Phong giúp đỡ nhiệt tình về con giống, kinh nghiệm trong giai đoạn mới bước vào nghề.

Hoàng Phúc (Cổng TTĐT Vĩnh Phúc)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/nuoi-ran-doc-phi-phi-on-lanh-lay-trung-phai-bit-mat-hoac-deo-kinh-919271.html