Nuốt nước mắt vào trong khi bị nói 'người độc không con'

Nỗi khao khát con vốn đủ giày vò, song họ vẫn thường xuyên nghe những lời dèm pha sau lưng. Để có trái ngọt, những đôi vợ chồng này đã trải qua cả một chặng đường dài vất vả.

Chị Trần Thị Hương (31 tuổi), ở Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) kết hôn cùng anh Đàm Văn Tuân (36 tuổi) năm 18 tuổi. Dù đang trong độ tuổi sung sức, đôi vợ chồng vẫn không thể có con.

Khó khăn chồng chất nỗi đau

Sau lưng chị, người ta vẫn nói những lời dèm pha “Sao lấy nhau lâu vậy vẫn kế hoạch”. Thậm chí, người ác khẩu còn nói “Cây khô không trái, người độc không con”. Chị Hương ấm ức nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Kết quả khám cho thấy khả năng sinh sản của chị Hương rất tốt. Nhưng với anh Tuân, tinh trùng ít và phần đa là dị dạng do hậu quả của quai bị.

“Cách duy nhất để sinh con là làm IVF nhưng số tiền rất lớn. Hai vợ chồng ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng không biết bao giờ mới có tiền. Năm 2016, tôi quyết định đi làm công ty, lúc đó bắt đầu tích cóp có chút tiền dư”, chị Hương chia sẻ.

Ba năm đi làm công nhân ăn uống kham khổ, không dám mua sắm, đến năm 2019, chị Hương mới có 40 triệu trong tay. Vay mượn thêm, chị có 120 triệu để đi làm IVF. Hai vợ chồng xuống Hà Nội làm IVF, tạo được 9 phôi nhưng 2 lần chuyển đều thất bại. Sau đó, như một cơ duyên diệu kỳ, chị Hương biết tới chương trình hỗ trợ sinh sản miễn phí của Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội và được duyệt hồ sơ.

Năm 2021, vợ chồng chị lấy được 12 phôi nhưng chuyển 2 lần đều thất bại. Tháng 6/202, dù chuyển phôi thành công nhưng tới tuần thứ 8, chị lại không giữ được con.

Đến năm 2022, với sự động viên của gia đình, chị Hương và anh Tuân đi chuyển phôi lần cuối. Lần này, hạnh phúc đã “gõ cửa” căn nhà bé nhỏ của đôi vợ chồng.

Gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên và 2 bé sinh đôi. Ảnh: BSCC.

Gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, dân tộc Tày, ở huyện miền núi Bắc Quang - Hà Giang, cũng 9 năm ròng rã tìm con. Chị Niềm bị tắc 2 bên vòi trứng nên không thể có con tự nhiên. Áp lực về kinh tế cùng định kiến xã hội khiến vợ chồng chị đối mặt nhiều khó khăn. Suốt một thời gian dài, ai mách đâu có thuốc tốt, hai vợ chồng đều nghe theo nhưng không có kết quả.

Khó khăn chồng chất, kinh tế ngày càng hạn hẹp mà hành trình tìm con vẫn dang dở. May mắn hai vợ chồng được miễn phí chi phí IVF. Trải qua quá trình điều trị tại bệnh viện, cuối cùng những nỗ lực của hai vợ chồng chị Niềm đã được đền đáp bằng sự ra đời của thiên thần nhỏ vào tháng 6/2022.

Vợ chồng chị Trần Thị Xuân Thùy và anh Lê Anh Tuấn (Hà Nội) cùng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Nếu thụ thai và sinh con tự nhiên, đứa trẻ có khả năng mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sĩ tư vấn thực hiện IVF, đồng thời áp dụng chẩn đoán xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khỏe mạnh.

Khó khăn chồng chất khi chị Thùy còn bị u xơ tử cung dưới niêm mạc và polyp buồng tử cung ảnh hưởng đến kết quả làm tổ thành công của phôi thai. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cắt polyp và u xơ để tăng khả năng chuyển phôi thành công. Sau nhiều lần chuyển phôi thất bại, đến năm 2021, may mắn đã mỉm cười khi chị Thùy được bác sĩ thông báo mang song thai. Giữa năm 2022, hai “thiên thần” nhỏ đã chào đời trong niềm hạnh phúc của hai bên nội ngoại.

 Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền và các em bé chào đời bằng phương pháp IVF. Ảnh BSCC.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền và các em bé chào đời bằng phương pháp IVF. Ảnh BSCC.

Kỹ thuật hiện đại giúp ươm mầm sự sống

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn của bệnh viện - chia sẻ trong nhiều năm qua, hàng chục nghìn gia đình hiếm muộn đến thăm khám và điều trị, rất nhiều trường hợp thành công. Những câu chuyện của họ là minh chứng cho những điều kỳ diệu của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại.

Một trong những kỹ thuật hiện đại trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở nam giới là phương pháp phẫu thật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE. Đây là kỹ thuật vi phẫu để tìm từng ống sinh tinh còn sót lại trong tinh hoàn, từ đó kiểm tra và tìm tinh trùng. Tinh trùng thu được từ Micro TESE sẽ được dùng làm IVF và cho kết quả có con tương đương tinh trùng xuất tự nhiên.

Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới không có tinh trùng do các nguyên nhân như: Teo tinh hoàn do quai bị, các bất thường về gene, mất đoạn gene AZF, bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter…), ẩn tinh hoàn, hội chứng sinh tinh nửa chừng...

Một kỹ thuật khác áp dụng thành công là nội soi thăm dò buồng tử cung - đưa một ống soi vào buồng tử cung để kiểm tra và đánh giá hình dạng kích thước, các bất thường bên trong buồng tử cung như: Polyp buồng tử cung; dính buồng tử cung; ứ dịch tử cung…

Kỹ thuật này được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung, đồng thời hỗ trợ điều trị xử lý các tổn thương một cách tốt nhất, giúp tăng tỷ lệ có thai tự nhiên cũng như tăng hiệu quả chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Ngoài ra, các bác sĩ còn sử dụng hệ thống nuôi cấy, theo dõi phôi tự động tích hợp trí tuệ nhân tạo để theo dõi, đánh giá quá trình hình thành và phát triển của phôi.

Nhờ phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp, tỷ lệ thành công trung bình của phương pháp IVF hiện nay đạt khoảng 70%.

Linh Thùy - Thuận Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuot-nuoc-mat-vao-trong-khi-bi-noi-nguoi-doc-khong-con-post1431185.html