Nương tựa vào thiên nhiên giúp HTX giải bài toán đầu tư hạ tầng cho farmstay

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch nông nghiệp, phát triển các trang trại để thu hút khách du lịch là điều các HTX đang mong muốn. Tuy nhiên, đầu tư làm sao để vẫn đảm bảo được môi trường bền vững, không vi phạm pháp luật và toát lên được giá trị của mô hình du lịch nông nghiệp chính là băn khoăn của nhiều HTX.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (Quảng Ngãi), cho biết, HTX đang thiết kế homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách và làm một số tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ. Nhưng làm đường với chiều rộng như thế nào và xây dựng homestay với chất liệu gì, có chiều cao tối thiểu bao nhiêu thì cũng phải xem xét để không gây áp lực và phá hỏng môi trường tự nhiên của rừng dừa.

Băn khoăn trong đầu tư

Còn chị Hồ Thị Mười, Giám đốc HTX cộng đồng Ngọc Linh (Quảng Ngãi) chia sẻ, ý tưởng trồng sâm kết hợp làm du lịch của HTX đang gặp khó khăn vì theo quy định của ngành nông nghiệp địa phương dù là trồng sâm nhưng cũng không được sử dụng các vật liệu bằng thép gai, cọc sắt, đem nhựa làm giàn che, hàng rào… vì đưa những vật liệu này vào rừng đồng nghĩa với việc sẽ có các hoạt động tác động đến tầng mặt đất làm phá hỏng hệ sinh thái rừng. Trong khi trồng sâm hiện nay cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết, sương giá, nếu không làm giàn che cẩn thận thì ảnh hưởng đến chất lượng cây sâm.

Những băn khoăn của các HTX này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong Luật Đất đai 2013, các quy định về sử dụng đất đối với các farmstay chỉ dừng ở việc sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, chưa tích hợp giữa mục đích sử dụng đất nông nghiệp với các mục đích khác, nhất là mục đích dịch vụ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch nông lâm nghiệp chưa được cởi mở.

Chính vì vậy mà nhiều HTX đang đứng trước lựa chọn không đầu tư thì không có dịch vụ phục vụ khách, còn đầu tư thì chưa biết thiết kế, xây dựng như thế nào cho phù hợp, tránh tình trạng bị cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ ở mức tạm bợ thì vừa mất mỹ quan, vừa hạn chế hiệu quả sử dụng đất.

Du lịch nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn vì chưa có pháp lý rõ ràng nên việc HTX đầu tư cho mô hình này cần chú trọng đến yếu tố bền vững ngay từ ban đầu để tránh tình trạng vi phạm pháp luật.

Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp là việc du khách đến và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, hoạt động làm nông trên chính trang trại đó. Chủ nhân của farmstay sẽ thu được kinh phí từ việc cung cấp nơi ở, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay quy định chặt chẽ trong việc xây dựng các công trình trên đất nông, lâm nghiệp để làm du lịch, bởi các cơ quan quản lý đang lo ngại sự phát triển ồ ạt các điểm du lịch nông lâm nghiệp sẽ kéo theo không ít hệ lụy như phá vỡ kết cấu đất nông nghiệp, rừng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là kéo theo các "cò đất" kéo về các vùng quê đẩy giá đất lên cao. Nếu các điểm du lịch không được quản lý chặt chẽ sẽ bị bắt buộc tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng đất nông nghiệp.

Đề cao yếu tố thuận tự nhiên

Chính vì vậy, để đáp ứng được các chính sách pháp luật nhưng vẫn tận dụng được tiềm năng của du lịch nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng việc thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những công trình như farmstay, homestay cần phải đi theo hướng thuận tự nhiên. Nghĩa là nơi đó đất đá, cây cối, sông suối như thế nào thì các HTX, chủ trang trại phải cố gắng để nguyên hiện trạng.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần tận dụng những cái đã có sẵn trong tự nhiên rồi nương tựa, cải tạo, hình thành các công trình vào đó sao cho hài hòa, tránh tình trạng ngoại lai.

