'Nút thắt' đàm phán Brexit vẫn chưa được tháo gỡ

Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đạt được 90% thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) dù vẫn còn khả năng hai bên sẽ không tìm được tiếng nói chung do 'nút thắt' hiện nay về vấn đề đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland...

Ngày 19-10, phát biểu trên Đài phát thanh France Inter, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michael Barnier cho biết, 90% thỏa thuận trên bàn đàm phán đã được nhất trí với Anh. Ông tin rằng, cả hai bên đều đang mong muốn đạt được thỏa thuận Brexit, tuy nhiên hiện vẫn không thể nói chắc chắn rằng các đàm phán sẽ thành công do bất đồng trong vấn đề biên giới Ireland. “Tôi tin rằng thỏa thuận Brexit là cần thiết, nhưng tôi không chắc rằng chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận như vậy”, ông Michael Barnier chia sẻ.

Nếu theo đúng kế hoạch thì nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019 và London luôn mong đợi các nhà lãnh đạo EU sẽ nhất trí đánh giá đàm phán Brexit đã đạt đủ tiến bộ để Anh và EU có thể hoàn tất thỏa thuận “ly hôn” và đưa ra tuyên bố về mối quan hệ thương mại giai đoạn hậu Brexit.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michael Barnier phát biểu trước báo giới. Nguồn: AP.

Sau hai ngày họp căng thẳng (17 và 18-10), Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) đã khép lại mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề Brexit do những vướng mắc hiện nay về vấn đề đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland. Ngày 18-10, 27 nước thành viên EU đã quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới với lý do Thủ tướng Anh Theresa May đã không đưa ra được ý tưởng mới nào nhằm tháo gỡ “nút thắt” đàm phán Brexit hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland. Tuy nhiên, giới chức EU sẵn sàng tham dự họp nếu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ra tuyên bố đàm phán đã "đạt được tiến bộ quan trọng". Trong bài phát biểu của mình trước các nguyên thủ châu Âu, nữ Thủ tướng Anh Theresa May chỉ kêu gọi hai bên cố gắng, đồng thời thừa nhận rằng, vấn đề Bắc Ireland là vấn đề khó khăn nhất phải giải quyết. Nhưng, điều quan trọng nhất là các đề xuất mới thì bà Theresa May đã không đưa ra.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU một ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đề nghị bà Theresa May đưa ra thêm sáng kiến giải quyết vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh trong kỷ nguyên hậu Brexit. Ông Donald Tusk cho rằng, Chính phủ Anh cần có suy nghĩ sáng tạo để tránh viễn cảnh "biên giới cứng" ở Ireland. Đây là nút thắt quan trọng trong quá trình đàm phán Brexit. Cả EU và Anh đều thống nhất việc không thể thiết lập biên giới cứng nhưng đều không chấp nhận các giải pháp mà bên còn lại đưa ra. EU muốn Anh đồng ý một “lằn ranh" để đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland và Ireland. Trong khi đó, Anh cho rằng, nếu nước này chấp thuận đề nghị của EU, vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn gắn chặt chẽ với các quy định của châu Âu về hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả thủ tục hải quan sau khi Anh rời khỏi khối. Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh, điều này sẽ tách Anh ra thành các khu hải quan khác nhau. Bà Theresa May muốn Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan của EU trên cơ sở có thời hạn. Tuy nhiên, đề xuất của bà Theresa May bị Brussels từ chối.

Các lãnh đạo EU cũng cảnh báo Anh rằng, EU sẽ không đưa ra thêm bất cứ nhượng bộ nào để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Brexit, song bày tỏ tin tưởng hai bên có thể đạt thỏa thuận “ly hôn” trước khi Anh chính thức rời “mái nhà chung” vào tháng 3-2019. Thủ tướng Đức Angela Merkel lạc quan rằng, EU và Anh có thể tránh được kịch bản tồi tệ Brexit mà không đạt thỏa thuận. Trong khi đó, một số lãnh đạo khác cho rằng điều này tùy thuộc vào hành động của Thủ tướng Anh Theresa May. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, yếu tố then chốt để đạt thỏa thuận cuối cùng là “sự nhượng bộ về chính trị của Anh”.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định đang cân nhắc khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm vài tháng sau khi nước này rời khỏi EU để có thời gian đạt được một thỏa thuận thương mại mới với EU.

Trước đó, nhằm tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán Brexit liên quan đến vấn đề đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và thành viên EU Ireland sau khi Anh rời EU, giới chức EU đã để ngỏ khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm một năm. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã chia sẻ ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến năm 2021, thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch. Mục đích của việc kéo dài này là để giới chức hai bên có thêm thời gian thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai sau khi London rời khỏi "mái nhà chung". Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, việc kéo dài thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit có thể sẽ diễn ra và đây là một sáng kiến hay. Ông cũng nhận định, điều này sẽ giúp Anh và EU có thời gian chuẩn bị cho mối quan hệ tương lai “theo cách tốt nhất có thể”.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/nut-that-dam-phan-brexit-van-chua-duoc-thao-go-552413