Nuôi trồng thủy sản ở huyện Hoằng Hóa – quy hoạch để phát triển bền vững

Ứng dụng công nghệ cao là 'chìa khóa' để tạo sự đột phá trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) cả về quy mô và giá trị kinh tế, đòi hỏi sự thống nhất trong quy hoạch, quản lý, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của những 'ông chủ' đồng tôm để ngành NTTS ở Hoằng Hóa phát triển bền vững.

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che của gia đình ông Đỗ Văn Ân, xã Hoằng Lưu.

Những mô hình “tiên phong” ứng dụng công nghệ cao

Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong NTTS ở Hoằng Hóa được “khởi động” từ nhiều năm trở lại đây. Ban đầu là hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trải bạt trên cát, còn 3 năm trở lại đây là nuôi tôm trong bể xi măng hay bể tròn nổi có mái che.

Xã Hoằng Lưu có hơn 200 ha NTTS cả vùng nội đê và ngoại đê. Trước đây, hầu hết các hộ nuôi theo hình thức quảng canh nên phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, thời tiết. Từ năm 2018, gia đình ông Đỗ Văn Ân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trong các bể xi măng có mái che. Đồng nuôi tôm của ông Ân quy hoạch thành 3 khu: khu ươm giống, khu nuôi tôm thương phẩm và khu xử lý nước. 3 bể ươm giống và 16 bể xi măng trong khu nuôi tôm thương phẩm đều được xây dựng hệ thống mái che kiên cố. Hệ thống nước phục vụ nuôi tôm ở đây khá đặc biệt, không phải là nước mặt mà là nước giếng khoan ngay tại đồng nuôi... Ông Ân cho biết: Hình thức nuôi trong bể xi măng có mái che có thể nuôi tôm qua mùa đông nên mỗi năm nuôi được tối đa 4 lứa tôm, trong khi sử dụng ao nuôi chỉ được tối đa 3 lứa. Sau những lứa tôm áp dụng nuôi trong bể xi măng thành công, ông Ân rất phấn khởi vì sự đầu tư của gia đình đã mang lại những hiệu quả khả quan, trừ các chi phí cho lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Xã Hoằng Yến có hơn 250 ha NTTS, trong đó có nhiều diện tích nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Đáng chú ý, từ năm 2019, hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong bể tròn nổi có mái che của gia đình anh Trương Văn Toàn và một số người bạn trở thành mô hình được nhiều người đến tham quan. Anh Toàn vốn là người xã Hoằng Phụ, thế nhưng sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh phía Nam, anh quyết định thuê lại đất NTTS ở xã Hoằng Yến để đầu tư xây dựng 12 bể tròn nổi nuôi tôm công nghiệp. Anh Toàn cho biết: Đặc điểm của mô hình này là các bể nuôi được xây dựng tách biệt bằng các ống thép thiết kế theo hình tròn, dùng bạt dày chịu lực bao quanh, mỗi bể có diện tích khoảng 300m2, cao từ 1,3m - 1,4m. Hệ thống đường ống dẫn nước, bể lắng, bể xả... đã được đầu tư kiên cố để thực hiện tốt nhất các khâu kiểm soát môi trường nước tại các bể nuôi. Bên trên mỗi bể được lắp đặt hệ thống mái che hình chóp nón. Theo anh Toàn, việc chia các bể nuôi với diện tích vừa phải mang lại nhiều ưu điểm, thuận tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh bể nuôi, quản lý tốt môi trường nước, tỷ lệ sống của tôm cao hơn, hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với hình thức nuôi khác.

Toàn huyện Hoằng Hóa hiện có 126 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, trong đó có 3,1 ha nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thâm canh đạt từ 250 ha trở lên, trong đó nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt 25 ha trở lên.

Đòi hỏi cấp thiết để phát triển bền vững

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hoằng Hóa, trong đó lĩnh vực nuôi trồng ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 18 xã NTTS nước mặn, lợ với tổng diện tích là 1.832,4 ha (số liệu năm 2019). Giai đoạn từ 2016 – 2019, NTTS nước mặn, lợ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về quy mô diện tích, sản lượng đến giá trị, hiệu quả sản xuất. Sản lượng NTTS tăng từ 3.989,9 tấn (năm 2015) lên 5.229,1 tấn (năm 2019). Giá trị sản xuất NTTS năm 2019 đạt 435.127 triệu đồng; thu nhập trung bình 1 ha NTTS đạt 242 triệu đồng/năm. Toàn huyện có gần 900 hộ NTTS nước mặn, lợ.

Tuy nhiên, một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay đó là: Hình thức NTTS nước mặn, lợ ở Hoằng Hóa chủ yếu vẫn là nông hộ nhỏ, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào NTTS. Đặc biệt, hình thức nuôi thâm canh hiện nay phát triển tự phát, không theo định hướng, chưa quản lý được việc hình thành khu nuôi mới; hệ thống cấp thoát nước ở một số vùng nuôi chưa được thiết kế và đầu tư xây dựng hoàn thiện dẫn đến những ảnh hưởng, hệ lụy về môi trường...

Trước thực tế đó, tháng 11-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về NTTS nước mặn, lợ giai đoạn 2019 - 2025, định hướng 2030. UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Đề án NTTS theo hướng bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phương hướng chung mà huyện xác định đó là tận dụng tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên và các nguồn lực, phát triển mạnh NTTS bền vững với sản phẩm chủ lực là tôm, cua, cá nước mặn, lợ thành một ngành sản xuất hàng hóa mũi nhọn, gắn NTTS với du lịch sinh thái.

Mục tiêu cụ thể mà huyện đặt ra đó là: Diện tích NTTS nước mặn, lợ đạt từ 1.300 ha trở lên. Chuyển đổi một số diện tích NTTS ven biển, cửa sông thuộc các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Phong, Hoằng Châu sang đất du lịch và 460 ha trở lên diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Có 70% bờ bao, bờ kênh vùng nuôi được trồng dừa từ 50.000 cây trở lên...

Giải pháp đầu tiên huyện đưa ra đó là tổ chức quy hoạch, quản lý vùng nuôi theo hướng phát triển bền vững, trong đó quy hoạch hệ thống giao thông, điện lưới, kênh mương để lấy và thoát nước cho từng khu vực nuôi trồng. Định hướng quy hoạch phát triển để tạo đột phá tăng diện tích nuôi thâm canh và nuôi thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao để gia tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, phần còn lại tiếp tục nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, hình thức nuôi thâm canh phải tuân thủ công thức: Chỉ sử dụng tối đa 30% diện tích đối với mỗi cơ sở nuôi trồng để nuôi thâm canh, hoặc nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bắt buộc dành 70% diện tích còn lại phải làm ao xử lý nước đầu vào, đầu ra kết hợp nuôi quảng canh cải tiến với các đối tượng nuôi là tôm sú, cua, cá vược, cá rô phi, cá đối mục, rau câu...; xử lý sinh học làm sạch môi trường nước đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Hiện nay, một số xã vùng triều của huyện Hoằng Hóa đang tiến hành các bước để thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng NTTS, phấn đấu trong năm 2020, tất cả các xã có NTTS nước mặn, lợ thực hiện xong việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng sản xuất thủy sản theo định hướng của huyện. Từ đó, làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực NTTS cũng như từng bước thiết kế vùng nuôi theo chu trình sinh học đảm bảo phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nuoi-trong-thuy-san-o-huyen-hoang-hoa--quy-hoach-de-phat-trien-ben-vung/123643.htm