Chẳng hạn như HTX đang phát triển du lịch trên cánh rừng dừa nước ở miền Trung thì các kiến trúc phục vụ hoạt động nghỉ ngơi, dừng chân trên rừng dừa cần là những nguyên liệu từ thiên nhiên (lá dừa già, trang trí bằng quả dừa nước, sử dụng tre, gỗ…) chứ không nên xuất hiện một công trình xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt thép mang hơi hướng của miền Bắc hoặc của nước ngoài.

Hay đối với những địa phương có địa hình dốc, các HTX có thể tận dụng các công trình nhà rộng, nhà sàn để tránh đào bới đến đất, hạn chế tác động đến địa hình vốn có. Việc làm những con đường trong trang trại cũng bám vào địa hình, uốn cong theo những khúc quanh của núi, dốc thay vì dùng máy móc san phẳng địa hình để làm đường. Và khi nương tựa vào thiên nhiên, hạn chế sử dụng xi măng, sắt đá hoặc những vật liệu hóa học sẽ giúp hạn chế tối đa tác động không tốt đến môi trường tự nhiên. Điều này đang đi đúng hướng mà chủ trương của Nhà nước đang đặt ra trong các văn bản pháp luật.

Ông Vũ Văn Phong, Giám đốc công ty du lịch C2T (Bến Tre) cho rằng nhiều du khách có kinh tế nên rất muốn trải nghiệm du lịch gắn với thiên nhiên. Chính vì vậy, mọi hoạt động dịch vụ đến xây dựng cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đều gắn với thiên nhiên, cụ thể là cây dừa Bến Tre. Ngay việc tham quan rừng ngập mặn, đơn vị cũng tổ chức hoạt động trồng cây để vừa bảo vệ tự nhiên vừa thu hút khách quay lại vì nhiều người rất muốn xem thành quả do chính mình làm ra.

Theo ông Phong, phát triển và đầu tư như thế nào cho phù hợp luôn bài toán đau đầu cho các nhà đầu tư. Nhưng để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và khắc phục được những khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thì các nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần trả lời được các câu hỏi: Lý do xây dựng trang trại du lịch là gì? Trang trại này này có thể phát triển đến mức độ nào? Sử dụng vốn đầu tư như thế nào là hợp lý? Thời gian hoàn vốn là bao nhiêu? Nên đầu tư hết một lượt hay đầu tư theo từng giai đoạn?...

Thông thường, để đầu tư một trang trại du lịch nông nghiệp cần một nguồn đầu tư không nhỏ, chính vì thế, giải pháp nương tựa vào thiên nhiên để quy hoạch, xây dựng sẽ giúp HTX thuận lợi trong xoay xở nguồn vốn.

Bên cạnh đó, đề cao thiên nhiên giúp HTX có thể chia ra nhiều giai đoạn đầu tư, tránh xây dựng và phát triển ồ ạt. Trong giai đoạn đầu, với nguồn vốn không lớn lắm, HTX có thể xây tập trung vào các hạng mục để giúp trang trại hoạt động ổn định như nguồn nước, đường đi, phân khu, khu điều hành,... Sau một thời gian hoạt động ổn định và chuẩn bị được thêm vốn, HTX có thể tiếp tục bắt đầu giai đoạn tiếp theo như mở rộng nơi đón khách, cải tạo, xây dựng thêm cảnh quan...

Điều quan trọng là dù đầu tư hạng mục gì, HTX cần có cái nhìn dài hạn để vừa mang lại hiệu quả trong khi làm dịch vụ nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực của con người đến môi trường, trang trại. Bởi nhu cầu du lịch ngày càng lớn, dân số ngày càng đông chắc chắn sẽ gây tác động xấu đến hệ sinh thái và chính trang trại của HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nuong-tua-vao-thien-nhien-giup-htx-giai-bai-toan-dau-tu-ha-tang-cho-farmstay-1096173.html